Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp trẻ làm quen trường học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khóc, bỏ ăn, sụt cân… là hình ảnh thường thấy với trẻ mầm mon trong những ngày đầu đi học.
3 lần đi học không thành
Hơn 1 năm nay, trên 3 lần, chị Vũ Bích Ngọc (đường Tân Lập 1, Q.9, TP.HCM) đưa con đi học mẫu giáo nhưng đều không thành công.
Chị tâm sự: “Đưa con vào trường, quay ra đứng trốn ngoài cổng thấy con cứ khóc miết. Chịu không nổi, lại trở vào đón cháu về. Họ hàng hai bên nội ngoại ai rảnh việc đều nhờ giữ cháu dùm. Giờ ai cũng bận nên tháng 6 này nhất định phải đưa cháu đi học. Lên dây cót tinh thần bao nhiêu tháng rồi mà vẫn lo cho con đến xót xa”. 
Cha mẹ cùng bé vui chơi tại Mái nhà xanh trường Mầm non Q.11, TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T
Dũng cảm như chị Nguyễn Thị Thoa (Q.5) khi con khóc đến mấy cũng bỏ về, nhưng cuối cùng cũng đành nghỉ việc không lương để ở nhà giữ con, vì: “Cho cháu đi học được 1 tháng thì hơn 20 ngày triền miên phải đi khám bác sĩ vì cháu bị cảm, ho, sổ mũi. Bệnh thì có thể chữa khỏi, nhưng cháu lại có những biểu hiện tâm lý như tránh mẹ vì cho rằng mẹ không còn thương bé… Điều này làm tôi lo lắng kinh khủng!”.
"Tháng đầu tiên đi học, trẻ khóc nhiều, giáo viên căng thẳng thần kinh dẫn đến việc chăm sóc trẻ không tốt. Phần lớn tai nạn xảy ra vào thời điểm này, do đó gia đình phải phối hợp và đầu tư thời gian, công sức cho con em. "
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM)
Mỗi năm tại TP.HCM có gần 100.000 trẻ bắt đầu vào học mầm non nên chắc hẳn những tâm sự của phụ huynh trên không hiếm. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho rằng: “Giờ đây, mỗi gia đình chỉ có từ 1 – 2 con và cũng chỉ có 1 – 2 lần chuẩn bị cho con ngày đầu đến trường mầm non nên hãy dành thời gian quan tâm đến các em. Đi học, các em sẽ hoạt động và giao tiếp trong môi trường hoàn toàn mới, trong một không gian đồ sộ hơn ở nhà với những người xa lạ, do vậy không tránh khỏi sự sợ sệt. Trước tiên hãy cùng các em tiếp xúc với trường học mỗi ngày khoảng 1 giờ, sau đó mới tăng thời gian và dần rời tay để các em tự chơi một mình cùng bạn bè trong sân trường…”.
Làm quen từ Mái nhà xanh
Từ năm 2007, Mái nhà xanh chỉ bắt đầu thí điểm ở 3 trường mầm non trực thuộc, đến nay, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai mô hình này ở tất cả các trường. Đó là nơi để trẻ vui chơi và tập làm quen với trường trước khi vào học mầm non. Bà Kim Thanh cho biết: “Mô hình này đơn giản, không cần nhiều kinh phí. Các trường tận dụng mọi không gian, không có phòng riêng thì có thể dùng sân trường để dựng mái nhà”.
Đến trường Mầm non Hoa Lư (Q.1), ngay giữa sân trường là một Mái nhà xanh theo đúng nghĩa với gian nhà có tấm lợp xanh, bên trong có nước, có khăn tay, đồ chơi, ghế… để phục vụ cho các bé.  Bà Lê Thị Kim Vân – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mô hình này phù hợp cho lứa tuổi từ 18 – 36 tháng vì các em đã nhận thức được xung quanh, khi tiếp xúc trong môi trường mới rất dễ phản ứng. Có bé khóc suốt 1 tháng, sụt cân, giận cha mẹ, ngủ mớ hay cáu gắt, khó chịu… Hằng ngày, trường mở cửa buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ, phụ huynh cho các em đến vui chơi để làm quen với không khí trong trường”.     
Mái nhà xanh của trường Mầm non Q.11 thì nằm ở góc hành lang, được trang trí khá phong phú và sinh động với hình ảnh, đồ chơi. Các bé có thể cùng cha mẹ chơi xếp hình, đá banh hoặc ẵm thú nhồi bông… Bà Trương Thị Việt Liên – Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Tất cả phụ huynh nếu có nhu cầu đều có thể cho con vào làm quen ở Mái nhà xanh. Một hiệu phó sẽ quan sát để tìm hiểu tâm lý và sở thích của mỗi bé. Việc làm này sẽ giúp việc chăm sóc các bé khi vào học dễ dàng hơn. Đối với những bé theo học trường khác thì cô hiệu phó sẽ tư vấn để phụ huynh biết cách tách dần con em”.
Để trẻ tránh bị sốc về tâm lý, những ngày đầu đi học, phụ huynh không nên giao con hẳn cho nhà trường mà cần có sự phối hợp từ phía gia đình. Qua nhiều năm nghiên cứu và quản lý ngành giáo dục mầm non, bà Kim Thanh giải thích: “Tháng đầu tiên đi học, trẻ khóc nhiều, giáo viên căng thẳng thần kinh dẫn đến việc chăm sóc trẻ không tốt. Phần lớn tai nạn xảy ra vào thời điểm này, do đó gia đình phải phối hợp và đầu tư thời gian, công sức cho con em. Nếu đẩy hết trách nhiệm về phía nhà trường thì trẻ chính là người chịu thiệt thòi”.
Sở GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các quận, huyện về thời gian tuyển sinh các trường mầm non năm học 2010-2011. Theo đó, từ ngày 14.6, các trường bắt đầu phát đơn tuyển sinh; ngày 31.7 công bố danh sách học sinh. Tùy vào thực tế, các trường tạo mọi điều kiện để tiếp nhận được nhiều trẻ theo học.
Bích Thanh / Thanh Nien

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)