Để trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh từ khi còn nhỏ sẽ tạo dựng cho chúng một sức khỏe tốt khi trưởng thành. Dưới đây là một số bí quyết giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh:
Trò chuyện về kế hoạch ăn uống lành mạnh
Khi trò chuyện về chủ đề ăn uống lành mạnh, không nên tập trung vào các loại thực phẩm khiến trẻ thấy ngán ngẩm; thay vào đó hãy đề cập đến thực phẩm thơm ngon trẻ có thể ăn được. Bạn nên giải thích rõ để trẻ hiểu rằng không phải các loại thực phẩm đều không ngon như suy nghĩ ban đầu của trẻ. Hãy dự trữ trong tủ lạnh và tủ đựng thức ăn nhiều loại thực phẩm lạ miệng, bổ dưỡng như chất đạm không mỡ, ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau củ, đậu và quả hạnh.
Hướng dẫn trẻ ăn uống điều độ
Hãy hướng dẫn trẻ cách thỏa mãn sự thèm ăn bằng các loại thực phẩm lành mạnh thay vì ghi nhãn “cấm” hoặc “không tốt” đối với thực phẩm ít dinh dưỡng. Khi đề cập đến bánh quy, khoai tây chiên và một số thực phẩm không lành mạnh khác, hãy giải thích lý do tại sao các loại thực phẩm đó lại không đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể và chỉ nên ăn ít và điều độ.
Cùng trẻ đi mua đồ và nấu nướng
Hãy giáo dục trẻ tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn và đọc kỹ nhãn sản phẩm định mua tại cửa hàng tạp hóa; bạn nên chỉ dẫn cho trẻ các thông tin cần quan tâm như hàm lượng chất béo, đường, muối cũng như các chất bảo quản và phụ gia khác. Trẻ sẽ cảm thấy thú vị hơn nhiều khi được thưởng thức bữa ăn do chúng tham gia mua sắm, chuẩn bị và nấu nướng.
Trồng rau
Trồng một vườn rau nho nhỏ tại chính gia đình bạn là cách tuyệt vời giúp trẻ hiểu được các loại thực phẩm lành mạnh đã phát triển như thế nào. Làm vườn cùng nhau không chỉ giúp trẻ tìm hiểu thêm về khoa học mà có thêm thời gian vui chơi. Hãy cùng trẻ tham gia lựa chọn hạt giống, chuẩn bị đất, tưới cây và thu hoạch rau. Bạn có thể trồng rau như cà chua ngay ở bệ cửa sổ nếu nhà bạn không có khoảng sân rộng.
Dự trữ đồ ăn nhẹ giàu dĩnh dưỡng
Hãy dự trữ đồ ăn vặt lành mạnh như trái cây tươi hoặc sấy khô, quả hạnh, bỏng ngô, bánh quy từ ngũ cốc nguyên cám, sữa chua và một số đồ ăn khác và đặt tại các vị trí dễ tiếp cận như trong bếp để đáp ứng những bữa ăn nhẹ của trẻ.
Tận hưởng bữa ăn cùng nhau
Trong thế giới bận rộn và hối hả, nhiều người trong chúng ta ít có thời gian ngồi ăn cùng nhau như một gia đình, một việc mà bạn nên thường xuyên làm. Hãy cùng ăn sáng với nhau hàng ngày và tận hưởng bữa tối ấm cúng tối thiểu 4 ngày/ tuần. Thời gian dùng bữa là cơ hội tuyệt vời để hướng dẫn trẻ về chế độ ăn uống lành mạnh. Ngồi ăn cùng nhau giúp gia đình bạn có thêm thời gian gắn bó và tìm hiểu những điều diễn ra xung quanh đời sống của trẻ.
Minh Châu (TPO)
Theo SK
Bình luận (0)