Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp sinh viên “nhập cuộc” với tín chỉ ngay từ năm thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên năm thứ nhất thích ứng chưa cao với chương trình đào tạo theo học chế độ tín chỉ nên kết quả học tập còn thấp.

Trước thực tế này, cô Nguyễn Thị Xuân Hương – giảng viên Trường ĐH Quảng Binh – đề xuất một số biện pháp giúp sinh viên nâng cao khả năng thích ứng với chương trình đào tạo này, từ đó tăng kết quả học tập.

Trang bị hiểu biết về tín chỉ

Nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên có những hiểu biết cơ bản đối với chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ đang triển khai thông qua tuần sinh hoạt công dân đầu năm, qua những buổi gặp gỡ trao đổi giữa Ban giám hiệu với sinh viên, qua các tổ chức Đoàn, Hội, qua những buổi tọa đàm…

Nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được giải đáp những thắc mắc, bày tỏ những khó khăn cũng như mong muốn của mình khi học chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ để sinh viên chủ động và tự tin khi học theo chương trình đào tạo mới này.

Xây dựng thái độ học tập đúng đắn

Trong quá trình học tập, nghiên cứu, giảng viên cần giúp cho sinh viên hình thành thái độ học tập đúng đắn. Đó là thái độ nghiêm túc trong tập luyện, học tập vì tương lai nghề nghiệp sau này, không đối phó, không chiếu lệ trong tập luyện.

Sinh viên cần học tập đức tính khiêm tốn, chịu khó học hỏi, rèn luyện cả chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Khi sinh viên có thái độ đúng, hăng say tập luyện thì tốc độ thích ứng với hoạt động học tập sẽ nhanh hơn.

Để sinh viên có thái độ đúng cần phải tổ chức giáo dục cho họ thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Qua các giờ học tập trên lớp, qua các buổi học ngoại khóa, thông qua sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp, thông qua các câu lạc bộ trao đổi về kinh nghiệm học tập…

Phải có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên để điều chỉnh những thái độ không phù hợp… Bên cạnh đó, giảng viên cần hiểu rõ sự hiểu biết, năng lực, sở thích, nhu cầu, tình cảm… của sinh viên, tạo được mối quan hệ thân thiết, cởi mở giữa giảng viên và sinh viên.

Vì mối quan hệ tốt đẹp giữa giảng viên và sinh viên là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành ở sinh viên thái độ học tập đúng đắn.

Bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu

Đây là vấn đề có ý nghĩa mấu chốt trong chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, khi thời gian học tập trên lớp giảm đi, thời gian dành cho các hoạt động độc lập của sinh viên tăng lên. Nếu sinh viên không tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ.

Đầu tiên giảng viên cần phải giúp đỡ sinh viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tự học, hướng dẫn sinh viên xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn.

Giảng viên cần phải rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng tự học cần thiết như: Lập kế hoạch tự học, biết tổ chức thực hiện kế hoạch tự học từ việc nghe giảng và ghi chép, hệ thống hóa và khái quát hóa trong tự học đến kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá trong hoạt động tự học…

Mặt khác, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên kỹ năng đọc sách vì đây là một khâu quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tự học; giúp sinh viên hiểu rõ đọc sách khác với đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết; đọc sách đòi hỏi người đọc phải xác định mục đích và yêu cầu trước khi đọc, đọc sách phải kết hợp với ghi chép những điều cần thu thập, khi đọc cần phải hiểu và nhớ những điều cốt yếu, đồng thời phải đưa ra những nhận xét, đánh giá của bản thân.

Nâng cao khả năng thuyết trình

Giảng viên phải thường xuyên giao nhiệm vụ cho sinh viên bằng cách yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài thuyết trình đồng thời cần tạo điều kiện cho tất cả sinh viên trong lớp được thực hiện công việc thuyết trình trước tập thể; hướng dẫn sinh viên cách chuẩn bị cũng như cách thuyết trình hiệu quả.

Giảng viên cần phải có sự khuyến khích, động viên sinh viên khi họ tham gia thuyết trình, đặc biệt cần phát huy tinh thần tự giác của sinh viên trong hoạt động này. 

Giảng viên cần phải có sự đánh giá, nhận xét bài thuyết trình của sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên được trình bày những thắc mắc của mình.

Tăng cường phương pháp dạy học tích cực

Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực là một trong những đặc trưng của chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Nếu trong chương trình đào theo học chế tín chỉ, giảng viên vẫn sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống, dựa trên cơ sở thuyết trình – diễn giảng là chủ yếu thì không thể nào nâng cao được chất lượng và hiệu quả của phương thức đào tạo này.

Giảng viên cần phải tăng cường sự kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau, đặc biệt tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học như: 

Phương pháp dạy học “nêu vấn đề”, thảo luận nhóm, xêmina, tăng cường liên hệ thực tế, thực hành, cũng sử dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau nhằm khơi gợi hứng thú học tập, khả năng tư duy sáng tạo của người học.

Bên cạnh đó, giảng viên cần quan tâm đến việc biên soạn tài liệu bài giảng, lựa chọn hình thức dạy học phù hợp đảm bảo vừa sức, vừa sát đối tượng, giúp sinh viên giảm bớt căng thẳng tâm lý trong học tập; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sinh viên trong việc tìm kiếm các tài liệu trên các phương tiện khác nhau. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập đề ra.

Tổ chức nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm học tập

Nhà trường cần tổ chức nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm về cách học ở đại học cho sinh viên năm thứ nhất tham gia.

Trong các hội thảo này, cần có sự tham gia của các chuyên gia, thầy cô giáo với tư cách là các nhà tư vấn hướng dẫn cho sinh viên về phương pháp học tập ở đại học, ví dụ như cách lập kế hoạch học tập, cách nghe giảng và ghi chép bài, đọc sách, thảo luận nhóm…

Hướng dẫn này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa phương pháp học tập đã có từ môi trường phổ thông và phương pháp học tập cần có ở đại học.

Đồng thời, trong hội thảo cần mời các sinh viên khóa trên có thành tích học tập tốt cùng tham gia trao đổi chia sẻ về cách thức học tập của mình cùng với sinh viên năm nhất để các em năm nhất có thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm học tập.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học

Nhà trường cần tăng cường đầu tư về giáo trình, tài liệu tham khảo, các phương tiện kĩ thuật hiện đại; đồng thời cần tăng cường các biện pháp quản lí, yêu cầu giảng viên khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện có, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, tự nâng cấp phương tiện và điều kiện dạy học.

Nhà trường phải có kế hoạch xây dựng thêm những phòng học lớn, trang bị các thiết bị hỗ trợ giảng dạy (100% các lớp học đều có hệ thống âm thanh, thiết bị trình chiếu, máy tính, projector lắp cố định); nâng cấp hệ thống thông tin nội bộ, mạng internet, trang web, tăng cường thiết bị thí nghiệm.

Cùng với đó, mở rộng hệ thống thư viện, phòng đọc cho sinh viên, chú trọng biên soạn giáo trình, sách giáo khoa; tăng cường sưu tầm các tài liệu tham khảo, tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu.

Hải Bình (ghi)/GD&TĐ

Bình luận (0)