Cô Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên Trường Mầm non Thành phố) kể chuyện Cô trăng may áo |
Trong hai ngày 3 và 4-3, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề “Đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ trong trường mầm non” tại một số trường ở Q.1 và Q.3; qua đó nhiều giáo viên đã lĩnh hội được những kinh nghiệm quý trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ giao tiếp, tránh khuôn sáo.
Tiết học sinh động
Chuyên đề được thực hiện qua nhiều tiết học mẫu sinh động và thú vị, với các đề tài: Quả quýt (giúp trẻ 24-36 tháng tuổi tập nói câu đơn có 3-4 từ, thông qua việc nhận biết và gọi tên quả quýt, gọi tên các bộ phận của quả quýt như vỏ, múi, màu); kể chuyện theo đồ vật (giúp trẻ 5-6 tuổi biết phối hợp kể chuyện với 4-5 đồ vật và đặt tên cho câu chuyện); hoạt động trò chuyện (gợi ý cho trẻ kể về những sự việc mà trẻ đã chứng kiến như du lịch cùng gia đình, thăm ông bà)…
Nhiều giáo viên tham dự chuyên đề nhận xét rằng sự thu hút từ các bài thực hành mẫu không chỉ là nét ngây ngô, đáng yêu và dạn dĩ của trẻ, mà còn là sự đầu tư giáo án công phu, đồ dùng dạy học sáng tạo, cách thức thể hiện nội dung tinh tế và thú vị. Do đó mỗi bài thực hành đều được họ ghi lại bằng cách quay clip hoặc viết tay để làm tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy.
Trẻ kể chuyện theo đồ vật” tại Trường Mầm non 6, Q.3 |
Điển hình như trong đề tài “Kể chuyện theo đồ vật”, chỉ với một búp bê, mắt kính, gói quà và một quả bóng nhưng với sự dẫn dắt khéo léo của cô Phạm Thị Thu Hoài (giáo viên Trường Mầm non 6, Q.3), các trẻ lớp mẫu giáo 5-6 tuổi đã liên tưởng ra những tình tiết hay, nhập vai vào từng nhân vật và có sự liên ý tốt để tạo nên 4 câu chuyện thú vị. Hoặc cách kể chuyện bằng giọng truyền cảm, hấp dẫn của cô Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên Trường Mầm non Thành phố, Q.3) với câu chuyện Cô trăng may áo, không những cuốn hút trẻ mà tất thảy giáo viên tham dự đều tỏ ra thích thú. Nhiều người khen ngợi sự sáng tạo bằng cách dùng một tấm bảng nền xanh đậm và khởi đầu câu chuyện rất tự nhiên là hành động dán lên “khung trời nhỏ” 3 ngôi sao vàng và 2 cụm mây trắng. Thú vị nhất là khi kể đến chi tiết có mặt trăng xuất hiện, cô giáo đã dùng tay phải điều khiển một dụng cụ ở góc trái phía dưới bảng khiến mặt trăng lưỡi liềm lập tức xuất hiện. Mặt trăng này dần “mập” hơn, đầy hơn và tròn trịa vào ngày rằm, rồi lại khuyết đi dần vào những ngày sau đó…
Những bài học kinh nghiệm
Phải để trẻ phát triển tự nhiên, lời nói tự nhiên và suy nghĩ tự nhiên, như vậy mới kích thích được óc sáng tạo thực sự của trẻ. |
Kết thúc phần tiết học mẫu, cô Trương Thị Việt Liên (Quyền Trưởng phòng Giáo dục mầm non) đã đưa ra những đúc kết xác đáng, cũng là những bài học kinh nghiệm hữu ích về nghiệp vụ cho ban giám hiệu các trường nói chung và giáo viên nói riêng. Trong đó, cô Liên khuyến khích việc tập cho trẻ đọc thuộc bài thơ bằng cách cho xem video clip, hoặc nghe nhạc, đọc truyện là một trong những cách giúp phát triển năng khiếu ở trẻ. Tuy nhiên, để trẻ có thể đọc thơ một cách diễn cảm thì giáo viên cần kiên nhẫn bằng cách cho trẻ xem clip nhiều lần. Trong tiết mục kể chuyện theo đồ vật, cô Liên khen: “Giáo viên đứng lớp trong tiết học này là người rất dũng cảm”, bởi theo nhận định của cô, đây là việc làm khó vì phải dùng những đồ vật khác nhau để kích thích trẻ phải suy nghĩ, lên ý tưởng và liên ý để cho ra một câu chuyện có chủ đề. Tuy nhiên, cô Liên cũng lưu ý các giáo viên cần tránh cho các nhóm trẻ chơi những đồ vật giống nhau, để tránh việc nhóm kể sau sẽ bắt chước nội dung của nhóm kể trước, cho ra những câu chuyện không mấy khác biệt, từ đó hạn chế óc sáng tạo của trẻ. Điều cần lưu ý nữa là không nên cho các nhóm trẻ đứng thành hàng ngang, mỗi trẻ ôm một vật khi kể chuyện, mà nên cho trẻ ngồi thành nhóm tròn và để tất cả đồ vật lên bàn, như vậy trẻ sẽ dễ nhập vai hơn…
Đặc biệt trong ngôn ngữ giao tiếp của trẻ, cô Liên nhấn mạnh rằng cần tránh dạy trẻ giao tiếp bằng những câu chữ rập khuôn theo lối văn viết, nếu không sẽ biến trẻ thành những “ông cụ non, bà cụ non” ảnh hưởng đến cách ăn nói, đi đứng và thể hiện cảm xúc. Minh chứng cho điều này, cô ví dụ bằng hai sắc thái khác biệt là khuôn mặt vui tươi của các trẻ ở một trường mầm non nọ, đối lập với vẻ mặt nghiêm túc, đứng lúc nào cũng khép chân, trả lời người lớn bằng những câu nói dài tương tự nhau ở trường mầm non kia…
Theo cảm nhận của thầy Nguyễn Hữu Toàn (giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1), những đúc kết của chuyên đề này đã cho thầy nhiều kinh nghiệm quý: “Giờ tôi biết rằng phải để trẻ phát triển tự nhiên, lời nói tự nhiên và suy nghĩ tự nhiên, như vậy mới kích thích được óc sáng tạo thực sự của trẻ. Tôi nghĩ rằng chính giáo viên cũng có thể học hỏi từ những sáng tạo mới mẻ của trẻ để chuyên môn của mình được phong phú hơn”. Trong khi đó, cô Đào Thụy Xuân Thảo (Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Xanh, Q.Tân Bình) cho rằng: “Những bài học từ chuyên đề sẽ giúp cho trường tôi củng cố chuyên môn nhằm giảng dạy tốt hơn, chuẩn bị chu đáo hơn cho những tiết dự giờ và điều quan trọng là định hướng cho giáo viên mạnh dạn hơn trong công tác đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ của trẻ ở mọi lứa tuổi”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)