Nhận thấy cây atisô đỏ phù hợp với vùng đất cát pha khô cằn, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1995) đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng và liên kết mở rộng mô hình trồng cây này trên diện tích rộng 47ha tại 5 xã thuộc huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Với sản phẩm đầu ra đa dạng, Hiền đã viết nên câu chuyện giúp bà con nông dân ở nơi đây thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Canh tác hoa atisô đỏ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương
Đổi thay vùng đất cằn
Bà con nông dân ở xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhắc đến Nguyễn Thị Thu Hiền như một nhà nông chính hiệu, đã giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể hơn so với gần cả cuộc đời canh tác ngô, khoai trên những thửa đất khô cằn quê mình. Sinh năm 1995, trông Hiền dạn dày sương nắng so với tuổi của mình. Hơn 8 năm trước, khi đang là sinh viên năm 2, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), Hiền từng trăn trở rất nhiều với kế sinh nhai của bà con quê mình. Nhận thấy miền đất khô cằn này phù hợp cho cây hoa atisô đỏ phát triển, Hiền tìm mọi cách để thực hiện ý tưởng. “Năm 2015, khi lập gia đình, tôi chia sẻ tâm tư với chồng và nhận được sự ủng hộ. Thời gian đó, anh là hướng dẫn viên du lịch đưa khách về các tỉnh miền Bắc. Ở đó, anh đã tìm thấy giống hoa atisô đỏ mang về để tôi thử nghiệm”, Hiền kể.
Khi kết quả thí điểm thành công, Hiền bắt đầu gieo trồng trên diện tích 200m đất vườn nhà mình. Vừa trồng, vừa tìm hiểu để chế biến các sản phẩm và tìm đầu ra. Hiền bảo, khó khăn nhất là thay đổi tư duy của bà con. Ai đi ngang vườn atisô đỏ cũng dừng lại ngắm nghía rồi lắc đầu. Không có cách nào khác, Hiền phải vượt qua mọi áp lực, tìm tòi, học hỏi để cho ra sản phẩm chất lượng và có giá trị. Ban đầu, Hiền tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, bán online nhưng nếu chỉ bán hoa tươi thì sẽ không ổn định vì có những lứa hoa chín mọng vẫn chưa tìm thấy khách hàng có nhu cầu, hoa hỏng đành bỏ đi. “Từ đó, tôi nghiên cứu làm các sản phẩm siro, mứt, trà, rượu… để đa dạng hóa sản phẩm cũng như dễ dàng tìm kiếm thị trường”, Hiền nói.
Từ một mảnh vườn vài trăm mét vuông, Hiền mở rộng trên diện tích 4ha, trong đó 1ha dành để nhân giống cây con. Chính trong khó khăn lại là cơ hội. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, vốn là một dòng thực phẩm có nhiều vitamin C nên các sản phẩm từ atisô đỏ của Hiền bán được rất nhiều, dù lúc đó các khâu vận chuyển dường như chỉ thông qua các hãng xe vận tải thay vì có thể gửi hàng ở nhiều cách khác nhau.
Giúp nông dân có thêm sinh kế
Khi có một lượng khách hàng nhất định, vườn cây atisô đỏ của Hiền được chú ý nhiều hơn. Hiền cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết và thuyết phục bà con làm theo mình. Bà Lê Thị Hiệp – một hộ dân trồng 6 sào atisô đỏ phấn khởi nói: “Mấy chục năm ni, tôi chỉ biết canh tác cây khoai, cây ngô. Tìm hiểu cách thức trồng atisô từ chị Hiền, tôi làm theo và thu hoạch có lợi gấp 3 lần các hoa màu khác. Hoa trồng ra đã có chị Hiền thu mua nên không lo bị ế, cũng không phải nhọc công tìm đầu ra”. Cách thửa ruộng của nhà chị Hiệp không xa, ông Lê Quang Cường vừa nhanh tay thu hoạch hoa vừa nói: “Trước đây không ai nghĩ vùng đất cằn sỏi đá này lại có thể phát triển kinh tế tốt như thế này. Người dân quanh năm còng lưng cuốc đất, làm cỏ để trồng khoai, trồng đậu. Mỗi năm thu hoạch nếu được mùa thì coi như lấy công làm lãi, mất mùa thì canh tác không công. Bây giờ, trồng atisô đỏ sau 3 tháng đã cho thu hoạch, mỗi năm được hai vụ, cứ theo quy trình canh tác sạch, bón phân đúng quy định, cứ đến đợt lại cắt hoa, đưa về cân bán là có tiền. Mỗi sào cho thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng. Bà con rất phấn khởi”.
Suốt 5 năm bền bỉ với khát vọng đổi thay một vùng đất, ý tưởng “Lập vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây atisô đỏ” của Hiền đạt giải nhất Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức; Giải ba Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế.
|
Từ mô hình riêng của gia đình, Hiền đã kết nối khoảng gần 100 hộ dân ở 5 xã: Phong An, Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Hòa, Phong Thu thuộc huyện Phong Điền cùng mở rộng diện tích lên đến 47ha. Không chỉ vậy, Hiền còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thời vụ vào kỳ thu hoạch hoa, tách hạt. Bình quân mỗi năm, Hiền bán ra thị trường 10 ngàn hộp trà túi lọc, 7.500 hộp mứt, 2.000 lít siro, 2.000 chai rượu. Tổng sản lượng thu hoạch để chế biến khoảng 468 tấn hoa tươi. Suốt 5 năm bền bỉ với khát vọng đổi thay một vùng đất, ý tưởng “Lập vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây atisô đỏ” của Hiền đạt giải nhất Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức; Giải ba Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Tôi vui và hạnh phúc khi có thể góp phần nhỏ của mình giúp người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại nguồn kinh tế ổn định. Hoa atisô đỏ là một loài dược liệu tốt cho sức khỏe, chứa nhiều vitamin và dược tính tốt nên việc phát triển những sản phẩm từ loài hoa này cũng được rất nhiều khách hàng quan tâm và ưa chuộng. Tôi đã chế biến thành nhiều sản phẩm như: nước cốt, nước cốt kèm hoa, mứt, trà, trà túi lọc, bột trà hòa tan, hoa tươi… nhằm đa dạng sản phẩm để khách hàng lựa chọn và truyền tải giá trị dinh dưỡng của loài thảo dược này bằng nhiều sản phẩm khác nhau. Sắp tới, tôi sẽ cho ra mắt thêm vườn hoa tham quan tại huyện Phong Điền để du khách khắp nơi có thể về tham quan du lịch và trải nghiệm sản phẩm tại phòng trưng bày và quan sát quá trình sản xuất sản phẩm”, Hiền chia sẻ.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)