Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gỡ khó gói vay hỗ trợ lãi suất 2%

Tạp Chí Giáo Dục

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 26-8, hàng loạt ngân hàng đã lên tiếng. Các khó khăn chủ yếu xoay quanh việc xác định đối tượng được hỗ trợ, điều kiện, hồ sơ thủ tục…
Ngân hàng, doanh nghiệp e ngại
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), nêu 4 vướng mắc chính. Trong đó, đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Bên cạnh đó là vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết; chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất…
Gỡ khó gói vay hỗ trợ lãi suất 2% - Ảnh 1.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 26-8

Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, bảo đảm dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các ngân hàng thương mại mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương (VietinBank), nhấn mạnh đây là quan ngại của khách hàng và cho biết một số khách hàng từ chối tham gia do sợ bị thanh tra, kiểm tra vào làm việc, mất nhiều thời gian…
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8-2022 khoảng 13,5 tỉ đồng.
Đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ. Ông Phạm Toàn Vượng đề xuất xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ…
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khách hàng có khả năng phục hồi, mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất…
Kết luận hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng triển khai việc phối hợp với khách hàng rà soát ngay các gói vay đã ký hợp đồng, đã giải ngân từ 1-1-2022 đến nay, nếu khách hàng có đề nghị hỗ trợ lãi suất sẽ cập nhật hỗ trợ lãi suất từ ngày 20-5 đến hết 2023. "Không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất" – Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát thực hiện, chủ động tháo gỡ khó khăn tại địa bàn và báo cáo với NHNN, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; chủ động phối hợp các sở ban ngành địa phương tổ chức các hội nghị kết nối với doanh nghiệp địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng không thực hiện hỗ trợ lãi suất với khách hàng đủ điều kiện.
Thống đốc đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn vướng mắc đầu tiên là về điều kiện, đối tượng hỗ trợ lãi suất, hồ sơ thủ tục… để các ngân hàng tự tin cho vay, bảo đảm quá trình thanh tra, kiểm toán sau này không có vướng mắc phát sinh gì. 
Sớm cấp room tín dụng còn lại
Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại không còn nêu kiến nghị nới room tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết muộn nhất là đầu tuần sau, NHNN sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
 
Dương Ngọc (theo NLĐ)

Bình luận (0)