Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giúp trẻ thích ứng ở tuổi dậy thì

Tạp Chí Giáo Dục

Sự biến đổi sinh lý dẫn đến những thay đổi tâm lý luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với tuổi dậy thì. Ứng xử với độ tuổi này có nhiều phương pháp, tuy nhiên giúp trẻ thích ứng được tuổi dậy thì cũng là một trong những phương pháp sẽ rất hiệu quả nếu phụ huynh biết vận dụng mềm dẻo, linh hoạt.

Ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm và chia sẻ với con. Ảnh: IT

1. Một hôm gia đình cô Út sang nhà anh Hai dự tiệc, cháu Bi (12 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) đang ôn thi gấp rút để chuẩn bị kỳ thi giữa kỳ. Nghe tiếng nói chuyện rôm rả của người lớn phòng khách, lại đang tập trung vào bài vở, Bi đứng dậy hét toáng: “Sao ồn ào thế! Ai mà học được. Về hết đi”. Cả nhà lặng im sau tiếng hét của đứa cháu, vợ chồng anh Hai cũng chưng hửng, mất mặt với mọi người. Bữa tiệc hôm đó cũng kết thúc vì gia đình cô Út cũng xin phép về luôn, bầu không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt.

Trường hợp của Hoàng Linh (14 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM) khi kỳ thi vào lớp 10 sắp diễn ra, kết quả cháu không được theo ý muốn. Sau khi biết kết quả, mẹ cháu tức tối nên đổ dồn hết bực dọc vào con gái, nào là: Bao nhiêu công sức cha mẹ bỏ tiền cho đi học thêm thế mà học hành như vậy à? Chắc là thời gian đi học thêm lại đi tán tỉnh chứ học hành gì… Hoàng Linh chỉ biết khóc ấm ức suốt đêm. Sáng hôm sau thì cháu đã bỏ nhà ra đi. Sau 3 ngày may mắn gia đình anh chị tìm thấy cháu ở nhà bác ruột (tỉnh Bình Phước) và cũng từ hôm đó Hoàng Linh nói với bố mẹ con xin nghỉ học. Anh chị động viên, khuyên nhủ thế nào đi nữa cháu cũng không đi học và xin làm việc phục vụ tại một quán ăn gần  nhà.

2. Sự thay đổi nhanh chóng về mặt sinh lý trong cơ thể dẫn đến cách ứng xử thất thường thiên về kiểu thái độ, hành vi thô lỗ, cộc cằn của trẻ làm cho không ít bậc cha mẹ phát “hoảng”, không kịp trở tay với hành vi của con. Họ luôn suy nghĩ con mình lâu nay vốn yên ổn, hiền lành, ngoan ngoãn, lễ phép… vậy mà tự nhiên lại trở chứng “sinh hư”. Một số cha mẹ thì muốn cho yên cửa yên nhà nên đành quyết định mặc kệ “sống chung với lũ” để con tự “vượt qua chính mình”, rồi lớn lên con sẽ hiểu… mà không dám thổ lộ, tâm sự cùng ai; một số cha mẹ khác thì lại không kiềm chế được cảm xúc và hành vi của mình đã đùng đùng nổi cơn thịnh nộ với con nhằm răn đe đến nơi đến chốn, thậm chí có ông bố, bà mẹ gia trưởng còn đánh đòn ngay và luôn cho bõ tức. Những kiểu ứng xử nêu trên đều thể hiện sự bất lực của người lớn trước việc dậy thì của trẻ. Suy cho cùng là vì người lớn không chịu hiểu trẻ. Hệ lụy có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực ngay đối với trẻ, tâm trạng chán nản, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, vi phạm pháp luật…

Mỗi bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, biến đổi tuổi dậy thì là một quy luật phát triển tâm sinh lý lứa tuổi bình thường của mỗi người. Tùy vào đặc điểm mỗi cá nhân mà mức độ biến đổi khác nhau, có trẻ thì dữ dội, có trẻ thì lặng lẽ, kín đáo hơn, có trẻ dậy thì sớm, có trẻ dậy thì muộn. Để trẻ ở tuổi dậy thì có những cách ứng xử phù hợp hơn, và vượt qua được những “khủng hoảng” tâm lý một cách êm đềm thì việc giúp trẻ hình thành kỹ năng thích ứng là rất cần thiết. Thể hiện theo 3 khía cạnh sau đây:

Về nhận thức: Cha mẹ hãy cho con biết những biểu hiện cơ thể về mặt sinh lý đã, đang và sắp diễn ra để con có thể điều chỉnh cách ứng xử. Điều này tác động vào nhận thức, giúp cho trẻ giảm được những phát ngôn hoặc hành vi không phù hợp. Đồng thời, khi trong gia đình hoặc bản thân trẻ chuẩn bị có sự kiện gì, thì cần thông báo và hướng dẫn sớm cho trẻ những cách ứng xử hợp lý.

Về thái độ: Luôn thể hiện sự tích cực với trẻ, hạn chế quát mắng, dọa nạt… điều đó sẽ tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý trẻ. Do vậy, trước những thay đổi này thì hãy động viên con chủ động, tự giác, làm việc theo sở trường, hứng thú của trẻ.

Về hành vi: Hãy tạo ra những hoàn cảnh, tình huống, đặt trẻ vào các vai diễn khác nhau, tập cho con làm quen với nhiều cách ứng xử linh hoạt, để con nhận thức được rằng, hành vi của bản thân có ảnh hưởng đến những người khác và chính bản thân mình. Trẻ dậy thì thường bộc phát tức thì trong thể hiện ngôn ngữ và hành động, nhất là theo chiều hướng tiêu cực khi có ngoại cảnh tác động.

Tóm lại, ứng xử với con tuổi dậy thì là vấn đề không hề dễ dàng, tuy nhiên nếu người lớn hiểu trẻ, hãy giúp trẻ thích ứng được trên cả 3 khía cạnh nhận thức, thái độ, hành vi. Điều đó sẽ giúp cho trẻ có thể bảo đảm được sự cân bằng tâm lý, hạn chế sự thái quá và vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Công

Bình luận (0)