"Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào trường học" là dự án được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) thực hiện tại một số trường tiểu học ở các xã thuộc huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Học sinh Trường tiểu học Báo Ðáp tập tiết mục văn nghệ với chủ đề phòng, chống thiên tai.
|
Thông qua những trò chơi bổ ích và lý thú, các em nhỏ tham gia dự án đã được trang bị và nâng cao kiến thức về thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu nhằm giúp các em tự bảo vệ mình và phòng ngừa rủi ro thiên tai, nhất là vào mùa mưa lũ ở các khu vực luôn có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và lở đất.
Vừa chơi, vừa học
Chúng tôi tới Trường tiểu học Báo Ðáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đúng vào lúc các em đang giờ sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Lấy ý tưởng từ những câu chuyện trong cuộc sống của các gia đình tại địa phương, những câu hát, trích đoạn tiểu phẩm do chính các em tự lên kịch bản và phân vai thật dí dỏm, cho thấy đây là hình thức được các em thích thú và là một hoạt động thiết thực với những cậu bé và cô bé sống ở khu vực hay bị thiên tai rình rập. Xã Báo Ðáp có hơn 5.000 dân và có khoảng sáu, bảy km chạy dọc bên sông Hồng. Hằng năm, cứ đến mùa mưa, người dân nơm nớp lo chạy lụt và nguy cơ sạt lở đất. Ngay tại Trường tiểu học Báo Ðáp, thầy và trò của trường luôn phải chuẩn bị tâm lý sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quỳnh, người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, chỉ cho chúng tôi thấy một ta-luy đất dựng đứng nằm sát lưng các lớp học của trường. Thầy cho biết, kể từ khi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em triển khai dự án tại trường, giáo viên và học sinh của trường đã được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm giúp các em phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Dự án đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các thầy giáo, cô giáo và học sinh, được sự ủng hộ của các gia đình.
Nếu như trước đây, những hoạt động tuyên truyền thường có tính một chiều, thì nay những trò chơi thú vị đã cuốn hút sự quan tâm của học sinh, giúp các em chủ động tham gia tìm hiểu và tự đưa ra những tình huống đối phó. Qua các trò chơi, các em đã hiểu được địa hình nơi mình sinh sống và biết tránh xa những nơi có nguy cơ đuối nước khi mùa mưa lũ tới. Nhờ được tập huấn, khi xảy ra trận mưa đá lớn năm ngoái làm sập mái lớp học, các em đã biết chui xuống gầm bàn để tránh nạn. Như để chứng tỏ những tiến bộ sau khi được tham gia tập huấn và các trò chơi, Trương Quốc Ðại, học sinh lớp 5 có gương mặt kháu khỉnh và lanh lợi, khoe chúng tôi về giải nhất hùng biện khi em tham gia cuộc thi của trường với chủ đề về giảm nhẹ và phòng ngừa rủi ro thiên tai. Ðánh giá về hiệu quả chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Thông, Tổng phụ trách đội của trường cho biết, thông qua dự án này, các em học sinh đã được hỗ trợ giấy, bút, được dạy cách vẽ "bản đồ thảm họa" và được tập huấn sơ, cấp cứu. Cô mong muốn được hỗ trợ thêm về công nghệ thông tin để giúp học sinh có những hình ảnh minh họa sinh động hơn cho các tiết học ngoại khóa. Theo cô Thông, việc lồng ghép vào các chương trình học nên được thực hiện tại tất cả các trường học, nhất là những nơi có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai để giúp các em nâng cao kiến thức bảo vệ mình.
"Gùi chữ" lên bản
Trường tiểu học số 2 Hồng Ca nằm ở khu vực miền núi vùng sâu thuộc huyện Trấn Yên. Học sinh của trường toàn là con em đồng bào người Mông. Có những em ở cách trường tới tám cây số và phải vượt qua bốn con suối trong hành trình tìm đến với "cái chữ". Chúng tôi đến trường vào lúc các em đang trong giờ học. Ngay lối hành lang của lớp học là khoảng hơn mười chiếc cặp lồng xếp cạnh nhau. Thầy Phó Hiệu trưởng của trường cho biết, đó là bữa ăn trưa của những em hiếu học, bởi nhà xa nên buổi trưa các em phải ở lại trường. Ðường đi khó khăn khiến chỉ khoảng 85 em trong số 245 học sinh của trường đi học thường xuyên. Bảo đảm an toàn tính mạng cho các em luôn là vấn đề được đặt ra. Vào mùa mưa lũ, có khi chỉ sau vài giờ mưa to, các con suối đã ngập đến thắt lưng người lớn. Có hôm các cô giáo sang bản vận động các em đến trường, khi về nước đã ngập sâu. Ngay phía sau trường là một quả đồi đang trong tình trạng bị sạt lở đất. Trong lúc thăm trường, chúng tôi đã chứng kiến tiếng đất lở rào rào, tưởng như gần đó có công trình nào đang xây dựng. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hồng Nhẫn cho biết, tình trạng lở như vậy đã lâu và nguy cơ rình rập các em bất cứ lúc nào. Có những đợt đất rơi nhiều làm vỡ cửa kính, học sinh phải nghỉ học.
Kể từ khi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em triển khai dự án vào tháng 8-2010, trường đã được trang bị loa cầm tay, một đường ống nước và đường rãnh thoát nước. Giáo viên được tham gia các hội thảo hướng dẫn tích hợp và soạn bài giảng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu trong trường học, lồng ghép với các tiết học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Lần đầu một Câu lạc bộ trẻ em phòng, chống thiên tai được thành lập. Trẻ em tham gia tuyên truyền, vận động các bạn cùng trang lứa và chính gia đình các em hiểu biết thêm về kiến thức giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tâm sự với chúng tôi, các thầy giáo, cô giáo của trường cho biết, qua các hội thi cấp trường, các em đã tiến bộ rất nhiều. Từ những em bé dân tộc thiểu số rụt rè, nhút nhát, các em đã có thể tự tin nói về các kiến thức môi trường, thảm họa thiên nhiên, cũng như biết cách phòng, chống thiên tai. Việc trang bị kiến thức thông qua các tiểu phẩm, câu chuyện đã gây được hứng thú cho các em. Thật ngạc nhiên, dù nói tiếng phổ thông còn chưa lưu loát, nhưng các em học sinh ở đây đã trả lời rất trôi chảy những kiến thức về phòng, chống thiên tai.
Nằm ở những khu vực địa bàn miền núi với nhiều khó khăn và nguy cơ rủi ro thiên tai, một nỗi niềm trăn trở chung của các giáo viên nơi đây là làm thế nào để các em an toàn tới trường, nhất là khi mùa mưa lũ đến với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Như thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Ca 2, người đã 16 năm trong nghề "gùi chữ" lên bản tâm sự, ngoài lòng yêu nghề, các thầy giáo, cô giáo nơi đây mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa để giúp các em nhà xa có điều kiện đi học đều. Và mô hình hiệu quả về lồng ghép giảm nhẹ hậu quả của thiên tai tại trường học của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã góp phần đáp ứng mong muốn của các thầy giáo, cô giáo trong việc giúp các em học sinh biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro của thiên tai.
Theo HỒNG CẦM
(NDDT)
Bình luận (0)