Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giúp trẻ không vô cảm với hàng xóm

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, một trong những vấn đề đáng lo ngại cho không ít trẻ thành thị chính là sự vô cảm với hàng xóm láng giềng. Có thể nói, vấn đề này dường như không còn đơn giản mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm…

Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm để giúp trẻ không vô cảm với hàng xóm. Ảnh: IT

1. Không thể phủ nhận rằng không ít trẻ em thành thị ngày nay chưa thực sự thân tình và trải lòng với hàng xóm, cũng như những người xung quanh. Biểu hiện của nó thì muôn vàn: Từ việc không đếm xỉa đến những người sống quanh mình đến quanh nhà, không quan tâm gì đến cảm xúc hay tình huống xảy ra cùng làng xóm, khư khư với cảm giác và cảm xúc của chính mình, chẳng cần chia sẻ đã trở thành những phản ứng mang tính thường trực…

Tuấn cứ cằn nhằn vì hôm nay cậu sắp sửa thi mà dàn kèn trống đám ma của nhà bà Bảy cách nhà Tuấn 3 căn nhà cứ rền rỉ suốt một ngày. Tức quá, cậu bảo với mẹ: “Làm sao để dẹp được cái tiếng khóc inh ỏi ấy mẹ nhỉ?”. Mẹ Tuấn bảo: “Cho họ khóc một đêm nữa là ngày mai đi hỏa táng rồi con. Cố gắng đeo tai nghe mà học để thi đậu cho mẹ vui nào”.

Một câu chuyện khác, Hằng và Hạnh – hai nữ sinh mặc áo dài Trường THPT  P. đi ngang qua nhà bà Năm đang tổ chức đám cưới, không khí thật vui vẻ. Bất ngờ Hạnh hét toáng lên: “Trời ơi, hôm nay có bài kiểm tra hóa một tiết, gặp đám cưới, xui tận mạng, coi chừng lãnh “gậy” như chơi, phải chi gặp đám ma thì “hên” biết chừng nào…”. Những người ngồi dự đám cưới hôm ấy nhìn về phía cô nàng với vẻ mặt sửng sốt: “Sao cô học trò này lại vô tư với những phát ngôn của mình như thế?”.

Mạnh và Hùng đang ngồi ăn bánh trước cửa nhà thì bà Lê hàng xóm đến chìa trước mặt hai chàng xấp vé số mời mua. Bất ngờ Hùng nạt to: “Mệt quá, không mua bà già ơi, đi đi… Tự nhiên làm mất hứng!”. Bà Lê đứng chết lặng vài giây rồi lủi thủi đi. Nếu mẹ của Mạnh và Hùng nghe được những lời này hẳn sẽ rất thất vọng về hai quý tử của mình…

2. GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, các biểu hiện như “đóng khung” trong nhà, thiếu sự hiểu biết về người cùng khu phố, thiếu hẳn những lời chào hỏi và quên luôn cả tình huống cần giúp đỡ sẻ chia là một thực tế không thể phủ nhận. Không chỉ ở tuổi tiểu học mà ngay cả đến học sinh THPT, hiện tượng này cũng dễ dàng nhận thấy. Mức độ vừa hay nặng có thể diễn ra tuần tự khi mà sự vô cảm không được điều chỉnh hay uốn nắn theo chuẩn mực của con người sống nhân văn… Cuộc sống “lạnh lùng” được sắp đặt sẵn theo một hình thức lập trình, thực tế xã hội có quá nhiều điều làm cho mỗi người trăn trở thì dường như khuynh hướng nhân ái với người hàng xóm có lẽ trở thành điểm đến khá xa lạ với trẻ em thành thị ngày nay.

Còn đâu các buổi xem ti vi ké, còn đâu những ngày hè vui chơi ngoài sân hay con hẻm cụt, đâu rồi món ăn ngon ngọt được sẻ chia khắp xóm, đâu rồi nồi bánh tét thơm lừng vào ngày xuân về Tết đến của cả khu phố chung sức làm nên… Không thể thân thiện và nhân ái khi mọi cơ hội gần gũi đã bị tước đoạt một cách rất cụ thể.

Không thể không đề cập đến sự vô cảm diễn ra ngay trong chính ngôi nhà của trẻ. Khi mà người thân vô cảm đối với những nỗi đau của người hàng xóm thì sao có thể làm cho trẻ noi theo một cách “nhân văn”. Khi chính người lớn – những tấm gương đối với trẻ đã thực sự lạnh băng trước xúc cảm của dòng họ hay của đồng sự thì sao trẻ có thể hiểu được giọt nước mắt hay nụ cười một cách đúng nghĩa? Khi chính bản thân người thân trong cùng một tổ ấm còn có thể lạnh lùng với nhau, không nghe – không thấy – không nói thì sự vô cảm sao lại không xuất hiện?

“Suy cho cùng, sự vô cảm của đứa trẻ như một hệ quả tất yếu của kiểu giáo dục vô cảm thụ động hay chủ động. Khi sự vô cảm đã trở thành phản ứng trong hành vi của trẻ thì cớ sao tâm hồn hay trái tim của trẻ không bị bao bọc bởi sự vô vị đáng trách của cuộc sống? Sự vô cảm đến một cách tự nhiên rồi trú ngụ trong những trái tim non nớt để rồi thực sự chiếm đóng cả tâm trí và hành vi ứng xử của con người là thế. Khi lòng nhân ái với những người sống cùng làng xóm xem ra quá xa lạ thì chắc chắn sẽ khó có thể tạo ra một cộng đồng văn minh đích thực. Giải quyết vấn đề này cần lắm sự chung sức của khu phố, của từng gia đình, của các tổ chức có liên quan trong xã hội để tạo thành một phong trào chung nhằm xây dựng cuộc sống văn minh ở khu dân cư ngày nay, cũng như tạo cơ hội cho nhân cách trẻ phát triển một cách hài hòa. Đó là nhiệm vụ cấp bách không phải của riêng ai…” – GS.TS Huỳnh Văn Sơn đúc kết!

Sông Tin

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)