Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Giúp HS khiếm thị không tự ti, mặc cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Cái tên Trần Hồng Điệp đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ HS Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Không chỉ là cô giáo giỏi nghề, cô Điệp còn là người mẹ, người chị, là chỗ dựa tinh thần của HS khiếm thị.

Cô Trần Hồng Điệp (bên phải) 

Cô Trần Hồng Điệp đã gắn đời mình với HS khiếm thị từ năm 1989, lúc ấy cô chỉ ngoài 20 tuổi. Với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu tiếp xúc đã thôi thúc cô Điệp tự tìm hiểu, nghiên cứu để đến với các em dễ dàng hơn. Và khi mọi thứ đã ổn định, cũng là lúc cô phát hiện ra rằng ngôi trường này chính là môi trường gần gũi, thân thiện như chính ngôi nhà của mình vậy.

Là giáo viên bộ môn vật lý, cũng như bao đồng nghiệp khác, cô Điệp luôn ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Những ngày đầu lên lớp, cô Điệp khóc nhiều trước hoàn cảnh éo le đã vận vào người những đứa trẻ tội nghiệp kia. Cô khóc vì không biết phải làm sao để HS nhận biết mặt chữ dù đã rất cố gắng. Lúc bấy giờ, không ít đồng nghiệp cho rằng có thể cô bỏ cuộc nhưng không, cô đã nhanh chóng thích nghi với môi trường giáo dục đặc biệt này.

Với HS mù, khó khăn nhất là nhận được mặt chữ, trong khi lúc bấy giờ học cụ dành cho đối tượng này còn hạn chế. Từ những trở ngại thực tế, cô Điệp suy nghĩ và khắc phục bằng cách đóng chữ nổi lên trên mặt gỗ để HS dễ nhận biết. Kết quả không ít HS mù đã mất đi xúc giác, không nhận được mặt chữ đã tự tin theo kịp chương trình, xóa cảm giác tự tin, mặc cảm và ham thích học.

Từ kết quả học tập của HS, sự hỗ trợ nhiệt tình, đoàn kết của tập thể sư phạm, cộng với nỗ lực bản thân, cô Điệp sớm trở thành một giáo viên giỏi nghề, tâm huyết. Không dừng lại ở thành công bước đầu đó, sau mỗi giờ lên lớp, cô Điệp luôn dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu các phần mềm và mạnh dạn trao đổi, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ HS khiếm thị học tốt hơn nữa môn vật lý. Sơ đồ mạch điện bằng chữ nổi trên giấy từ ứng dụng phần mềm quicktac là một trong những sáng kiến của cô được áp dụng thành công tại trường.

Với tác phong chuẩn mực, dễ gần và đặc biệt là luôn quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh, cô Điệp đã được chi bộ, tập thể CB-GV-NV tín nhiệm vị trí Chủ tịch Công đoàn trường. Dù công tác kiêm nhiệm nhưng cô Điệp luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn có những giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB-GV-NV. Phong trào đoàn thể của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu cụm thi đua các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Sau nhiều năm nỗ lực cống hiến, có nhiều sáng kiến hỗ trợ người khiếm thị, cô Điệp vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ GD-ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM… Cô Trần Hồng Điệp cũng là một gương mặt của Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014 và là gương điển hình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Công đoàn Giáo dục TP.HCM tuyên dương.

Bài, ảnh: Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)