Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến trong chuyến làm việc với các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) vừa qua.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với TP.Đà Nẵng về tháo gỡ “thẻ vàng” EC
Nỗ lực từ chính quyền địa phương
Thời gian qua, chính quyền các địa phương kể trên đã nỗ lực đồng hành cùng ngư dân thực hiện nghiêm túc việc khai thác thủy sản trên biển, chấp hành các quy định nhằm hướng đến gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của EC. Chính quyền các tỉnh, thành xác định, gỡ “thẻ vàng” không chỉ tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển mà còn giúp ngư dân xây dựng được nguồn cung thủy hải sản chất lượng, từ đó có thể xuất khẩu, nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế bền vững.
Thống kê của Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có 1.192 tàu, thuyền (đã đăng ký), trong đó, 286 tàu cá khai thác ven bờ, 311 chiếc khai thác vùng lộng và 595 chiếc khai thác ở vùng khơi. Có 310 tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký. 100% tàu cá TP.Đà Nẵng đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản đã thực hiện sơn đánh dấu tàu cá, kẻ số đăng ký theo quy định.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Thành ủy Đà Nẵng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP tập trung triển khai quyết liệt, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc thực hiện; tổ chức kiểm tra thực tế, bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị, nhân lực, kinh phí hoạt động trong công tác chống khai thác IUU, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động thực hiện các nhiệm vụ đúng quy định, thời hạn được giao. Đến nay, chưa có tàu cá của Đà Nẵng bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Đà Nẵng cũng đã thống nhất bổ sung thiết bị CNTT để thuận tiện trong công tác quản lý tàu cá và xuất, nhập khẩu hải sản.
Bộ đội biên phòng Đà Nẵng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá trước khi xuất bến ra khơi
Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 15-6-2024, có 2.116 tàu cá đã được đăng ký. 100 tàu cá đăng ký đã sơn màu cabin đánh dấu tàu cá theo quy định. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Võ Văn Long cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp nhiệm vụ chống khai thác IUU cho ngư dân. Ngư dân trong tỉnh đã từng bước thay đổi nhận thức, chấp hành các khuyến nghị của EC. Quảng Nam đang quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và thực thi pháp luật. Từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.
Tại hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển triển khai giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” EC, ngày 17-6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhấn mạnh, công tác chống khai thác IUU là công việc quan trọng, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tập trung nguồn lực, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mở đợt cao điểm tuyên truyền đến người dân, ngư dân về công tác thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục quyết liệt trong truy xuất nguồn gốc thủy hải sản ra, vào các cảng cá; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá;… |
Ông Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, về cơ bản tình hình đã kiểm soát, ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Từ năm 2018 đến nay, đã ngăn chặn triệt để tàu cá vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương và Úc. Công tác quản lý tàu cá ngày càng chặt chẽ, dữ liệu tàu cá đăng ký đã được cập nhật 100% và thường xuyên lên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký tính đến tháng 6-2024 hơn 4.200 chiếc. Tỷ lệ đánh dấu tàu cá trên 97% tổng số tàu cá đã đăng ký, trong đó 100% tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, cấp chứng nhận thủy sản khai thác phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo theo quy định.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc
Trong chuyến làm việc này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong quá trình gỡ “thẻ vàng” EC. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần khẩn trương khắc phục, tháo gỡ khó khăn, góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện cho đợt kiểm tra lần thứ 5 của EC.
Việc tháo gỡ “thẻ vàng” EC đem lại nguồn lợi lớn cho ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, xác định công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” EC là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Thứ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung cho công tác chống khai thác IUU và quản lý, giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản… “Đây là thời điểm “vàng” để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC nên các địa phương cần tiếp tục tập trung cao độ, quyết tâm, quyết liệt cho công tác chống khai thác IUU”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thiên Phúc
Bình luận (0)