Khi nói đến lão hóa, nhiều người thường nghĩ đến bệnh tật và suy giảm chức năng. Tuy nhiên, theo ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà, Phó Trưởng khoa/phụ trách Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì lão hóa thành công là khi một người dù đã lớn tuổi vẫn duy trì được chức năng thể chất, tinh thần và xã hội tốt…
Lão hóa thành công – Không chỉ là sống lâu mà còn sống khỏe
Xã hội hiện đại đang chứng kiến sự tăng trưởng về tuổi thọ trung bình, với số người trên 60 tuổi ngày càng nhiều. Theo Liên hợp quốc, tuổi thọ trung bình toàn cầu tính đến năm 2023 là 70,8 năm đối với nam giới và 76,0 năm đối với nữ giới, trung bình là 73,4 năm. Ở Việt Nam, con số này cũng tăng lên, tạo nên một lớp dân số lớn tuổi mới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lão hóa mà vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận đặc biệt từ lĩnh vực lão khoa. ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà, Phó Trưởng khoa/phụ trách Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đã đưa ra khái niệm “lão hóa thành công” – một khái niệm quan trọng và thiết thực cho người cao tuổi.
Khi nói đến lão hóa, nhiều người thường nghĩ đến bệnh tật và suy giảm chức năng. Tuy nhiên, theo BS Bích Hà, lão hóa thành công là khi một người dù đã lớn tuổi vẫn duy trì được chức năng thể chất, tinh thần và xã hội tốt, không gặp phải các hội chứng lão hóa nghiêm trọng như suy giảm nhận thức, mất ngủ hay dễ té ngã. Đây không phải là trạng thái may mắn ngẫu nhiên mà là kết quả của những yếu tố khác nhau, bao gồm sức khỏe tinh thần, lối sống và chế độ dinh dưỡng.
BS Bích Hà cho biết, lão hóa không đồng nghĩa với bệnh tật. Người cao tuổi thường có bệnh nền từ trước, chẳng hạn như tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Tuy nhiên, có những người lớn tuổi vẫn giữ được sức khỏe tốt nhờ việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, và duy trì các hoạt động thể chất.
Trong khi nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường hay thoái hóa khớp, có một số khác vẫn sống khỏe mạnh, duy trì thể lực và tinh thần minh mẫn đến tận tuổi 80-90 hoặc hơn. Đây chính là mục tiêu mà nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên thế giới đang hướng đến.
Một trong những vấn đề mà người cao tuổi dễ gặp phải là hội chứng lão hóa.
BS Bích Hà chia sẻ: “Khi một người lớn tuổi bị hội chứng lão hóa, họ sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ hơn khi mắc bệnh. Chẳng hạn, người cao tuổi có hội chứng suy yếu sẽ dễ bị tổn thương nếu mắc các bệnh cấp tính như viêm phổi. Hội chứng này không chỉ làm tăng nguy cơ té ngã, mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của họ”.
Các yếu tố quyết định lão hóa thành công
Sức khỏe thể chất là nền tảng của lão hóa thành công. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn và kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường giúp người cao tuổi duy trì thể trạng tốt hơn.
Để lão hóa thành công, người cao tuổi cần có sự hỗ trợ từ gia đình và bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa lão phải đối mặt với thử thách khi điều trị cho bệnh nhân cao tuổi, do tình trạng “đa bệnh”. Điều này có nghĩa là người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính cùng lúc, như tăng huyết áp, tiểu đường và thiếu máu cơ tim. Khi đó, bác sĩ phải hết sức cẩn trọng khi kê đơn thuốc, để tránh tình trạng tương tác thuốc gây hại.
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh ở người cao tuổi. Bằng cách thăm khám thường xuyên, các bác sĩ có thể theo dõi, điều chỉnh liều lượng thuốc, và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường. Điều này giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, đồng thời giảm bớt áp lực tâm lý cho người cao tuổi.
Đối với mỗi người cao tuổi, việc hiểu và chủ động kiểm soát sức khỏe của bản thân sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa cho một cuộc sống lão hóa thành công. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng già hóa, sự quan tâm và chăm sóc người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của gia đình, mà còn là nhiệm vụ chung của cộng đồng và hệ thống y tế. |
Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến nghị người lớn tuổi nên giảm lượng muối, đường và chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn, thay vào đó là bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa như rau xanh, hoa quả tươi, cá hồi, các loại hạt có thể giúp cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ các bệnh mãn tính như cao huyết áp và tiểu đường.
Ngoài ra, vận động thể chất thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng. Một số bài tập nhẹ như đi bộ, yoga hoặc thể dục nhịp điệu không chỉ cải thiện thể lực, mà còn giúp duy trì sức khỏe tinh thần.
BS Bích Hà cho biết, tâm lý của người cao tuổi có xu hướng trở nên khó tính và dễ nhạy cảm hơn. Khi thiếu sự giao tiếp và chia sẻ, họ có thể cảm thấy bị cô lập, dẫn đến trầm cảm.
Việc gia đình dành thời gian chăm sóc và thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi là vô cùng quan trọng. Thay vì chỉ thăm khám y tế, các bác sĩ và y tá cũng cần có sự kiên nhẫn và thấu hiểu, tạo sự tin tưởng để người cao tuổi cởi mở chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình. Điều này giúp bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán và điều trị chính xác, đồng thời tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa người bệnh và bác sĩ.
Lão hóa thành công là điều mà nhiều người cao tuổi ao ước, nhưng để đạt được điều này không phải là dễ dàng. Sự phối hợp giữa chăm sóc y tế, chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể chất và sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Thương Nguyên
Bình luận (0)