Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa ban hành các quy định mới, đưa sản phẩm cá tra Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thay vì thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) như trước đây. Theo đó, kể từ ngày 1-9-2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ phải được chứng nhận tiêu chuẩn tương đồng của USDA. Đây là vấn đề nan giải của ngành cá tra Việt Nam khi muốn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Xí nghiệp Thủy sản Tây Đô (Công ty Cafatex). Ảnh: HOÀNH THẠCH
Cánh cửa hẹp
Theo Bộ NN-PTNT, trong những năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng vào thị trường Mỹ luôn bị áp thuế bán phá giá đối với hai mặt hàng tôm và cá tra. Mặc dù vậy, kể từ năm 2011 đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi sức mua của Mỹ đều dao động ở mức 20%-22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm của ngành thủy sản. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt gần 337 triệu USD. Từ đầu năm 2015, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả thuế chống bán phá giá lần thứ 10 với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế gần 1 USD/kg, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt 260,7 triệu USD, giảm 4,6% so với năm 2014.
Theo những yêu cầu nằm trong “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá ba sa của Việt Nam, vừa được USDA ban hành, FSIS sẽ giám sát chặt chẽ từ khâu tạo giống, thức ăn chăn nuôi, các loại kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi, các quy trình, hệ thống của nhà máy chế biến, đóng gói, dán nhãn, ghi rõ trọng lượng phi lê, trọng lượng nước, vận chuyển, kho nhập khẩu, phân phối ra thị trường Mỹ đến hệ thống các nhà hàng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra phục vụ thực khách tại Mỹ. Tất cả các khâu này phải được cơ quan ủy quyền của FSIS thực hiện, đánh giá và chứng nhận. Đồng thời, các quy trình này cũng phải nhận được chứng nhận phối hợp từ phía Bộ NN-PTNT Việt Nam thì sản phẩm mới được thông qua. Phía Mỹ yêu cầu trước tháng 3-2016, Việt Nam phải cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ, cũng như văn bản đã tuân thủ theo quy định nhập khẩu hiện hành của FDA.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Xí nghiệp thủy sản Tây Đô (Công ty Cafatex). Ảnh: HOÀNH THẠCH
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho rằng, động thái Mỹ đưa ra quy định mới về việc giám sát đến cả cơ sở sản xuất của ta cũng chính là họ ra quota xuất khẩu cho sản phẩm cá da trơn của Việt Nam. “Nếu như đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn còn cửa để xuất khẩu, chỉ phải chịu mức thuế cao, nhưng vẫn có thể tiêu thụ được hàng hóa vào thị trường Mỹ. Song quy định lần này mà USDA đưa ra khắt khe hơn rất nhiều lần, gần như cánh cửa xuất khẩu cá tra vào Mỹ của chúng ta bị khép lại. Vì biện pháp này chẳng khác nào họ cho chúng ta xuất khẩu thì chúng ta mới được xuất, họ không cho là chúng ta phải chịu.
Nỗ lực gỡ khó
Thời gian Mỹ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý của Nhà nước. Do vậy, theo Bộ NN-PTNT, từ nay đến tháng 3-2016 bộ này sẽ phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi cho Mỹ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng sẽ cung cấp các thông tin về các hệ thống luật pháp, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Mỹ. Đồng thời, trong quá trình xem xét, điều chỉnh, nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh mà phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học thì phải có sự thay đổi.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng đang nghiên cứu sửa lại Nghị định 36, đặc biệt là Thông tư 23 để phù hợp với tiêu chuẩn tương đương mà Mỹ đưa ra. Thực tế, quy định mới của Mỹ không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam mà đối với tất cả các nước xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào nước này. Kể từ tháng 3-2016 trở đi sẽ là khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng. Trong 18 tháng này, Việt Nam sẽ phải cung cấp các tư liệu để chứng minh rằng Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Mỹ, các doanh nghiệp cũng phải tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu để không thụ động với từng thị trường. Chính phủ Việt Nam cũng cần có giải pháp để Chính phủ Mỹ công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tránh sự áp đặt kinh tế quốc gia khác lên kinh tế Việt Nam của Mỹ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng: Có thể khởi kiện lên WTO
Quan điểm của chúng tôi là phản đối phía Mỹ vì quy định như vậy là vi phạm WTO. Theo cơ chế của WTO, chúng ta có thể khởi kiện lên WTO. Đây là cách thức để làm rào cản nhập khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngành cá không chỉ tạo công ăn việc làm, mưu sinh cho người dân khu vực ĐBSCL mà chính nó cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho phía Mỹ, những nhà cung cấp, nhà hàng, khách sạn… hoặc những đối tượng chế biến lại để tạo giá trị gia tăng trên thị trường Mỹ. Trong phần phản đối có tính đến việc kiện ra WTO, tuy nhiên mặt khác cũng phải tính đến sản xuất trong nước. Chúng ta cũng phải cấp bách nâng cấp chất lượng sản xuất chứ không phải chỉ tính việc kéo dài việc thực hiện VietGAP. Bởi VietGAP mới là sản xuất căn bản của Việt Nam, còn so với chuẩn của nước ngoài cũng có khoảng cách. |
HÀM LUÔNG – PHAN THỊ/SGGP
Bình luận (0)