Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giúp trẻ tìm lại giới tính thật

Tạp Chí Giáo Dục

Một ca phẫu thuật trả lại giới tính thật cho trẻ. Ảnh: T.HIỀN

“Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đã mang một giới tính rõ ràng. Nếu không cẩn thận, việc xác định sai giới tính cho trẻ có thể để lại những hệ lụy đáng tiếc trong suốt cuộc đời của trẻ và cả gia đình trẻ” – TS.BS Lê Tấn Sơn, Trưởng khoa Ngoại niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo.
Mơ hồ giới tính, ảo tưởng giới tính là những tên gọi tồn tại từ lâu để chỉ sự không rạch ròi về giới tính nhưng không phải là bệnh hoạn. Tùy từng trường hợp, trẻ trở về được với giới tính thật của mình.
Không phải nữ, chẳng phải nam
3 tuổi, bé H.P.A.N (Phan Rang) được cha mẹ đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám vì thấy bé có những biểu hiện phát triển khác thường ở bộ phận sinh dục. Dù theo giấy khai sinh, bé là nữ và được gia đình chăm sóc, nuôi nấng như một bé gái. Tại bệnh viện, các kết quả xét nghiệm khiến ngay cả BS cũng phải ngỡ ngàng. Cơ thể bé vừa mang buồng trứng lại vừa có tinh hoàn. Bé vừa là nữ, lại vừa là nam.
Theo TS.BS Lê Tấn Sơn – Trưởng khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 thì bệnh lý này được gọi tên là lưỡng giới thực sự và hiếm gặp. Bé N. được gia đình đồng ý phẫu thuật để trở thành giới tính nữ cho phù hợp với môi trường bé đang sống. Tuy nhiên, BS. Sơn cho biết, với những trường hợp lưỡng giới thực sự, dù phẫu thuật trở thành nam hay nữ thì khả năng làm cha, làm mẹ sau này của các bé là rất nhỏ. Vì tinh hoàn và buồng trứng đều bị sơ hóa.
Thường gặp hơn là trẻ mắc chứng lưỡng tính giả: Giả thể nam và giả thể nữ. Cơ thể mang nhiễm sắc thể nam (XY) nhưng bộ phận sinh dục nữ và ngược lại. Theo BS. Sơn thì nguyên nhân thường do trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc lỗ tiểu thấp. Một tỷ lệ rất nhỏ do trong quá trình mang thai, người mẹ đã sử dụng kích thích tiết tố nam hoặc nữ khiến thai nhi bị ảnh hưởng. Trong trường hợp trẻ bị lỗ tiểu thấp thì phẫu thuật trở về giới tính nam được. Còn khi trẻ mắc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, việc trả lại giới tính nam cho trẻ là rất khó khăn, đòi hỏi những phẫu thuật phức tạp. Nhất là khi trẻ đã mang hình hài của bé gái, sinh hoạt như một bé gái, được gia đình, bạn bè, hàng xóm thừa nhận là một bé gái thì việc phẫu thuật trở về đúng giới tính nam sẽ gây ra nhiều chấn thương tâm lý, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, ngay cả khi trẻ đã trưởng thành… “Đặc biệt, trẻ mang lưỡng tính giả, sau khi phẫu thuật sẽ không có khả năng làm cha, làm mẹ” – BS. Sơn lưu ý.
Con là ai?
Đó là câu hỏi hoang mang mà rất nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên đã nói với BS. Phạm Minh Triết – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 khi được gia đình đưa đi khám. Theo đó, trẻ có biểu hiện ảo tưởng về giới tính của mình, không phân định rạch ròi, nhất quán được mình là nam hay nữ. Thế nên trẻ thường có những hành động, biểu hiện đi ngược lại, phủ định lại với giới tính mình đang mang.
BS. Triết cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca trẻ băn khoăn về giới tính của mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những ngộ nhận sai lầm này. Có thể là do trẻ bị ảnh hưởng tâm lý từ phía gia đình như hoàn cảnh gia đình thiên về mẹ hay cha, có thể do ảnh hưởng khi tiếp xúc với phim ảnh, bạn bè, môi trường xung quanh… Hoặc ngay từ ban đầu, một vài tâm lý của người mẹ trong quá trình mang thai.
Với những trường hợp này, việc đầu tiên là trẻ sẽ được xác định ADN, hormone sinh dục để khẳng định lại giới tính về mặt y khoa. Nếu mang đúng ADN của giới tính mình mà vẫn hoài nghi về giới tính, trẻ sẽ được tư vấn tâm lý, hướng dẫn thả lỏng cơ thể, đọc những cuốn sách về giới tính để kéo trẻ trở lại đúng giới tính thật của mình.
Theo BS. Triết, để tránh cho trẻ hoang mang về giới tính của mình trong quá trình hình thành nhân cách, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cha mẹ phải trở thành hình mẫu, cha là cha mà mẹ là mẹ. Đồng thời, phải xây dựng đúng giới tính cho trẻ khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Đặc biệt, lứa tuổi trẻ vị thành niên, đang trong giai đoạn khẳng định mình, khám phá bản thân. Trẻ có xu hướng tách ra khỏi gia đình, rất nhạy cảm, chịu ảnh hưởng nhiều bởi bạn bè, môi trường xã hội. Do đó, cha mẹ cần phải có thiên hướng giáo dục, xác định cho trẻ hiểu về vai trò và trách nhiệm của mình, tránh nạt nộ và xa lánh. Như thế, khi trẻ có lạc lối, ngộ nhận về giới tính cũng dễ dàng hơn để đưa trẻ  trở về với giới tính thật.
đông sa
Đông Sa
“Nếu gia đình không can thiệp kịp thời, từ việc ngộ nhận, trẻ sẽ mãi mãi mang giới tính ảo. Và sống với giới tính đó, lập lờ…” – BS. Triết nhấn mạnh.
 

Bình luận (0)