Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giúp việc cho người nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Giúp việc cho người nước ngoài được coi là công việc “cao cấp” vì mức lương cao. Nhưng, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống có là rào cản tình cảm giữa chủ và người giúp việc?

Tiền nào của nấy
Chị Diễm Châu, phó giám đốc công ty Promaid chuyên cung cấp người giúp việc cho biết, giúp việc cho người nước ngoài cần có ngoại ngữ nhưng người biết ngoại ngữ thì lại không thích làm giúp việc. Người nước ngoài có yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp trong công việc, cách giao tiếp và giờ giấc làm việc. Mức lương giúp việc cho người nước ngoài hiện nay từ 2.000.000 – 2.500.000 đồng/tháng nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Ngoài ra, người giúp việc phải được huấn luyện về cách ứng xử, sắp xếp trình tự công việc, cách sử dụng các thiết bị hiện đại trong gia đình…
Chị Hồng, giúp việc cho một gia đình người Pháp ở quận Phú Nhuận cho biết: “Người nước ngoài kỹ tính và làm việc khoa học lắm. Chẳng hạn như lau sàn nhà, mình thường dùng một xô nước, một giẻ lau rồi lau cho hết sàn. Chủ hướng dẫn phải để sẵn 10 cái giẻ sạch. Lau dơ cái nào thì để qua một bên lấy cái khác. Sau đó mới đem giặt luôn thể. Làm như vậy sàn nhà chỗ nào cũng sạch như nhau”.
Chị Sơn quê ở Vĩnh Long, giúp việc cho người Trung Quốc ở quận Tân Bình cũng đã được chín năm. Lương thoả thuận ban đầu là 600.000 đồng/tháng, thử việc hai tháng. Không biết người Trung Quốc thích ăn món gì, khẩu vị ra sao nên nấu ăn là chuyện “đau đầu” của chị. May mắn là người chủ ở Việt Nam cũng lâu nên biết tiếng Việt và thích ăn những món Việt. Đến bây giờ, theo chị chia sẻ thì nấu món gì cũng nên cho ít dầu hào, dầu mè hoặc satế, vì người Trung Quốc thích những gia vị này. Lương chị hiện nay cũng được 1.500.000 đồng/tháng.
Chị Minh, giúp việc cho ông chủ người Đài Loan ở quận 1 được hơn một năm với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Trước chị có nhiều người đến giúp việc lương chỉ 1.000.000 đồng /tháng nhưng làm được vài tháng là nghỉ vì lịch làm việc được chủ lên kế hoạch rất sát sao. Chị Minh kể: “Ổng nói thà tôi bỏ ra tiền nhiều để thuê người làm được việc còn hơn rẻ mà không làm được gì”.
Giúp việc không phải là “osin”
Chị Loan, giúp việc chủ người Nhật Bản ở quận 3 khoe: “Cổ không coi tôi là người giúp việc mà coi như bạn. Có món ngon cổ mời tôi ăn thử. Những hôm tôi bị bệnh, cổ quan tâm hỏi han nên tôi thấy vui lắm!”.
Chị Minh kể, “có những bữa chủ nhà có tiệc, chủ sợ tôi về khuya nên cho về sớm. Tiệc tàn, tự hai vợ chồng chủ dọn dẹp rồi rửa chén bát luôn. Đến giờ cơm là bắt tôi ngồi ăn chung. Họ coi tôi như người trong nhà vậy”.
Chị Sơn kể về ông chủ của mình: “cách đây vài năm, về quê tôi chơi, thấy nhà lá trống trước hụt sau, A Quân liền cho tôi tiền để xây nhà. Tôi phải ứng trước ba tháng lương để trả nợ thì A Quân bỏ bao lì xì riêng cho tôi để bù vô khoản lương bị trừ. A Quân còn dặn mọi người không được coi tôi như người giúp việc. Có khi bạn bè xin “mượn” tôi vài ngày để nấu ăn thì A Quân nhất quyết không chịu vì sợ bạn không “trả””.
Nhà có chuyện, Sơn phải nghỉ việc về quê, A Quân liên tục năn nỉ chị đi làm. Sơn lên làm lại, ngồi ăn cơm chung, A Quân vừa ăn vừa nói: “Em tưởng không bao giờ được ăn món của chị nấu nữa rồi!”. Chị Sơn rưng rưng: “Mình nghèo, đi làm giúp việc mà cũng có “giá” quá!”
Vì cái tình như vậy mà có nhiều nơi thuê chị Sơn với mức lương cao hơn nhưng chị vẫn không quan tâm.

Theo Minh Cúc (Sài gòn tiếp thị)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)