Dạy môn lịch sử không chỉ bằng số liệu và sự kiện đơn thuần (ảnh minh họa). Anh: N.A
|
Khi được thông báo tiết dạy của mình có đồng nghiệp dự giờ, cô Lê Thụy Hải Yến, giáo viên (GV) bộ môn lịch sử Trường THCS Cầu Kiệu (Phú Nhuận) vừa mừng lại vừa lo – mừng vì đây là tiết dạy cô đã chuẩn bị rất kỹ từ khâu soạn giáo án, tìm tài liệu minh họa… và lo vì lần đầu tiên cô GV trẻ này “biểu diễn” trước các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm.
Cô Hải Yến trăn trở rất nhiều về cách truyền thụ tri thức cho học sinh (HS) sao cho mới lạ, hấp dẫn và hiệu quả. Mặc dù nội dung tiết dạy “Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và văn hóa thế giới nửa đầu thế kỷ 20” đã được sách giáo khoa trình bày có hệ thống và rất khoa học, nhưng theo cô Yến, không vì thế mà thầy cô cứ “bê” tất cả vào trong giờ dạy của mình.
Thầy dạy sao… trò học vậy
Không bỏ qua phương pháp thuyết trình như một số tiết dạy khác, nhưng trong tiết dạy này GV đã biết phối hợp giữa thuyết trình của thầy và thuyết trình của trò. Nhờ có sự chuẩn bị trước của HS nên “lối mở” này tuy có khó khăn ở những “bước đi đầu” nhưng cuối cùng người dạy cũng phát huy được tính tích cực của các đối tượng trong lớp. Sức lôi cuốn của tiết học bắt đầu được manh nha khi GV chuyển phương pháp dạy từ “sợi dây” thính giác sang “con đường” thị giác. Hình ảnh những chiếc máy xe lửa hơi nước, nhà máy dệt ở các nước Âu – Mỹ và cả đoạn phim về những chất nổ, bom nguyên tử đầu tiên mà nhà bác học A. Nobel là “cha đẻ” đã làm cho toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa thành những “vệt sáng” rất ấn tượng trong trí nhớ của người học. Cả lớp càng thích thú và bất ngờ hơn khi được cô Hải Yến giới thiệu những cuốn sách kinh điển của nền văn học thế giới như: Hải Âu, Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy… Không gian lớp học càng “bừng sáng” và có sức lay động hơn khi các em được nghe một đoạn nhạc du dương từ vở vũ kịch Hồ thiên nga của Traicopxki, Ca-chiu-sa của dân ca Nga… 45 phút trôi nhanh nhưng dấu ấn về một bài học lịch sử cách nay gần 100 năm vẫn còn để lại dư âm trong bài học.
Nhiều GV cho biết, từ trước đến nay, không chỉ người học mà cả người dạy luôn than vãn về bộ môn chỉ có những con số và sự kiện khô khan này. Đó là một thực tế. Môn học lịch sử mang tiếng khô khan này luôn đòi hỏi HS phải có trí nhớ tốt và phải biết phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề. Đây chính là một “ngưỡng cửa” không phải HS nào cũng có thể dễ dàng vượt qua. Trước đây do HS có ít tài liệu, GV thì dạy theo phương pháp truyền thống đọc – chép nên cách học thuộc lòng và cách dạy “tầm chương trích cú” vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay nếu chúng ta cứ đi theo lối mòn trong phương pháp dạy, đặc biệt là cách truyền thụ kiến thức các môn khoa học xã hội như lịch sử thì khó đạt kết quả theo mong muốn.
Chúng tôi đã từng được “mục sở thị” một tiết học bài lịch sử Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, GV đọc nội dung bài học cho HS chép vào vở không khác gì so với sách giáo khoa mà em nào cũng có. Tệ hơn, tiết học chẳng những không có sa bàn, hình chiếu, phim ảnh mà ngay đến bản đồ cũng không có (theo giải thích của GV là trong sách giáo khoa đã có đủ cả rồi). Các em HS cũng thảo luận, phát biểu ý kiến và ghi chép đầy đủ nhưng không khí lớp học không sinh động, cuốn hút HS.
Điều chỉnh dạy và học như thế nào?
Thực tế cho thấy, lượng kiến thức của bộ môn lịch sử ở lớp nào, cấp nào hiện nay cũng quá tải dù chương trình đã có sự đổi mới và thay sách. Bên cạnh đó, như ý kiến nhiều GV bộ môn, khâu kiểm tra, đánh giá HS qua các kỳ kiểm tra hay thi cử vẫn còn coi trọng kiến thức hàn lâm nên người dạy và người học vẫn không thể thoát ra được “tấm áo choàng” cũ kỹ, lạc hậu của tri thức. Mặc dù ngành GD-ĐT đã nhiều lần “cởi trói” cho người thầy khi thực hiện phân phối chương trình nhưng không phải ai cũng biết thay đổi “lối đi”. Phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho môn học lịch sử không hấp dẫn HS?
Có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn lịch sử lớp 12, cô Phạm Thị Bích Tuyền – Trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân rất quan tâm đến việc “làm mới” các tiết dạy sử của mình. Không chỉ trong giờ học chính khóa mà ở các tiết ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cho từng lớp, từng khối, cô Bích Tuyền không bao giờ bằng lòng với những gì mà mình đã làm trước đó. Trong khi đó, cô Phạm Thị Hạ Tùng – GV Trường THPT Phan Đăng Lưu có bao nhiêu năm đứng lớp thì hầu như thời gian đó cô phụ trách công tác bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử của trường và liên tục có HS đoạt giải cấp TP. Vì thế, các em HS rất thích học giờ học môn lịch sử của cô, vì cô dạy hay và dạy giỏi. Thầy dạy hay thì có trò giỏi.
Tóm lại, điểm thi môn sử trong các kỳ thi trước đây và năm nay có chiều hướng “tuột dốc” rõ ràng là hệ quả tất yếu của cách dạy và cách học trì trệ. Trong các kỳ thi ĐH, CĐ vẫn có nhiều thí sinh học giỏi môn lịch sử nhưng đa số các em này lại đăng ký thi khối khác hấp dẫn hơn, thời thượng hơn. Vì thế, câu chuyện hàng ngàn điểm 0 môn sử trong kỳ thi ĐH 2011 cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Nếu chúng ta biết điều-chỉnh-hướng-đi trong việc dạy và học thì chắc chắn môn học nào các em cũng yêu thích và hào hứng, chứ không riêng gì môn lịch sử
Hương Thủy
Môn học lịch sử mang tiếng khô khan nên đòi hỏi HS phải có trí nhớ tốt và biết phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề. Đây chính là một “ngưỡng cửa” không phải HS nào cũng dễ dàng vượt qua.
|
Bình luận (0)