- 1 Gỡ khó để kinh tế tư nhân “cất cánh”
Kinh tế tư nhân (KTTN) góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế nhưng lại gặp nhiều rào cản gây khó khăn, tốn kém và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Do đó, Nhà nước cần đưa ra chính sách, hỗ trợ để KTTN “cất cánh” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…

Còn nhiều rào cản đối với kinh tế tư nhân
Ông Thái Thanh Quý – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương – nhìn nhận, qua 40 năm đổi mới, quan điểm, chủ trương của Đảng về KTTN đã được nhận diện rõ và đúng đắn. KTTN tới nay được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Khu vực KTTN đã trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, khu vực này chiếm khoảng 98% tổng số DN, đóng góp 30% thu ngân sách, hơn 50% GDP, trên 56% tổng vốn đầu tư và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động. Nhiều DN tư nhân lớn đã vươn tầm khu vực và thế giới, trở thành những thương hiệu mang lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam. Cùng với đó là lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trải rộng ở tất cả các địa bàn trong cả nước.
Theo ông Quý, khu vực KTTN vẫn còn những hạn chế, thách thức. Nhiều rào cản, quy định, thủ tục hành chính từ phía cơ quan Nhà nước gây khó khăn, tốn kém và giảm năng lực cạnh tranh của DN. Tư duy kinh doanh của nhiều DN tư nhân còn hạn chế, chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thậm chí vẫn đang còn tình trạng DN “không muốn lớn, không chịu lớn”, đặc biệt là lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể bởi sự ràng buộc, lo ngại về quy định, thủ tục đặt ra.
“Để có thể thực sự giải quyết, tháo gỡ được các điểm nghẽn và phát huy được tiềm năng, sức mạnh của khu vực KTTN cần tạo tinh thần đổi mới, khí thế mới và sự hứng khởi trong toàn xã hội về việc vươn lên của nền kinh tế. Chúng ta coi đây là cơ hội lịch sử không thể chậm trễ hơn để thực hiện điều này”, ông Quý nói.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, sự phát triển của khu vực KTTN vẫn không đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chính bởi các DN đều bắt nguồn từ quy mô gia đình, phương thức quản trị lạc hậu; khả năng huy động vốn hạn chế; không đủ kiến thức, nguồn nhân lực để nắm bắt, tiếp thu công nghệ mới… Để khắc phục hạn chế cho KTTN, Nhà nước cần xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đó nhấn mạnh vào cách tổ chức triển khai thực hiện phải đổi mới, đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư.
“Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của xã hội đối với KTTN, trong đó Nhà nước phải có cái nhìn cởi mở hơn và phải có trách nhiệm bảo vệ DN, doanh nhân trước những dư luận không chính đáng. Về phía DN cũng phải tự mình từ bỏ tư duy phi chính thức mà thực hiện quản trị DN hiện đại”, TS. Kiên góp ý.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng, KTTN phải được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện, dẫn dắt để tạo thành những xương sống, những gương mặt cạnh tranh mạnh trên thế giới. Ở đây, vai trò hỗ trợ và kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
“Nhà nước cần giải phóng lập trường quan điểm, thay đổi từ tư duy tới chế độ, chính sách qua đó giúp KTTN thực sự trở thành đòn bẩy của xã hội thịnh vượng. Ngoài ra, rất cần có một chiến lược phát triển lực lượng DN Việt, trong đó yêu cầu DN có những năng lực, phẩm chất mới, đặc biệt là tính sáng tạo. Phải có các hệ thống luật mới để khuyến khích DN. Về phía mình, các DN tư nhân cũng không thể chỉ ngồi chờ mà cần cùng hành động, cùng đi lên”, PGS.TS Thiên chia sẻ.
Tạo cơ chế bình đẳng
TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – cho rằng, muốn KTTN cất cánh phải coi khu vực này là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, là lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; hết sức quan tâm khâu thực thi. Cùng với đó, xây dựng, chuẩn hóa thông tin, số liệu thống kê, báo cáo về các khu vực kinh tế nói chung và KTTN nói riêng để phục vụ quá trình ra quyết sách, quản trị và điều hành quốc gia. Bản thân DN tư nhân, hộ kinh doanh cần đổi mới tư duy quản trị, bài bản, minh bạch, có tầm nhìn, chiến lược nhiều hơn; đặc biệt luôn nhận thức, hành động gắn với đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và thượng tôn pháp luật.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn IPPG – đề xuất, Nhà nước cần tạo cơ chế bình đẳng để DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực, bao gồm đất đai, tài chính và các dự án hạ tầng quan trọng.
“Các vị trí bất động sản đắc địa chủ yếu do Nhà nước sở hữu nhưng chưa khai thác hiệu quả. Nếu giao cho DN tư nhân, các mặt bằng này có thể trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ đẳng cấp, thu hút khách du lịch và tạo động lực cho KTTN phát triển”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn – cho biết, DN Việt Nam phải tự xoay xở, chịu thuế cao. Điều này khiến họ e ngại mở rộng thị trường quốc tế. Ngoài ra, các rào cản thủ tục hành chính cũng đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân. Nhiều hộ kinh doanh cá thể dù có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vẫn không dám chuyển đổi thành DN do lo ngại các thủ tục phức tạp và môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN để họ có thể phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM – kiến nghị, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước trong thời gian tới để khuyến khích DN đẩy mạnh hoạt động R&D, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành sẽ là tiền đề đưa DN Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới.
“Nghị quyết mới về phát triển KTTN sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, tháo gỡ các điểm nghẽn chính mà các DN khu vực KTTN vướng mắc trong tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, thị trường; giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi… Nếu được tháo gỡ những điểm nghẽn trên thì khu vực KTTN sẽ bứt phá”, ông Hòa nói.
Song Hậu
Bình luận (0)