Không chỉ người lớn, việc trẻ em tiếp cận và sử dụng công nghệ trong thời đại ngày nay cũng là chuyện tất yếu. Nếu được tiếp cận và sử dụng đúng cách, trẻ có thể sử dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ học tập, phát triển tư duy. Vậy làm thế nào để phát huy lợi ích mà công nghệ mang lại cho quá trình sử dụng của trẻ? Làm thế nào để trẻ và phụ huynh không lạm dụng công nghệ và mang đến những hậu quả tiêu cực?…
TS. Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc NXB Trẻ) chia sẻ về lợi ích của công nghệ đối với trẻ
Phát huy mặt tích cực
Hiện nay, công nghệ đã tác động đến mọi mặt trong đời sống. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng thành thạo công nghệ và ứng dụng vào việc học tập, vui chơi giải trí. Xét về mặt tích cực, công nghệ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy tốt.
Dẫn chứng về điều này, TS. Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc NXB Trẻ) cho biết, nhà có đứa cháu nội học lớp 1. Suốt mùa dịch bé không được đến trường nên chỉ có thể học online qua mạng. Cứ tưởng việc học này không mang lại hiệu quả nhưng sau khoảng nửa năm thì các thành viên trong gia đình phát hiện ra một điều bé rất phù hợp với việc tiếp cận với không gian mạng. Từ đây, bé không chỉ hoàn thành việc học mà còn biết được kiến thức về lịch sử từ thời trung đại, hiện đại. Mạng còn giúp bé tò mò khám phá ra những vấn đề mà ngay cả người lớn cũng phải bất ngờ. “Bé đố những người trong gia đình những câu hỏi về lịch sử, về các trận đấu thể thao… Tôi không nghĩ bé mới lớp 1 mà có thể biết được những điều này một cách nhanh chóng chỉ sau nửa năm tiếp cận mạng xã hội. Không chỉ vậy, bé còn phát triển khả năng ngôn ngữ, có tư duy phản biện lại vấn đề”, bà Nguyệt chia sẻ.
Bà Nguyệt cho rằng, công nghệ giúp trẻ ngày càng mạnh dạn, tự tin. Đặc biệt, trẻ còn có thể mang kiến thức ngoài sách vở. Tuy nhiên, muốn công nghệ phát huy được mặt tích cực thì phải có sự đồng hành của người lớn để kiểm soát thông tin, giúp trẻ tiếp cận được thông tin tốt, tránh được thông tin xấu, độc hại.
ThS. Nguyễn Thúy Uyên Phương (nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục) thừa nhận, công nghệ mang đến cho chúng ta cơ hội và làm thay đổi cách giáo dục, thay đổi cách học sinh tiếp cận thông tin. Việc trẻ cầm chiếc điện thoại lướt web tìm thông tin, vui chơi, giải trí là thực tế và quan trọng đối với các em. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ làm tác động đến khả năng đọc sâu và dài. Việc này khiến chúng ta cảm thấy rất chán khi đọc cuốn sách có quá nhiều chữ. Bởi chỉ cần lên TikTok là chúng ta có thể xem được video chỉ 15 giây nhưng vẫn cập nhật được thông tin. Chính suy nghĩ như vậy khiến cho không ít người cập nhật những thông tin sai sự thật, tin giả.
Giúp trẻ phát triển tư duy chủ động
Trẻ rất khó làm chủ bản thân khi đã “chạm” vào công nghệ, mạng xã hội. Có nhiều em sau khoảng thời gian học tập mệt mỏi muốn cầm điện thoại để lướt Facebook, chơi game tầm 30 phút hoặc 1 tiếng để giải trí nhưng khi đã “dấn thân” vào rất khó thoát ra được. Từ 30 phút, 1 tiếng mà các em cho phép bản thân sử dụng lúc ban đầu đến khi nhìn lại thì thời gian này đã đi quá xa, thậm chí lên đến vài tiếng đồng hồ.
Phụ huynh giúp trẻ phát triển tư duy chủ động là giúp trẻ kiểm soát được thông tin khi sử dụng công nghệ
Là thế hệ kỷ nguyên số, em Bùi Lưu Bảo Khánh (Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) cho biết, em cũng từng có nhiều lần rơi vào “cám dỗ” của công nghệ. “Khi lướt web tìm thông tin thì hiện lên những thông tin gợi ý khiến mình rất tò mò nên phải bấm vào đọc. Thế là vấn đề trọng tâm mà mình muốn tìm chưa có nhưng đã làm mất nhiều thời gian để xem những thông tin không cần thiết”, Khánh chia sẻ.
Diễn đàn “Giúp trẻ hình thành tư duy chủ động khi sử dụng công nghệ trong thời đại số” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức là dịp để các chuyên gia và phụ huynh lắng nghe, chia sẻ về phương thức giáo dục, nuôi dưỡng trẻ trong thời đại số, giúp con trẻ xây dựng những kỹ năng, kiến thức, phương pháp chủ động hơn khi sử dụng các thiết bị công nghệ, các nền tảng xã hội. |
Rút kinh nghiệm những lần như vậy, trước khi lên mạng Khánh luôn đặt mục tiêu là mình muốn tìm thông tin gì, trong thời gian bao lâu… Khi gặp những thông tin gợi ý như những lần trước Khánh nhất định lướt qua để tập trung vào thông tin mà mình cần tìm. Ngoài ra, khi sử dụng máy tính, điện thoại, Khánh đều cài thời gian để nhắc nhở mình không được nấn ná thêm giây phút nào gây ảnh hưởng đến những công việc khác. “Khi vượt qua được “cám dỗ”, chúng ta sẽ biết được điểm yếu của bản thân để từ đó khắc phục, giúp bản thân làm việc đúng giờ, đúng kế hoạch đã đặt ra”, Khánh cho biết.
ThS. Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, việc bị cuốn theo công nghệ, mạng xã hội không chỉ có trẻ em mà còn cả người lớn. Để vượt qua được việc này, chúng ta phải rèn luyện cho mình bộ não siêu phàm. Đặc biệt là trẻ em, khi cho con sử dụng, công nghệ cha mẹ phải giúp con phát triển tư duy chủ động. Thay vì bị công nghệ dẫn dắt, cha mẹ hãy giúp trẻ trở thành người dẫn dắt công nghệ. Khi đó, trẻ có thể tự quyết định việc xem hay không nên xem những thông tin mà mình vô tình thấy được trên mạng. Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp con chọn lọc kênh thông tin bổ ích để con có thể tìm thông tin hỗ trợ việc học và vui chơi, giải trí ý nghĩa.
Thầy Đoàn Xuân Hiển (giảng viên Google for Education Certified Trainer duy nhất tại Việt Nam) cho hay, hiện nay có nhiều ứng dụng cài vào máy tính, điện thoại hệ thống sẽ tự sàn lọc thông tin xấu, độc hại. Phụ huynh có thể tìm hiểu những ứng dụng này cài vào thiết bị công nghệ của con mình. “Chẳng hạn, mỗi ngày cha mẹ muốn cho con 30 phút chơi game có thể cài đặt ứng dụng nào đó để đến thời gian này hệ thống sẽ tự động tắt game, con muốn chơi thêm cũng không được”, thầy Hiển thông tin.
Thúy Kiều
Bình luận (0)