Từ 2017, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) đã phối hợp cùng các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum trong việc hỗ trợ phát triển chuyên môn giáo viên thông qua dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) và chương trình Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống (BAMI).
Trong cả hai dự án, “Giới” là một khía cạnh trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tại các tỉnh trên. VVOB đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục về bình đẳng cho cả bé trai và bé gái qua việc tạo môi trường học tập thông qua chơi có đáp ứng giới (lồng ghép giáo dục về bình đẳng giới cho trẻ thông qua những trò chơi trong lớp), cùng sự tham gia đầy đủ của giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ và người giám hộ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đại diện VVOB – những người tâm huyết nhất với dự án trong suốt nhiều năm qua.
+ PV: Khuôn mẫu giới là một vấn đề mang tính xã hội mà nhiều quốc gia phải đối mặt. Vì sao VVOB quyết định chọn Việt Nam để triển khai dự án giải quyết các rào cản học tập liên quan đến giới?
Bà Karolina Rutkowska cho biết giáo dục trẻ em về giới ngay từ bậc mầm non có thể góp phần cải thiện các định kiến về giới sau này
– Bà Karolina Rutkowska (Quản lý chương trình quốc gia, VVOB): Trên thực tế, VVOB đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục mầm non ở Việt Nam nhiều năm, và trong quá trình đó, chúng tôi đã trải nghiệm trực tiếp các vấn đề về rào cản giới còn tồn tại trong môi trường học tập. Vì thế, chúng tôi đã lên kế hoạch nghiên cứu và thực hiện một dự án với sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh Châu Âu và Chính phủ Bỉ để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu hợp thức hóa phương pháp học thông qua chơi có đáp ứng giới xuyên suốt hệ thống các trường mầm non.
m Lý do gì khiến bậc mầm non trở thành nền tảng để triển khai dự án này, thưa bà?
– Bà Karolina Rutkowska: Nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 3 tuổi được dạy dỗ và đã bắt đầu hình thành các khuôn mẫu và thái độ về giới, dẫn đến sự hình thành các định kiến giới trong suy nghĩ của các em từ khi còn rất sớm. Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng vì nó có thể tác động đến quá trình xã hội hóa các định kiến và giới hạn về giới trước khi chúng ảnh hưởng tiêu cực đến bản dạng giới, các mối quan hệ và lòng tự trọng của trẻ trai và trẻ gái.
+ Thuận lợi và khó khăn của VVOB khi triển khai dự án trong môi trường giáo dục mầm non của Việt Nam?
Với thực tế triển khai, chị Hà Thị Thu Hương kết luận giáo dục có đáp ứng giới cần có sự chung tay của cả nhà trường và phụ huynh để đạt được hiệu quả
– Chị Hà Thị Thu Hương (Quản lý chương trình Giáo dục mầm non tại VVOB): Về thuận lợi, VVOB đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT cũng như giáo viên từ các trường tham gia. Qua khảo sát đầu kỳ, chúng tôi thấy rằng cán bộ quản lý và giáo viên đều cho rằng học qua chơi là hình thức phù hợp và hiệu quả với trẻ mầm non. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn khi VVOB xây dựng Bộ dụng cụ Học thông qua chơi. Sự đón nhận này giúp quá trình triển khai dự án ở địa phương được suôn sẻ hơn.
Tuy nhiên, giới là lĩnh vực mới mẻ với hầu hết các đối tượng, bao gồm cả giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên viên giáo dục mầm non và phụ huynh. Vì vậy, VVOB cần có cách tiếp cận hiệu quả và tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non ngay từ đầu. Cùng với đó là sự tuyên truyền, vận động đến cả bậc phụ huynh – những người ảnh hưởng rất lớn đến sự giáo dục con trẻ để mô hình học thông qua chơi có đáp ứng giới nói chung và dự án GENTLE nói riêng được triển khai hiệu quả nhất.
+ Dự án tác động đến phụ huynh như thế nào, thưa chị?
– Chị Hà Thị Thu Hương: Bên cạnh đội ngũ giáo viên, chúng tôi cũng tập trung vào sự thay đổi nhận thức cho cha mẹ các em. Thông qua nhiều hoạt động chia sẻ, các bảng tin truyền thông trong và ngoài lớp…, nhiều bậc cha mẹ đã quan tâm vào việc giáo dục về giới cho các con. Cùng với đó, sự thay đổi tích cực khi các em mạnh dạn, tự tin thể hiện bản thân và hạnh phúc hơn đã giúp phụ huynh ủng hộ dự án hơn. Từ đó thay đổi nhận thức, cái nhìn về giới, tạo điều kiện cho trẻ được phát huy tiềm năng của mình và có cơ hội phát triển, có nghề nghiệp tốt trong tương lai.
MỤC TIÊU CỦA VVOB LÀ GÌ? VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Phương châm “Giáo dục vì sự phát triển” diễn tả mong muốn của VVOB trong việc góp phần tạo nên một thế giới công bằng hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. VVOB có trụ sở chính tại Vương quốc Bỉ, và đang hoạt động tại Việt Nam, Campuchia, Cộng hòa Công-gô, E-cu-a-đo, Ru-gan-đa, Nam Phi, Su-ri-nam và Zam-bi-a. Cụ thể, VVOB bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 và từ năm 2012, VVOB chỉ tập trung vào lĩnh vực giáo dục. VVOB hoạt động phần lớn dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ vùng Fla-măng và Vương quốc Bỉ, cùng các nhà tài trợ khác như Ủy ban Châu Âu, Quỹ ELMA, UNICEF, Viện Nghiên cứu Brookings và Quỹ Schneider. VVOB có 150 cán bộ làm việc trên toàn thế giới, trong đó có 32 cán bộ tại Việt Nam.
|
– Đánh giá của chị về tiềm năng lan tỏa dự án đến các cơ sở giáo dục trên những tỉnh/thành khác?
– Chị Hà Thị Thu Hương: Sau quá trình triển khai dự án với 15 trường điểm, VVOB đã nhân rộng mô hình ra 138 trường nữa thuộc 14 huyện của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và 45 trường thuộc 4 huyện của tỉnh Kon Tum. Cho đến nay, các Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT đều có kế hoạch nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi thấy với kết quả tích cực mà dự án đã mang lại, các tỉnh/thành khác hoàn toàn có thể ứng dụng và học hỏi. Hiện nay, Bộ dụng cụ Học thông qua chơi có đáp ứng giới cũng đã được Bộ GD-ĐT thẩm định để triển khai sâu rộng đến các tỉnh/thành trên cả nước.
N.Thanh
Bình luận (0)