“Giải pháp giáo dục STEM dành cho trường học” là hội thảo trực tuyến về GD STEM trong chương trình GDPT 2018 do KDI Education tổ chức sáng 10-7, thu hút gần 300 cán bộ quản lý giáo dục tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành tham gia trực tuyến.
PGS.TS. Lê Huy Hoàng chia sẻ bức tranh tổng quát về GD STEM
Với sự tham gia của các chuyên gia STEM đầu ngành, hội thảo đã cung cấp những thông tin mới nhất về STEM trong GDPT 2018, các mô hình triển khai STEM trong nhà trường, qua đó “gỡ khó” cho các nhà trường về cách thức triển khai GD STEM trong chương trình mới.
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến, PGS.TS Lê Huy Hoàng – Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, chủ biên môn Công nghệ trong chương trình GDPT 2018 khẳng định, GD STEM là tổng thể các chính sách, hoạt động thúc đẩy giáo dục và đào tạo về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, và Toán học ở các cấp độ giáo dục, nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao hứng thú và chất lượng học tập của học sinh trong các lĩnh vực đó. Hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp, phân luồng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, tạo nền tảng để phát triển khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Ngoài chủ động tích hợp hoạt động trải nghiệm STEM vào giảng dạy các môn học, tận dụng các phòng bộ môn sẵn có, các trường học cũng có thể tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong nhà trường”, PGS.TS Lê Huy Hoàng khuyến khích.
Học sinh tham gia học tập tại Không gian sáng chế
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, từ định hướng triển khai GD STEM tại đơn vị mình, thầy Nguyễn Hồ Trung – Trưởng phòng quản lý phổ thông Tập đoàn giáo dục IGC cho hay, trong GD STEM việc học sinh được tự tay tạo ra sản phẩm mẫu đóng vai trò rất quan trọng. Nhà trường xây dựng các phòng Maker-lab tại các cơ sở đào tạo, tại đó học sinh được trực tiếp ứng dụng quy trình tư duy thiết kế để hình thành ý tưởng sáng tạo và chế tạo ra các sản phẩm thực tế. Để đảm bảo tính nhất quán trong chương trình GD STEM tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12, trường lựa chọn hợp tác cùng KDI Education để thiết kế chương trình giảng dạy.
Không chỉ được lắng nghe cách thức triển khai GD STEM trong chương trình mới từ các chuyên gia, hội thảo cũng đã “gỡ khó” cho các nhà quản lý giáo dục về phương thức đưa GD STEM vào đơn vị mình sao cho hiệu quả nhất qua mô hình Không gian sáng chế- một trong những giải pháp thực hiện giáo dục STEM phù hợp cho các trường ở Việt Nam. Tại Không gian sáng chế, học sinh được tự tay thực hiện các dự án sáng tạo đa dạng, từ lập trình, thiết kế, in ấn 3D đến tự động hóa hoặc robotics, qua đó cùng nhau ứng dụng các kiến thức đã học và rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết.
Yến Hoa
Bình luận (0)