Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Giúp trẻ từ bỏ ý định tự tử

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện CTTL, phụ huynh đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được chẩn đoán (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N
Trong quá trình tư vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị “chấn thương tâm lý” (CTTL) và hầu hết đều dẫn đến ý định tự tử. Hơn lúc nào hết, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ cần được các bậc phụ huynh quan tâm hơn.
Những trường hợp CTTL
Em N.V.L (17 tuổi) đến gặp tôi để tham vấn tâm lý trong tình trạng sa sút về nhận thức và cảm xúc. Nhìn em rất mệt mỏi, căng thẳng, tôi đoán chắc em thường xuyên mất ngủ. L. cho biết: “Cảm giác của em luôn trống rỗng và buồn quá mức, rất khó khăn khi tiếp xúc với người xung quanh. Nhiều lần em đã có ý định tự tử”. Tình trạng CTTL như L. hiện đang rất phổ biến trong các bạn tuổi vị thành niên. Qua hai lần tiếp xúc, tìm hiểu, tôi biết được L. có một cuộc sống đầy nội tâm và thường xuyên bị áp lực về mặt tâm lý. Bố em làm nghề chạy xe ôm, còn mẹ bán rau ở chợ. Ba L. thì ngày nào cũng say xỉn, mẹ thì hay ghen tuông, thế là xảy ra gây gổ. Cả mẹ lẫn L. thường xuyên bị ba đánh đập trong những cơn say đồng thời có ý định cho L. nghỉ học. L. rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và cần một thời gian chữa trị lâu dài. Một lý do nữa khiến trẻ CTTL là sức ép lớn về học hành từ phía cha mẹ. Khi cha mẹ tỏ ra thất vọng, hay ngưỡng mộ con mình thái quá mà không có cách cư xử khéo léo rất dễ dẫn đến những hành động tiêu cực của trẻ. M.X (lớp 9) vốn là học sinh giỏi, xinh xắn được thầy cô và gia đình kỳ vọng nhưng X. không đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 trường chuyên. Vì điều này mà cô bé buồn bã, rồi tìm cách tự tử sau khi viết lá thư để lại: “Con xin lấy cái chết tạ lỗi với bố mẹ”. Mặc dù X. được cứu sống nhưng tâm lý của em bị “chấn thương” rất nặng.
Một số em bị ba mẹ bắt buộc phải theo học những ngành nghề mà mình không yêu thích nên chán nản, tuyệt vọng đến mức phải tìm đến cái chết như bạn K.T (sinh viên năm 1 Trường Đại học Y dược). Gia đình T. có truyền thống là nha sĩ. Chính vì thế mà khi bước chân vào cấp III là gia đình đã định hướng cho T. trở thành một nha sĩ. T. bị cha mẹ bắt vùi đầu vào những quyển sinh học dày cộm. Mới 18 tuổi mà T. đã cận đến 5 đi-ốp và phải mổ mắt đến hai lần. Vào trường học được một năm, T. mệt mỏi với những giáo trình vừa dày vừa khó. Áp lực việc học quá nặng khiến cho T. uống thuốc ngủ khi biết kết quả thi học kỳ hai của mình quá kém. Cũng may là gia đình phát hiện kịp nên không dẫn đến hậu quả khôn lường.
CTTL, chớ xem thường!
Những trường hợp trên, trước khi tự tử các em đều bị trầm cảm – nguyên nhân gây cô độc rồi chán nản. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hơn 80% trẻ mắc chứng này sẽ hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cũng có em tự tử sau khi được cứu sống sẽ bị CTTL kéo dài đến suốt cuộc đời. Những biểu hiện sau tự tử dễ gây thương tổn về mặt tâm lý nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành. Sau khi rửa bao tử, dùng thuốc kháng sinh, thuốc an thần… ít nhiều trí nhớ, tri giác và khả năng tập trung của các em đều có thể giảm sút, không loại trừ trường hợp có em tự tử đã được cứu sống nhưng lại muốn tự tử tiếp. Nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em buồn tủi, chán nản và muốn tự tử là vì phụ huynh mải mê công việc không quan tâm đến trẻ. Hoặc không chịu tìm hiểu những gì trẻ đang nghĩ, đang thích mà chỉ biết áp đặt khiến trẻ bị gò bó tù túng, chán nản và bất hợp tác. Vì thế, phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện tinh tế nhất của trẻ. Càng phát hiện sớm các biểu hiện bất thường càng giúp trẻ thoát khỏi bế tắc. Điều trị CTTL bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện thường tỏ ra có hiệu quả. Nếu trẻ có các triệu chứng sau đây và kéo dài hơn hai tuần thì phụ huynh nên đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được chẩn đoán: Buồn, xuống tinh thần vô cớ, thiếu năng lượng, uể oải, không muốn làm bất cứ điều gì, không có hứng thú với nhiều thứ thậm chí cả khi được khen thưởng, cho đi chơi, cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu; không có khả năng tập trung; tăng hoặc giảm cân một cách bất bình thường, ăn quá nhiều hay quá ít, thay đổi rất rõ trong giấc ngủ như cảm thấy khó ngủ và mệt mỏi khi thức giấc, có biểu hiện cảm thấy tội lỗi và vô dụng, cơ thể mệt mỏi; chẳng quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai, thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc muốn tự tử.
Trẻ tự tử dễ mặc cảm, do vậy tránh nhắc lại những vết đau trong quá khứ. Định hướng hành vi phù hợp, khơi gợi lý tưởng sống để giúp trẻ vượt qua nỗi đau này. Cần thay đổi giá trị, chấp nhận sự thật… để nâng cao lòng tự tin khi trẻ tự tử đã được cứu sống.
TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Phụ huynh cần là người bạn của trẻ, biết lắng nghe và tạo cho trẻ có một cuộc sống ổn định về tâm lý, giúp trẻ vững vàng khi đối diện với các tình huống gây stress và vượt qua nó.

 

Bình luận (0)