Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ người dân khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM đang triển khai chính sách hỗ trợ những người khó khăn do Covid-19, từ lao động tự do đến các hộ nghèo, cận nghèo, người khó khăn ở các khu nhà trọ… Hỗ trợ tận tay, không bỏ sót người khó khăn là quyết tâm, là mục tiêu lớn của thành phố trong lúc này.

Người khó khăn, lao động tự do trên địa bàn quận 11, TPHCM nhận tiền hỗ trợ tại nhà. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Người khó khăn, lao động tự do trên địa bàn quận 11, TPHCM nhận tiền hỗ trợ tại nhà. 

Giải quyết ngay thông tin phản ánh
Gọi đến đường dây nóng, ông P.V.L. (đường số 10, tổ 1, khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) cho biết, gần 2 tháng nay, nhiều người ở trọ trên đường số 10 không được địa phương chăm lo nhu yếu phẩm và hỗ trợ gì, trong khi tất cả đều khó khăn, thất nghiệp. Nhận tin báo từ PV, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B Cao Văn Hoàng cho biết, phường đã khẩn trương hỗ trợ nhu yếu phẩm; ngoài ra, phường đã nhận được hồ sơ của người ở trọ tại địa chỉ trên, đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hiện khu phố đang xác minh để triển khai hỗ trợ. 
Trong đợt 1, thành phố đã hỗ trợ hơn 365.000 lao động tự do, hơn 52.000 lao động phải hoãn việc, nghỉ việc không lương, hơn 5.800 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động, hơn 15.000 thương nhân ở chợ truyền thống… Ở đợt hỗ trợ thứ 2 đang được triển khai, thành phố phấn đấu đến 15-8 sẽ hoàn thành, số lao động tự do dự kiến nhận hỗ trợ tương đương lần một. Không chỉ lao động tự do mà gần 90.600 hộ nghèo, cận nghèo, 170.000 lao động ở nhà trọ, khu lưu trú, khu phong tỏa thực sự khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Việc hỗ trợ ưu tiên cho các hộ từ 3 nhân khẩu trở lên. 
Thời gian qua, ngoài thông tin từ báo chí, thành phố thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó tổng đài 1022 – nhánh số 2 ghi nhận lượng cuộc gọi rất lớn (trung bình 159.000 cuộc/ngày); nhánh số 1 của HĐND TPHCM cũng ghi nhận các cuộc gọi phản ánh về công tác hỗ trợ người khó khăn. Các tin báo nhanh chóng được chuyển về địa phương để xác minh, hỗ trợ.
Rà từng phòng trọ, khu dân cư
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có kết luận chỉ đạo, trong những ngày tới thành phố cần tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống tinh thần của người dân. Các gói an sinh xã hội phải đến được tận nhà, trao tận tay đến các đối tượng được thụ hưởng, tránh không bỏ sót, hoặc chậm chăm lo.
Thực tế, các địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả để thực hiện chỉ đạo này. Tại quận Bình Thạnh, để không bỏ sót trường hợp thực sự khó khăn, thời gian qua, Ủy ban MTTQ quận phối hợp tổ dân phố, đoàn thể ở 20 phường để rà soát, lập danh sách kỹ lưỡng. Với trường hợp tạm trú, địa phương phối hợp cảnh sát khu vực để xác nhận. 
Gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ người dân khó khăn ảnh 1
Đại diện quận Bình Thạnh trao hỗ trợ lần 2 cho hộ nghèo, cận nghèo tại các xóm lao động. 
Tại quận 7, Bí thư Quận ủy Võ Khắc Thái thông tin, để tháo điểm nghẽn trong phối hợp, tránh việc chậm trễ chi hỗ trợ, quận đã chỉ đạo Phòng LĐTB-XH phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội; các phường chủ động lên danh sách, tìm chủ doanh nghiệp để xác nhận. Với đợt hỗ trợ thứ 2 này, phường phải nhanh chóng lên danh sách, giao tổ dân phố phối hợp với tổ tình nguyện cộng đồng và chủ nhà trọ rà từng phòng trọ, từng khu dân cư để đảm bảo không bỏ sót trường hợp thuộc diện được hỗ trợ.
Quyền Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho hay, bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ của thành phố, Trung ương, quận còn vận động chăm lo bằng phương thức xã hội hóa. Mục tiêu đặt ra là nếu người dân không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ từ ngân sách thì cũng được sự quan tâm của chính quyền, không bỏ sót người dân hoàn cảnh khó khăn. Để tránh bỏ sót trường hợp khó khăn, quận đa dạng kênh thông tin tiếp nhận phản ánh như tổng đài 1022, số điện thoại tổ phản ứng nhanh của quận, phường. Các tổ dân phố thường xuyên rà soát, khi phát hiện trường hợp khó khăn là chăm lo liền.
Tại TP Thủ Đức có 260.000 công nhân, người lao động ở nhà trọ, trong đó 193.742 người là công nhân, lao động khó khăn cần hỗ trợ. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ và TPHCM, TP Thủ Đức đang triển khai gói hỗ trợ riêng cho công nhân, người lao động chưa hoặc không nằm trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09, mỗi phần quà trị giá 800.000 đồng. Tính đến ngày 6-8, Ủy ban MTTQ các phường đã trao hỗ trợ gần 36 tỷ đồng đến tay các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ hộ bị phong tỏa, cách ly có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Lý giải một số phản ánh của người dân chưa nhận được hỗ trợ, liệu có bị bỏ sót hay không, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là không để một lao động nào trên địa bàn rơi vào cảnh khó khăn. Ở đợt 1, lao động tự do phải có nơi cư trú hợp pháp, thu nhập dưới chuẩn cận nghèo của TPHCM (4 triệu đồng/người/tháng) thì được hỗ trợ. Những địa phương làm chưa tốt đã và sẽ được chấn chỉnh. Sở cũng tiếp thu góp ý, bổ sung các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn như người chạy xe ôm truyền thống, nếu xác minh thực sự hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ chung.
 

NHÓM PV (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)