Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giúp việc nhà thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Đỗ Đắc Nhân Tâm

Một ứng dụng giúp việc nhà thông minh theo giờ qua điện thoại, chỉ cần khách hàng đăng thông tin công việc cần được trợ giúp, thời gian thực hiện từ dọn dẹp nhà cửa, là quần áo, nấu ăn cho đến vệ sinh máy giặt, điều hòa hay chăm sóc em bé, người già… Ngay lập tức hệ thống sẽ báo cho người dùng thông tin của người giúp việc, số tiền cần phải trả cho dịch vụ đó.

Đó là ứng dụng giúp việc nhà bTaskee trên điện thoại của Đỗ Đắc Nhân Tâm. Chàng trai 36 tuổi từng có khoảng thời gian dài học tập và làm việc tại Canada nhưng lại trở về Việt Nam lập nghiệp với tham vọng “làm điều gì đó thật độc đáo và hữu ích cho quê hương”.

“Khủng hoảng niềm tin”

Là điều mà người sáng lập Đỗ Đắc Nhân Tâm chia sẻ khi nói về khó khăn trong suốt quá trình trở về Việt Nam lập nghiệp. “Người ta tưởng mình là môi giới giúp việc nhà. Không một ai tin lại có một dịch vụ mà ở đó, niềm tin giữa người với người được đảm bảo hoàn toàn” – anh Tâm nói.

Nhận thấy giúp việc nhà trong thời buổi hiện nay là một thị trường còn bỏ ngỏ tại Việt Nam, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, anh đã mạnh dạn đưa ra giải pháp giúp việc nhà theo giờ qua đặt lịch trên điện thoại. “Dự án của mình bên cạnh giúp giải quyết nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của nhiều người thì còn giải một bài toán không nhỏ về việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ nhàn rỗi”.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, CEO này mới nhận thấy, mọi việc không hề đơn giản như mình nghĩ. “Niềm tin bị lung lay quá nhiều. Ban đầu, đối tượng lao động mình nhắm đến chính là sinh viên. Vì nghĩ sinh viên sẽ đi làm thêm để kiếm tiền, công việc cũng không quá đòi hỏi. Khi đến các trường ĐH, CĐ giới thiệu, các bạn hào hứng lắm. Nhưng khi biết được công việc là đi giúp việc nhà thì các bạn thẳng thừng từ chối. Số ít đăng ký làm thì tính cam kết không có” – anh Nhân Tâm trải lòng.

Ròng rã 3 tháng liền, Đỗ Đắc Nhân Tâm loay hoay giải bài toán tạo niềm tin, tìm kiếm người giúp việc, giúp họ làm quen với cách làm việc hoàn toàn mới. “Qua người quen giới thiệu, số lượng người giúp việc ban đầu là 250 người. Nhưng không phải ai cũng quen với cách làm công nghệ này. Đa phần họ quen với cách làm chủ động. Thấy dự báo nào là phải đặt lịch, nào là báo trước số tiền loằng ngoằng quá nên họ bỏ hết. Cuối cùng chỉ còn là khoảng hơn 100 người”.

CEO Đỗ Đắc Nhân Tâm cũng vui mừng cho biết rằng, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay lượng công việc khách hàng đặt trên hệ thống luôn trong tình trạng bị kẹt, cung không đủ cầu. “Hệ thống còn phát triển ở cả tiếng Anh và tiếng Hàn, phục vụ một lượng lớn khách hàng ngoại quốc tại 3 thành phố lớn”.

Chưa hết, để tạo niềm tin giữa khách hàng và người giúp việc, Đỗ Đắc Nhân Tâm còn yêu cầu người giúp việc phải nộp đầy đủ giấy tờ tùy thân, hộ khẩu thường trú, phải có kiến thức cơ bản trong việc tiếp xúc với khách hàng và công việc. “Như phản ứng khi lần đầu gặp khách hàng, phản ứng trước những khách hàng khó tính, những đòi hỏi ngoài thỏa thuận giữa hai bên”.

Tháng 4-2016, bTaskee chính thức đi vào hoạt động. “Nghĩ đến những người lao động đã tin tưởng theo dự án nên mình buộc phải đi tiếp. Vượt qua khủng hoảng niềm tin bằng chính sự chân thành, chuyên nghiệp, hài lòng khách hàng” – Đỗ Đắc Nhân Tâm nhấn mạnh.

Khi khách hàng đăng công việc lên ứng dụng, hệ thống sẽ ưu tiên đưa ra thông tin về người giúp việc gần nhất, sau đó là người giúp việc tốt nhất đến người dùng. Nếu trong quá trình sử dụng dịch vụ, không hài lòng về  người giúp việc, khách hàng có quyền phản hồi trực tiếp qua hệ thống. “Không đúng giờ, không sạch, không cẩn thận… tất cả những phàn nàn đó được hệ thống tự động tổng hợp lại. Người giúp việc đó sẽ không có cơ hội làm việc với khách hàng này lần tiếp theo. Đặc biệt, người giúp việc sẽ bị chấm dứt hoàn toàn tài khoản trên hệ thống nếu có hành vi ăn cắp vặt mà khách hàng có bằng chứng” – anh Nhân Tâm cho biết.

Ngược lại, theo CEO này, người giúp việc cũng có quyền đánh giá khách hàng của mình như sự khó tính, trả tiền không sòng phẳng, đòi hỏi quá đáng… Nếu thái quá, khách hàng đó cũng sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Hiện tại, bTaskee có đến hơn 20.000 người giúp việc, phát triển tại cả 3 thị trường TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội với nhiều dịch vụ như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già trẻ nhỏ, vệ sinh điều hòa, máy giặt, nấu ăn. Riêng tại thị trường Hà Nội còn có thêm dịch vụ giặt khô là hơi. “Trên 66.000 đầu việc mỗi tháng, doanh thu xấp xỉ 130 ngàn USD/tháng. Trong đó, mỗi đầu việc, người giúp việc hưởng 85% thu nhập” – CEO chia sẻ.

Lấy người lao động làm trung tâm

Sáng lập của bTaskee cho biết, với dự án này, ngoài tham vọng trao công việc ổn định đến vài chục ngàn người, anh mong muốn xã hội thay đổi cách nhìn, có cái nhìn bình đẳng hơn với người giúp việc. “Họ không phải là con sen, con ở hay ô sin. Họ là một con người làm công việc mà xã hội phân công như tất cả các công việc khác, đôi khi là họ yêu thích công việc đó”.

Theo anh Nhân Tâm, vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, lúc 7 giờ sáng, mỗi người giúp việc sẽ nhận được một bản báo cáo tuần về số lượng công vệc trong tuần qua đã thực hiện, tổng thu nhập trong một tuần. “Hệ thống sẽ luôn ưu tiên những người làm việc tốt, làm việc chăm chỉ. Đồng thời đưa ra lời khuyên với những người làm việc chưa thật sự hiệu quả”.

Giúp việc nhà thời công nghệ với bTaskee

Nói về tên của dự án, Đỗ Đắc Nhân Tâm cho biết, bTaskee với nghĩa tượng hình là con ong đang ôm công việc của nó. “Người giúp việc được ví như những con ong chăm chỉ, luôn cần mẫn làm việc một cách cẩn trọng, gọn gàng và ý thức nhất. Đồng thời, họ cũng như những chú ong, làm đẹp cho người, cho đời vậy”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)