Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước tặng cho ông Lee Choung Bum
|
Không mang dòng máu Việt, nhưng trong một lần tới thăm Việt Nam, ông Lee Choung Bum (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Jung Hae – Hàn Quốc) đã quyết tâm sẽ giúp đỡ các trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở Việt Nam có một cái nghề vững chắc cho tương lai.
Cho cái “cần câu”
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi hai nước Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức thì với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi xã hội Jung Hae, ông Lee Choung Bum cảm thấy mình phải có trách nhiệm với nhân dân và đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ông muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để giúp nhân dân Việt Nam khắc phục những hậu quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ để lại.
Ông Lee Choung Bum nhớ lại: “Lúc vừa đặt chân tới Việt Nam, tôi đã đi khắp nơi, đến các hang cùng ngõ hẻm để tìm hiểu về cuộc sống của những người lao động nơi này. Tôi rất băn khoăn khi thấy cảnh đời cơ cực của họ nhưng điều làm tôi trăn trở nhất vẫn là còn nhiều trẻ em không được học hành tử tế. Tôi muốn giúp đỡ các em với tính chất lâu dài, giúp “cái cần câu” chứ không phải là cho luôn con cá nên bắt đầu có ý định thực hiện ước mơ bằng cách giáo dục, giúp trẻ em lang thang, cơ nhỡ được học nghề”.
Nghĩ là làm, về nước, ông Lee Choung Bum đã xây dựng đề án thành lập một trường dạy nghề cho trẻ lai Việt – Hàn, cho trẻ mồ côi ở Việt Nam. Thời gian này, ông là luật sư và thư ký riêng của Tổng thống Hàn quốc. Với cương vị một công chức cao cấp của Chính phủ, ông có rất nhiều việc phải làm nhưng vẫn theo đuổi ước mơ đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình lúc bấy giờ là luật pháp Việt Nam chưa cho phép các tổ chức xã hội nước ngoài thành lập cơ sở dạy nghề nên ông đã thực hiện dự án trên thông qua hình thức viện trợ.
Ông Lee Choung Bum cho biết: “Lúc bấy giờ, việc đưa máy móc nhập khẩu vào Việt Nam là vô cùng khó khăn vì khi qua cửa khẩu bị kiểm tra rất kỹ. Ngoài ra, nhân dân Hàn Quốc vẫn có nhiều người không đồng tình vì họ nghĩ đất nước mình còn nhiều khó khăn tại sao không giúp lại đi giúp những người hoàn toàn xa lạ…”. Khó khăn là vậy nhưng ông vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc mà cố gắng giải thích để nhân dân nước mình hiểu và tiếp tục nhập các máy móc để các em học sinh có điều kiện được thực hành thực tế.
Sau 3 năm theo đuổi ước mơ, được sự đề xuất của Sở GD- ĐT TP.HCM, năm 1996, Chủ tịch UBND TP.HCM đã quyết định cho phép thành lập Phân hiệu Dạy nghề nhân đạo Việt – Hàn trực thuộc Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Thủ Đức (tiền thân của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức). Phân hiệu được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 1997. Từ năm 1997 đến năm 2001, ông tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động (khoảng 300 triệu đồng) để trả lương giáo viên, nuôi ăn ở, học hành cho 240 trẻ em mồ côi nghèo khó. Sau 2 năm học tập, các em đã tốt nghiệp trình độ kỹ thuật viên trung cấp, ra trường có việc làm để tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đến nay, nhiều em trong số này đã trở thành chủ các doanh nghiệp, công ty…
Làm cầu nối với các trường ĐH, CĐ ở Hàn Quốc
Không chỉ viện trợ thành lập Phân hiệu Dạy nghề nhân đạo Việt – Hàn, ông Lee Choung Bum còn giới thiệu Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Thủ Đức với các trường ĐH, CĐ danh tiếng của Hàn Quốc để xác lập quan hệ hợp tác. Đến nay đã có gần 10 trường ĐH, CĐ Hàn Quốc gửi gần 1.000 sinh viên đến Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức giao lưu văn hóa, hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ Hàn Quốc cũng đã tiếp nhận gần 100 giáo viên từ các trường TCCN, CĐ tại TP.HCM đến học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc trong thời gian gần một tháng về các ngành kinh tế và kỹ thuật tiên tiến. Điểm đặc biệt là phía bạn chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở, tham quan và học tập trong suốt thời gian các giáo viên nghiên cứu tại Hàn Quốc. Hoạt động này hiện nay vẫn được nhiều giáo sư của các trường ĐH Hàn Quốc tiếp tục tìm nguồn tài trợ, xây dựng kế hoạch để thực hiện ở quy mô rộng lớn hơn.
Ngoài ra, ông Lee Choung Bum còn giới thiệu và cấp toàn bộ chi phí cho 5 giáo viên tình nguyện người Hàn Quốc đến Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tham gia giảng dạy về công nghệ thông tin và tiếng Hàn. Hoạt động này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay với chi phí hàng chục ngàn USD. Cũng trong thời gian này, ông Lee Choung Bum còn tài trợ học bổng từ ngân sách của Hiệp hội Phúc lợi xã hội Jung Hae và cả bằng tiền của cá nhân ông cho quỹ học bổng vượt khó của nhà trường. Tổng chi phí cho quỹ học bổng và giáo viên tình nguyện đến nay hơn 120.000 USD.
Ông Lee Choung Bum chia sẻ: “Tôi mong muốn quan hệ giữa hai nước càng được thắt chặt hơn nữa, vì vậy tôi đang triển khai kế hoạch xây dựng Ngôi nhà hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc để thông qua các hoạt động văn hóa, y tế và giáo dục giúp đời sống người Việt ngày càng được nâng cao hơn”.
Với những đóng góp của mình cho ngành GD-ĐT TP.HCM nói chung, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức nói riêng, vừa qua ông Lee Choung Bum đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hữu nghị. Đây là phần thưởng của Nhà nước Việt Nam trao tặng cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị với nhân dân và đất nước Việt Nam.
Bài, ảnh: Minh Châu
Tận dụng những cơ sở vật chất quý giá ban đầu gần 1 triệu USD từ Phân hiệu Dạy nghề nhân đạo Việt – Hàn và các mối quan hệ hữu nghị với các trường ĐH, CĐ Hàn Quốc do ông Lee Choung Bum giới thiệu, từ một Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Thủ Đức có chức năng hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh phổ thông, trung tâm đã phát triển không ngừng để năm 2002 trở thành Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Thủ Đức và từ năm 2008 là Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. |
Bình luận (0)