Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giúp tăng chất và lượng cho ngành y

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Phát triển nghề công tác xã hội đang là yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn. Với ngành y tế, nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản có kiến thức về y tế, sẽ là trợ thủ đắc lực cho bác sĩ.
5 mục tiêu của công tác xã hội trong y tế
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Sau đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông tư số 34/2010/TT- BLĐ – TBXH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội. Thực hiện Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ngày 15/7/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã ban hành Quyết định 2515/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến làm Trưởng Ban.
Đề án Công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020, có mục tiêu chung là hình thành và phát triển nghề CTXH trong ngành y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án có 5 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức và cam kết thực hiện của các cấp lãnh đạo, các cơ sở y tế, công chức, viên chức y tế trong toàn ngành y tế về vị trí, vai trò và việc hình thành, phát triển nghề CTXH trong CSSK; Xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong một số bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; Ban hành văn bản hướng dẫn, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm duy trì và phát triển nghề CTXH trong ngành y tế; Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, tài liệu tham khảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và nội dung CTXH trong CSSK cho các nhóm đối tượng có liên quan trong toàn ngành; Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên y tế, dân số ở các cấp.

Nhân viên công tác xã hội tốt là cầu nối giữa thầy thuốc và người bệnh
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đưa ra 18 nhóm hoạt động cụ thể từ hội thảo nâng cao nhận thức, tập huấn về công tác xã hội y tế, biên soạn tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình… đến việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn công tác xã hội trong y tế. Theo các tài liệu và kinh nghiệm của các nước phát triển, công tác xã hội có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Công tác xã hội rất cần thiết trong quá trình phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh, phụ nữ, trẻ em, nhất là những nạn nhân của bạo hành gia đình, của các hành vi xâm hại. Công tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế. Tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội là một thành viên trong nhóm điều trị người bệnh. Có ý kiến cho rằng, nếu công tác xã hội tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc. Tại cộng đồng, sự hiện diện của nhân viên công tác xã hội là phương thức mở rộng mạng lưới CSSK đến gần với người dân hơn. Nhân viên công tác xã hội có thể tham dự vào các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, trợ giúp các nhóm đặc thù phục hồi và phát triển thể chất, tinh thần của người dân.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của CTXH trong xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng có vai trò quan trọng. Đối với ngành y tế, nhân viên công tác xã hội là cầu nối tình cảm giữa cán bộ y tế với người bệnh, hỗ trợ đắc lực trong công tác khám chữa bệnh; với người bệnh, nhân viên công tác xã hội là người bạn tinh thần, giúp họ hồi phục nhanh và sớm được ra viện.
Theo  Trần Quý
(suckhoedoisong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)