Với 126 làng nghề, huyện Thường Tín (TP Hà Nội), được biết đến là địa chỉ sản xuất nhiều mặt hàng, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài. Trong đó, làng nghề đồ gỗ Vạn Ðiểm là một trong những làng nghề gỗ cao cấp và là điểm du lịch văn hóa làng nghề từ năm 2000.
Từ làng nghề Vạn Ðiểm…
Toàn xã Vạn Ðiểm có trên dưới 30 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động trong xã và 3.000 lao động vùng phụ cận.
Không chỉ xuất hiện trên thị trường trong và ngoài nước, với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đồ gỗ Vạn Ðiểm còn hướng tới sản xuất những mặt hàng đạt đến độ tinh xảo. Ông Nguyễn Hữu Diện, một nghệ nhân khá nổi tiếng cho biết: Chỉ cần khách hàng đưa ra yêu cầu, có mẫu, thì nhất định những người thợ trong làng sẽ làm được. Nghe ông Diện nói, nhiều người bày tỏ sự thán phục, song lại có người tỏ vẻ e ngại. Nếu người thợ chỉ biết làm theo nguyên mẫu, hẳn họ đang biến mình trở thành người chuyên đi sao chép, sự sáng tạo, cũng như cái tâm, cái hồn của nghệ nhân gửi vào trong từng sản phẩm sẽ không còn.
Chính vì lẽ đó, công tác đào tạo nghề càng trở nên cần thiết, ngoài những ngành nghề như: chạm, khảm, làm hoa gỗ… những nghệ nhân chính là người thầy truyền cho học trò của mình những điển tích lịch sử, những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói riêng và văn hóa cổ kim, Ðông Tây nói chung. Nghề thì có thể truyền được, nhưng còn lịch sử, còn văn hóa thì cả thầy và trò đều cùng phải học, người biết truyền lại cho người chưa biết. Nhờ sự bình đẳng này mà lớp học nghề trở nên bổ ích, số người đăng ký tham gia lớp sau đều cao hơn lớp trước.
Hiện, 100% số gia đình ở Vạn Ðiểm có con em được đào tạo bài bản, nên rất tự tin tham gia sản xuất các mặt hàng làm bằng gỗ. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ðiểm Nguyễn Văn Khải cho biết: "Các lớp học được cấp kinh phí từ huyện, đào tạo nghề không chỉ cho nông dân trong xã, mà nhiều nông dân ở địa phương khác cũng tham gia. Kết thúc các khóa học 100% các học viên đều có tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nghề, đồng thời tìm được việc làm tại địa phương…". Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ngọc, ở tỉnh Hà Nam, lặn lội gần 30 cây số sang Vạn Ðiểm học nghề, cho biết: Việc đồng ruộng chỉ bận bịu vài tháng trong năm, nên thời gian còn lại cả gia đình đều tập trung làm nghề. Vì chưa được học nghề một cách bài bản, nên sản phẩm chủ yếu chỉ là giường, tủ, bàn ghế đơn thuần. Tới đây, gia đình muốn mở xưởng, nên tôi quyết tâm sang đây học nghề để có thể làm ra những sản phẩm được thị trường ưa chuộng…
… đến gỡ vướng cho các làng nghề
Ðiều đáng nói là những lao động được đào tạo từ các làng nghề sau khi tốt nghiệp, mặc dù có tay nghề cao, nhưng họ không được cấp bằng hay chứng chỉ công nhận. Khi học xong, xã chỉ niêm yết bản danh sách công nhận những người đã tham gia lớp học. Ðiều này thật sự đã làm khó cho lao động có tay nghề khi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Còn những lao động làm ở các doanh nghiệp lớn nhỏ tại địa phương thì đều không có hợp đồng lao động. Vì thế người lao động vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng.
Ðào tạo để cho ra đời lớp nghệ nhân trẻ gắn bó với nghề đã là việc khó, nhưng rất cần có những chính sách đãi ngộ kịp thời để họ yên tâm giữ mạch nguồn truyền thống. Hiện nay, cả nước có hàng nghìn làng nghề truyền thống, nhưng chỉ có hai làng nghề gỗ nổi tiếng là đồ gỗ Ðồng Kỵ và đồ gỗ Vạn Ðiểm. Nếu có chính sách tốt, thì sản phẩm của hai làng nghề này chỉ phục vụ nhu cầu trong nước thôi cũng đủ để họ có công ăn việc làm quanh năm, chứ chưa nói đến việc xuất khẩu sang nước ngoài. Song, người dân làng nghề vẫn chưa thật sự sống sung túc bằng nghề. Vẫn còn hộ thuộc diện nghèo, đi làm thuê…
Thiếu vốn, đầu ra sản phẩm đang bị bó hẹp là những khó khăn nổi cộm đối với các làng nghề. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Lê Khắc Triết – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cho biết: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất khó tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng. Vốn của họ chủ yếu từ người thân, bạn bè… Sự khó khăn về nguồn vốn, về đầu ra cho các sản phẩm, phần nào lý giải sự tồn tại và sức sống mãnh liệt của những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm truyền thống nói riêng và làng nghề truyền thống nói chung. Ðó là vì họ yêu nghề, quyết tâm bảo vệ nghề truyền thống.
Ở các làng nghề, hiện không tồn tại hợp đồng lao động, không tồn tại bảo hiểm xã hội. Quan hệ ông chủ – người làm công được giao dịch bằng hợp đồng miệng. Thỏa thuận mức lương, và tai nạn nghề (nếu có) cũng được thỏa thuận dàn xếp. Ông Khải cho biết, đã có đề xuất với các doanh nghiệp mua bảo hiểm thân thể cho người lao động. Hiện nay mới chỉ có hơn 600 người tham gia mô hình bảo hiểm này. Hình thức mua bảo hiểm mỗi năm người lao động phải đóng 90.000 đồng/người. Tùy vào tình hình cụ thể mà bảo hiểm Bảo Việt chi trả khi có tai nạn lao động.
Tuy nhiên, để có thể bảo đảm được quyền lợi của người lao động trong các làng nghề, hơn lúc nào hết rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề. Cho dù đào tạo nghề trong các làng nghề là mô hình đào tạo mới, tự nguyện, mang tính đặc thù, rất cần nhìn nhận theo hướng tích cực. Chúng ta đang cần đội ngũ lao động có tay nghề cao, nên chăng, bên cạnh việc trông cậy vào hệ thống các trường dạy nghề, chúng ta nên đầu tư thỏa đáng vào những lớp đào tạo nghề tích cực trong các làng nghề.
Theo NGỌC SƠN
(NDDT)
Bình luận (0)