Hãy để con tự ý kết bạn với đứa nào chúng cảm thấy dễ gần; chính đứa này sẽ đưa con bạn vào một nhóm tốt hơn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T |
Có thể nói, nỗi lo lắng hàng đầu của các bậc phụ huynh có con tuổi mới lớn là sợ trẻ chơi với những đứa bạn xấu rồi bị ảnh hưởng kiểu “gần mực thì đen”.
Các bậc phụ huynh thường than thở: “Con trai tôi rất dễ dạy, nói gì cũng nghe. Vậy mà bữa nay tự nhiên nó đi xỏ lỗ tai, hỏi thì nó nói mấy đứa ngồi chung bàn với nó đều đeo khoen nên nó không muốn làm khác. Đầu tiên chỉ có một thằng xỏ lỗ tai thôi nhưng bạn nó thấy thằng này có vẻ “chì”, thế là qua một tuần tôi thấy cả đám đeo khoen hết. Có thể tụi nó chạy theo phong trào, có thể tụi nó muốn lập một băng nổi bật”. Trong khi một số bậc cha mẹ dễ dãi chấp nhận chuyện đeo khoen, cạo đầu như chuyện bình thường của mấy đứa “nổi loạn một cách hiền lành”, những người thành đạt hoặc có địa vị trong xã hội thấy khó mà chấp nhận con cái kết bè kết lũ với thành phần bất hảo. Nếu muốn con xa lánh bạn xấu một cách “ôn hòa”, bạn có thể áp dụng vài biện pháp dưới đây:
Đừng ép con làm bạn với những đứa chúng không thích. Những đứa không thích học thường cô đơn, muốn được chú ý, đôi khi gây sự vô cớ. Cha mẹ và thầy cô sợ chúng thiếu bạn nên thường bắt chúng làm quen với những đứa tốt, có nhiều bạn hơn. Chúng cảm thấy người lớn thất vọng về chúng khi chúng không có bạn và ở trung học, chúng nôn nóng muốn kết bạn đến nỗi chúng làm đủ chuyện để được nhận vào bất cứ nhóm nào chúng coi là có giá. Chúng ganh tỵ với những đứa thông minh, học giỏi hoặc có khả năng thể thao nổi bật không chấp nhận chúng và chúng nói ra sự ganh ghét này để tạo sự đồng cảm với nhóm khác. Trong cách nào đó, chúng tin rằng những “đứa tốt” là xấu vì những “đứa xấu” trung thành với nhau dù bề ngoài có vẻ hung hăng hoặc cố tình hung hăng.
Có đôi phút thấy con cô đơn, bạn hãy xem điều đó như biểu hiện tính độc lập để không phải thúc ép con kết bạn, tìm bạn chơi mà không có sự chọn lọc. Hãy lợi dụng thời gian này để giúp chúng luyện tập một vài năng khiếu hoặc phát triển sở thích có thể giúp chúng tham gia các sinh hoạt chung. Thí dụ, dạy chúng chơi đánh cờ, tập nghe nhạc hoặc xem tranh ảnh sẽ tạo cho chúng một đam mê để chia sẻ với những đứa cùng sở thích, dạy chúng chơi đá banh hoặc tập thể hình để họp thành đội, nhóm với đứa khác đồng thời cũng là cách tập cho chúng có tinh thần đồng đội. Khi đã có bạn chung sở thích, chúng sẽ ít muốn chơi với những đứa tiêu cực. Tránh những quan hệ bí ẩn. Những đứa lớn nổi loạn thường được cha mẹ, là những cặp ly thân, cho quá nhiều quyền hành.
Giúp trẻ thích ứng với môi trường mới. Để ngăn con chơi với đám bạn xấu, bạn có thể chọn cách dọn đi nơi khác. Ở trường học mới, hãy để con tự ý kết bạn với đứa nào chúng cảm thấy dễ gần; chính đứa này sẽ đưa con bạn vào một nhóm tốt hơn. Sự lựa chọn nhóm bạn mới cho con, nếu cha mẹ can thiệp, phải được diễn ra một cách khôn khéo, thận trọng. Bạn có thể nói chuyện với giáo viên hoặc cố vấn về những sở thích của con để họ giới thiệu với chúng những học sinh cùng sở thích, giúp chúng làm quen với nhau.
Cứng rắn khi cần thiết. Nếu bạn nhận ra rằng con bạn đang chơi với những đứa trẻ không tốt và bị ảnh hưởng những mặt xấu từ bạn bè thì bạn hãy dùng biện pháp khéo léo và cứng rắn để tách chúng ra khỏi những người bạn ấy. Bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu một cách nhẹ nhàng, thường xuyên ở bên cạnh trẻ, khuyến khích trẻ chơi với những người bạn tốt và hãy luôn nhớ rằng trẻ cần rất nhiều thời gian để tách dần ra khỏi một người bạn.
Nguyễn Hoàng Duy (Quận 5, TP.HCM)
Bình luận (0)