Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giúp trò vượt lên cú sốc tội lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Màn đêm nhập nhòa bắt đầu buông xuống khi bữa cơm chiều vừa kết thúc. Khu tập thể học sinh Trường Năng khiếu Hải Hậu (Nam Định) hôm ấy, vì là kỳ học thêm hè nên các em bán trú ở lại qua đêm không nhiều. Son cùng 3 bạn nữ nhóm lớp văn 6 rủ nhau ra bến sông lớn cận kề bên trường ngồi hóng mát, đợi màn đêm tối thẫm sẽ xuống tắm. Dòng mương mọi ngày chỉ rộng chừng mươi mét, nước chảy lững lờ, có thể lội qua dễ dàng. Hôm nay thì đúng ngày triều cường, nước lênh láng, chảy xiết. Câu chuyện vui đùa giữa 4 em mỗi lúc một thêm rôm rả. Bỗng một tiếng “Hú u… Òa!” vang lên bất ngờ làm cả 4 giật thót. Không còn giữ được bình tĩnh, 4 em hoảng hốt lao tùm xuống sông. Phút chốc dòng nước đã nhấn chìm, cuốn phăng các em trong dòng chảy ào ạt. Khải, một nam sinh lớp toán 6 – tác giả của trò đùa vừa diễn ra dường như đã nhận thấy sự nguy cấp đang đe dọa sự sống còn của các bạn. Không chút chần chừ, Khải lao thẳng xuống sông, cấp tập bơi đến chỗ các bạn đang vẫy vùng chới với giữa dòng nước hung dữ. Cứ thế, Khải đã vật lộn với giặc nước lần lượt dìu được 3 bạn vào bờ. Lúc ấy Khải đã mệt lắm. Chân tay rã rời. Miệng thở dốc. Song em đã kịp nhận ra còn Son chưa được cứu. Không nghĩ gì đến mệt mỏi, nguy hiểm em lại lao ra giữa dòng nước xoáy. Nhưng rồi tất cả đã muộn. Sau mấy phút tìm kiếm không kết quả, Khải trở vào bờ với thất vọng ngập tràn. Em nằm thở như đứt hơi. Bấy giờ cả khu tập thể mới vỡ chuyện. Nhưng rồi cũng phải gần 30 phút sau, thi thể của Son mới được vớt lên ở một khúc sông cách xa trường chừng 800 mét.

Trong ngày đưa tang Son, ít ai biết rằng Khải đã khóc rất nhiều. Em liên tục đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Em thương Son hay ân hận về hành vi trêu đùa thiếu suy nghĩ của mình? Tính tình em từ ngày đó thay đổi hẳn. Em trầm tư lặng lẽ chứ không còn láu táu, nghịch ngợm đủ trò như trước nữa. Giờ chơi thường thấy em thơ thẩn đứng một mình ở gốc bàng trước lớp. Biết em lúc này rất cần sự chia sẻ, tôi thường gọi em vào phòng ở của mình, hai thầy trò tâm tình.      

Khải chân thành bộc bạch trong nước mắt hối hận: “Em tưởng chỉ đùa tý cho vui. Không ngờ lại gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Liệu em có bị công an đến điều tra, bắt đi không thầy? Em sợ lắm! Có lẽ em phải bỏ lớp về học ở trường xã thôi thầy ạ!”. Tôi nhỏ nhẹ tìm lời vừa an ủi vừa khích lệ: “Đúng là hành vi đùa nghịch quá mức, thiếu suy nghĩ của em đã cắt đứt tuổi xuân đầy mộng mơ của Son. Lẽ thường, dù hữu ý hay vô tình khi đã làm thiệt mạng người khác đều quy vào tội hình sự và bị pháp luật xử lý. Song đáng mừng là gia đình Son không làm to chuyện, nhà trường ngoài thầy cũng không ai biết tỏ tường. Em đã nhận ra tội lỗi của mình. Thế là quý lắm. Càng ân hận em càng không được phép rời xa mái trường mơ ước này. Em hãy nghiêm túc phấn đấu làm thay đổi mình. Bỏ xa những trò lêu lổng, đùa nghịch, thích chơi hơn thích học. Hãy chăm chỉ, say sưa hơn. Thầy tin với sự thông minh nhanh nhạy vốn có em sẽ tiến bộ, sẽ giỏi giang hơn mỗi ngày. Khi đó mọi người sẽ nhìn em bằng con mắt ngưỡng mộ. Chỉ có như vậy em mới thấy lòng mình thanh thản phần nào, lương tâm đỡ cắn rứt. Và nơi chín suối chắc Son cũng mỉm cười chứ không giận em nữa đâu”.

Quả thật, để ý theo dõi tôi mừng thấy Khải thay đổi nhanh chóng. Em vượt lên trở thành tốp khá trong đội tuyển toán 6 của trường. Em đã thi đậu vào ĐH Quân y và trở thành một bác sĩ có uy tín ở một bệnh viện thuộc ngành công an tại TP.HCM. Thật bất ngờ khi tôi biết hung tin vừa qua em đã đột ngột ra đi ở tuổi 36 đầy những mộng ước tương lai.

Kỷ niệm trên càng giúp tôi xác tín niềm tin: Nhà sư phạm một khi có tâm và có cách hoàn toàn có khả năng giúp trò có bước nhảy kỳ diệu về nhân cách và năng lực từ chính cú sốc tội lỗi của mình.

NGƯT. NGUYỄN NGỌC KÝ

Bình luận (0)