Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giúp học trò “qua sông không phải lụy đò”

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Bảy thường xuyên có mặt trên những chuyến đò

Đến ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM hỏi bất kỳ một đứa trẻ nào cũng biết vợ chồng ông bà Bảy Bé, người đã hơn 15 năm đưa đò miễn phí cho học sinh (HS) sang sông đi học.
Năm 1995, chính quyền địa phương cho nâng cấp và mở rộng đường Đào Sư Tích, con đường duy nhất dẫn về trung tâm UBND xã Phước Lộc. Có đường mới khang trang, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy như trước nhưng hàng chục hộ dân sống bên kia sông (cũng thuộc ấp 3, xã Phước Lộc) vẫn chưa thoát khỏi cảnh đi lại bằng đò.
Vay tiền mua đò
Nhìn những chiếc đò nhỏ bé, thiếu an toàn ngày ngày đưa HS sang sông, chị Nguyễn Thị Chín (tên thường gọi là chị Bảy Bé, vợ anh Nguyễn Văn Bé) không khỏi xót xa. Có không ít hộ nghèo không đủ tiền đóng đò, con cái họ phải đi ké đò của nhà hàng xóm để đến trường. Thấy vậy, chị Bảy bàn với chồng mua một chiếc đò vừa là để kiếm kế sinh nhai vừa phục vụ miễn phí cho HS.
Chiếc đò chèo tay với giá vài triệu đồng của vợ chồng anh Bảy đi vào hoạt động khiến người dân nơi đây vui mừng khôn xiết. Nhưng rồi đò nhỏ không thể đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân ngày một đông. Không lâu sau, có được chút đỉnh tiền từ khoản đền bù đất của mẹ chồng cho, chị Chín lại đi gõ cửa cơ quan chức năng xin vay tiền để mua đò máy. Chiếc đò máy có trị giá hơn 30 triệu đồng – số tiền không phải nhỏ. Để bù vào khoản còn thiếu, vợ chồng anh Bảy phải chạy vạy khắp nơi. Lúc bấy giờ không ít người bảo vợ chồng anh Bảy khùng nặng, tự dưng bỏ mấy chục triệu đồng ra mua đò. Nhưng anh chị chẳng màng đến lời ra tiếng vào, quyết thực hiện ước mơ của mình. Được sự ủng hộ của chính quyền, Khu quản lý đường sông cũng như người thân, bến đò Bảy Bé ra đời từ đó.
Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, tuổi thơ của chị Bảy lắm cơ cực. Ngày ấy ở ấp Bình Thới 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, gia đình chị Bảy với gần chục miệng ăn đều trông chờ vào cái nghề đưa đò của cha mẹ. Năm lên 7, chị đã xuống đò làm những công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho người lớn. Giặc càn, cả gia đình chị dắt về ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè và tiếp tục nghề đưa đò. “Không biết có phải vì cái nghiệp đưa đò của cha tôi không mà nhiều lần muốn lên bờ làm công việc khác nhưng không thể”, chị Bảy chia sẻ.
Nguyện đưa đò đến khi có cầu
Để đảm bảo an toàn cho khách đi đò, chị Bảy cho các con đi học lái và đều được cấp bằng hẳn hoi. Không chỉ thế, chị Bảy còn thường xuyên túc trực, theo những chuyến đò sang sông để nhắc nhở khách mặc áo phao. “Ai không chịu mặc áo phao thì đừng hòng đi đò của tôi”, chị Bảy thẳng thắn nói.
Cuộc sống gia đình anh chị Bảy không mấy khá giả bởi thu nhập từ việc đưa đò không cao lại phải thuê thêm người phụ. Biết tin nhiều phụ huynh không có thời gian đưa con cháu ra bến đò, chị Bảy kiêm luôn việc này. Những hôm mưa gió, nhà chị Bảy đông vui hơn bởi ở đó là nơi để HS nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi học chiều. Chị Bảy tâm sự: “Có tháng máy hỏng liên tục không có tiền sửa chữa, đò ngưng hoạt động. Thế nhưng, thấy tụi nhỏ ngày nào cũng ra trông đò tôi cầm lòng không được. Đã trót làm cái nghề này thì phải có trách nhiệm với các cháu. Tôi mong sao có đủ sức khỏe để ngày ngày đưa tụi nó đến trường. Tôi luôn dạy bảo các con, khi nào có chiếc cầu bắc ngang sông, học trò ở đây được đi lại an toàn thì mới thôi nghề đưa đò”.
Hơn 15 năm đưa đò, nhiều thế hệ học trò thành đạt, mỗi người sống mỗi nơi nhưng ai cũng nhớ đến ông bà Bảy. Dịp lễ, tết, nhà của chị Bảy tràn ngập niềm vui. Nhiều lớp học trò đến thăm hỏi, bày tỏ lòng biết ơn người ngày ngày đưa mình sang sông đi học.
“Nắng mưa vất vả đến mấy tôi cũng chịu được. Tôi mong được phục vụ các cháu để sau này tụi nó cống hiến sức lực và trí tuệ cho quê hương, cho xã hội. Ai cũng ngại khó ngại khổ thì lấy đâu ra người đưa học trò đến trường. Đưa đò cho các cháu là niềm hạnh phúc vô bờ trong cuộc đời tôi. Tôi quý công việc này hơn cả tiền bạc”, chị Bảy xúc động.
Với những đóng góp của chị Bảy và gia đình, bến đò Bảy Bé nhiều năm liền được nhận bằng khen, giấy khen của UBND huyện, Ban An toàn giao thông TP.HCM.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Không chỉ đưa đò cho HS thuộc ấp 3, xã Phước Lộc mà bến đò Bảy Bé còn phục vụ miễn phí cho HS các xã Phong Phú, Đa Phước… (huyện Bình Chánh) với tổng số gần 100 em đang theo học tại Trường Tiểu học Bùi Thanh Khiết, THCS Phước Lộc, huyện Nhà Bè.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)