Trẻ căng thẳng, bức bối có thể do thiếu môi trường vận động. Cho trẻ tự do tham gia những trò chơi vận động ngoài trời càng nhiều càng tốt để giúp trẻ đốt bớt năng lượng thừa.
Ảnh: I.T |
Không phải vô cớ mà trẻ ngày càng có xu hướng dễ bị kích động, tức tối, giận dữ trước những tình huống ứng xử có tính xung đột. Thói hung hãn ở đa số người trẻ là do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Cũng phải thừa nhận, kiểu tính khí (khí chất) phần nào cũng do di truyền, nên có người nóng tính, người trầm tính, người hoạt tính, người ưu tư. Nhưng nếu được giáo dục từ nhỏ và tiến hành thường xuyên sẽ giảm bớt sự căng thẳng của trẻ. Hung hăng không hẳn là bản tính bẩm sinh mà hoàn toàn có thể giáo dục làm thay đổi nếu như được tiến hành một cách bài bản và liên tục.
Sự tức tối, căng thẳng của trẻ đôi khi làm cho người lớn sửng sốt, nhưng hãy yên tâm vì đó là giai đoạn phát triển rất bình thường. Trẻ có thích động chân động tay thì cũng không có gì nghiêm trọng vì chúng chú trọng đến “cái tôi” và “của tôi”. Rất có thể là thái độ của đứa trẻ sẽ làm cho bậc cha mẹ hoang mang nhưng đừng quá lo lắng. Dần dần dạy cho trẻ hiểu rằng thái độ mạnh bạo là không tốt và chỉ cho trẻ biết cách kiềm chế cơn giận của chúng.
Theo tôi, cần chú ý mấy vấn đề sau đây:
1. Gia đình gương mẫu: Cha mẹ chính là người hiểu con cái nhất, muốn con sống rộng lượng, giàu lòng vị tha, nhân từ thì cha mẹ phải thật sự là tấm gương cho con trẻ học tập. Tất cả lời nói và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên sống có tình nghĩa, luôn yêu thương con cái và cả những người xung quanh thì trẻ cũng từ đó mà thẩm thấu vào trong suy nghĩ và hành động. Nếu như cha mẹ thường xuyên cãi vã, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì con cái sau này lớn lên cũng bộc lộ khuynh hướng động thủ với người khác. Theo các nhà giáo dục thì hình ảnh xung đột giữa cha và mẹ bao giờ cũng để lại vết hằn trong tâm trẻ, đó còn gọi là sự liên hệ thần kinh tạm thời được lưu giữ vào não, khi có điều kiện thì mầm mống đó sẽ có cơ hội bộc phát. Vì thế, cha mẹ hãy cố gắng không bao giờ được xung đột trước mặt con trẻ vì đó là nguyên nhân dẫn đến thói bạo lực của con người.
2. Nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng và giá trị sống: Đây cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục cho các em sự khoan dung, độ lượng, biết nhường nhịn người khác. Tuy nhiên, không phải chỉ giáo dục những bài học lý thuyết khô khan mà phải tạo điều kiện để học sinh có nhiều cơ hội được trải nghiệm. Theo tôi cần cho các em tham gia các hoạt động tình nguyện tại các địa phương như chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… từ sự trải nghiệm đó sẽ giúp cho các em không chỉ nâng cao hiểu biết mà còn thể hiện được lòng nhân từ, khoan dung, chia sẻ với người khác.
3. Phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình cần dành thời gian nhiều hơn trong việc phát sóng các bộ phim ngắn, phim tư liệu, mô tả hình ảnh… có tác dụng giáo dục lòng nhân ái của con người. Đồng thời phê phán, đấu tranh với các nhân vật có biểu hiện thiếu kiềm chế bản thân, có hành vi bạo lực từ đó sẽ giúp cho các em cũng như cha mẹ biết cách xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
4. Những tác động cụ thể:
Hạn chế giờ chơi điện tử: Hiện nay, những chương trình trò chơi điện tử dành cho trẻ con chứa đầy những tiếng kêu gào, những pha đâm chém, máu me, những pha xô đẩy và bạo lực. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dành thời gian cùng chơi với con trẻ, đặc biệt là những trẻ thường có hành vi mạnh bạo, để có thể kiểm tra chất lượng các chương trình chúng đang theo đuổi.
Cho trẻ vận động nhiều hơn để giải tỏa năng lượng: Trẻ căng thẳng, bức bối có thể do thiếu môi trường vận động. Cho trẻ tự do tham gia những trò chơi vận động ngoài trời càng nhiều càng tốt để giúp trẻ đốt bớt năng lượng thừa. Trẻ sẽ quậy phá lung tung trong nhà và nổi nóng với mọi người khi nó đang tức tối vì không vừa lòng về chuyện gì đó. Hãy thỏa mãn những nhu cầu chính đáng cho trẻ. Nếu con bạn là đứa bé hiếu động, hãy cho trẻ tự do tham gia những trò chơi trẻ sẽ giải tỏa được những bức bối trong lòng.
Gặp gỡ chuyên gia: Đừng ngại trong việc yêu cầu sự giúp đỡ khi trẻ có dấu hiệu tăng động, thiếu kiểm soát bản thân. Không phải lúc nào sự can thiệp hoặc giáo dục của cha mẹ cũng đủ để trẻ giảm bớt sự căng thẳng, nóng tính của chúng. Nếu con bạn ngày một cộc cằn, thô lỗ, nó hay làm cho những đứa trẻ khác sợ hãi hoặc giận dữ, hoặc mọi nỗ lực của bạn để thay đổi cách ứng xử của nó cũng không hiệu quả, bạn hãy đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý trẻ em, vị bác sĩ này sẽ trở thành nhà cố vấn về cách giáo dục phù hợp nhất cho trẻ. Từ đó bạn có thể hiểu được đâu là nguyên nhân làm cho trẻ hay cáu gắt và giúp trẻ bỏ được thói quen đó. Hãy nhớ rằng, giáo dục trẻ là một quá trình và con bạn còn cần rất nhiều thời gian để trưởng thành nên bạn phải hết sức kiên nhẫn.
Lê Phạm (ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)