Để tân sinh viên có thể sẵn sàng thích nghi với môi trường mới, theo một số chuyên gia tâm lý, các em cần chú ý 4 kỹ năng sau:
Kỹ năng hòa nhập
Sinh viên xa nhà trong năm đầu học ĐH dễ cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ giữa một môi trường xa lạ, có thể rơi vào tình trạng lo lắng, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là muốn bỏ cuộc ngay khi hành trình vừa bắt đầu. Nếu tân sinh viên biết nhanh chóng hòa nhập là khi các em tạo ra cho mình một môi trường thoải mái và tinh thần lạc quan, phấn khởi sẵn sàng đón nhận những khó khăn trước mắt và từng bước vượt qua. Điều đó sẽ kích thích các em học tập và sinh hoạt có hiệu quả. Muốn có được điều đó thì các em phải chủ động tự tìm hiểu về ngôi trường mình sẽ học trong những năm sắp tới. Đặc biệt là những nét truyền thống của nhà trường, qua đó giúp các em cảm thấy tự hào với ngôi trường cũng như ngành nghề mà mình sẽ học.
Kỹ năng tự lập
Đây là kỹ năng rất quan trọng đối với tân sinh viên. Mới rời khỏi gia đình, các em bước vào một môi trường mới với những khó khăn mà mình phải tự giải quyết. Bởi nếu không tự giải quyết thì các em sẽ khó có thể thích ứng được. Chẳng hạn tự học, đi chợ, nấu nướng, sinh hoạt, giặt giũ…, tất cả những công việc mà trước đây các em ít phải làm hoặc cùng làm với gia đình. Một số sinh viên được gia đình bảo bọc, chiều chuộng chỉ biết mỗi việc học tập thì rất khó thích nghi với môi trường không có cha mẹ ở gần bên. Để thực hiện tốt kỹ năng này thì bản thân mỗi em phải nỗ lực ý chí, khắc phục khó khăn, không ỷ lại, buông xuôi.
Kỹ năng thiết lập các mối quan hệ
Vào giảng đường ĐH là các em gia nhập với môi trường hoàn toàn mới, ở đó có nhiều cơ hội để các em thể hiện vai trò làm chủ của mình, nhất là trong việc thiết lập mối quan hệ với bạn bè trong lớp hoặc cùng khóa, với các bạn đồng hương…Thiết lập mối quan hệ này giúp các em không những làm phong phú đời sống tình cảm mà qua đó học hỏi thêm những kiến thức, kinh nghiệm cũng như khả năng giao tiếp, từ đó rèn luyện ngôn ngữ, tác phong, cách diễn đạt và điều chỉnh thái độ sống của bản thân cho thích hợp. Quan hệ tốt còn giúp các em có thêm những điểm tựa tinh thần vững chắc mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại nơi thành thị.
Kỹ năng giải quyết những khó khăn thử thách
Áp lực, chán nản…là những biểu hiện thường thấy ở tân sinh viên. Vì vậy, các em hãy học cách đối mặt và tự giải quyết với những khó khăn. Nếu như các em không biết cách giải quyết thì có thể dẫn đến những hệ quả rất xấu, thậm chí là bỏ học, vi phạm pháp luật. Trước mỗi thử thách trong cuộc sống nói chung, trong học tập nói riêng, các em không nên lãng tránh, đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải chủ động đối mặt để định hướng, kiểm soát vấn đề và đưa ra những cách giải quyết hợp lý nhất. Ở môi trường ĐH, các em có rất nhiều mối quan hệ tương tác. Nếu bản thân không giải quyết được thì các em có thể tìm đến sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô… Quan trọng nhất là các em phải tìm được điểm tựa để có được sự an toàn và cân bằng tâm lý nhằm sẵn sàng đối mặt với những trở ngại lớn trong tương lai.
ThS tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)