Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gỡ khó trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, tin học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong buổi làm việc với HĐND TP.HCM mới đây về việc thực hiện các đề án giáo dục tại TP, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM rất khó tuyển dụng giáo viên các bộ môn như tin học, âm nhạc, ngoại ngữ ở bậc tiểu học do nhiều lý do, từ khối lượng công việc cao song thu nhập chưa tương xứng.


Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã đề xuất chính sách thu hút đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học dạy các môn học ngoại ngữ, tin học cho năm học mới

Ông Nam cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, định mức tiết dạy ở bậc tiểu học của giáo viên là 23 tiết/tuần. Tuy nhiên, ở bậc trung học thì định mức chỉ còn là 17-19 tiết, vì thế khi có nhu cầu tham gia tuyển dụng giáo viên thì đa phần các ứng viên lựa chọn tuyển dụng giáo viên bậc trung học..

Đối với vấn đề trên, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng Sở GD-ĐT TP.HCM nên kiến nghị việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù dành cho giáo viên các bộ môn khó tuyển để có thể tuyển dụng được giáo viên các bộ môn này, đáp ứng việc thực hiện tốt nhất Chương trình GDPT 2018.

Bỏ việc vì… việc nhiều

Năm học 2020-2021, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở bậc tiểu học từ khối lớp 1. Cũng từ năm học đó, cô H. – hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Thủ Đức cho biết nhà trường bắt đầu khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và tin học…

Hiệu trưởng này chia sẻ: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu môn tin học và tiếng Anh là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học từ khối lớp 3. Do vậy, giáo viên khi giảng dạy ở 2 khối lớp này thì phải đảm bảo đủ định mức là 23 tiết/tuần – đây là số giờ dạy bắt buộc. Giáo viên chỉ được chi trả tiền đứng lớp từ tiết thứ 24 trở đi, và đảm bảo không vượt quá 200 tiết/năm học.

“Khối lượng công việc đối với giáo viên các bộ môn này khi giảng dạy ở bậc tiểu học là rất lớn. Vì mỗi giáo viên phải phụ trách nhiều lớp, có khi lên đến vài trăm học sinh. Công việc đứng lớp là một chuyện, còn nhiều công việc khác về hồ sơ, sổ sách, quản lý học sinh… Công việc với áp lực lớn, khối lượng công việc nhiều nhưng mức lương chưa tương xứng nên dù thiếu song rất khó tuyển dụng. Hiện nay giáo viên mới ra trường nếu đăng ký tuyển dụng thì mức lương cũng chỉ vài triệu đồng/tháng. Do đó, không mấy ứng viên mặn mà. Năm học nào nhà trường cũng đăng ký tuyển dụng nhưng không tuyển được” – cô. H phân trần.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), vài năm nay để có thể giữ chân được giáo viên tin học, tiếng Anh, đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã phải thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo thu nhập để thầy cô an tâm gắn bó tại trường.

Cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT thì giáo viên tin học, tiếng Anh giảng dạy từ khối lớp 3 sẽ không được chi trả mức thù lao đứng lớp trong số tiết học định mức (23 tiết/tuần) vì đây là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học từ khối lớp 3. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thực hiện chi trả cho đội ngũ từ tiết thứ nhất trong số tiết định mức, vì thế phần nào giúp thầy cô có động lực gắn bó, cống hiến…

“Số tiền chi trả cho thầy cô được nhà trường gói ghém từ nhiều nguồn và điều này được thống nhất trong Hội nghị Cán bộ công chức viên chức của trường từ đầu năm học. Khi thực hiện Chương trình mới, áp lực công việc của mỗi giáo viên rất lớn. Đặc biệt là với bậc tiểu học khi số tiết định mức cao. Do vậy, việc nhà trường co kéo các nguồn để chi trả cho thầy cô giúp thầy cô đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó mới có thể gắn bó công tác tại trường…” – cô Đỗ Ngọc Chi chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2018-2019 đến đầu năm học 2023-2024, số lượng giáo viên tuyển dụng được ở các bộ môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế cần tuyển dụng của các nhà trường.

Trong tổng số 2.651 giáo viên cần tuyển dụng ở các bộ môn này thì trong suốt 5 năm TP mới chỉ tuyển dụng được 1.667 giáo viên, chiếm tỷ lệ 62,88%. Riêng môn tin học, nhu cầu tuyển dụng thực tế là 502 giáo viên song TP mới tuyển dụng được 140 giáo viên, tỷ lệ 27,89%. Ở các môn học khác, tỷ lệ tuyển dụng thực tế trong 5 năm như sau: Môn ngoại ngữ tuyển dụng được 841/1.129 số lượng giáo viên cần tuyển, tỷ lệ 74,49%; môn mỹ thuật tuyển dụng được 123/295 số lượng giáo viên cần tuyển, tỷ lệ 41,69%; môn âm nhạc tuyển dụng được 138/288 số giáo viên cần tuyển, tỷ lệ 47,92%; môn giáo dục thể chất tuyển được 425/437 số giáo viên cần tuyển, tỷ lệ 97,25%.

Thu nhập không tương xứng với áp lực công việc

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, tình trạng trên xuất phát từ việc thu nhập của các giáo viên dạy bộ môn có thu nhập không cao, do đó không có ứng viên tuyển dụng. Đặc biệt, theo Sở GD-ĐT, trước áp lực về công việc và chế độ chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, bên cạnh tình trạng giáo viên bộ môn không tuyển dụng được, thì từ năm học 2020-2021 đến nay đã có tổng cộng 614 giáo viên dạy bộ môn không còn công tác trong ngành với các lý do: Nghỉ hưu, nghỉ việc, bỏ việc, mất (vì bệnh). Trong đó số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ là 251 giáo viên, dạy tin học là 70 giáo viên, đây là hai lực lượng rất khó tuyển dụng.

Đặc biệt, cũng theo Sở GD-ĐT, khối lượng công việc của giáo viên các bộ môn này rất lớn song thu nhập không tương xứng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tuyển dụng đối với các bộ môn này.

Cụ thể, sở cho biết, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần theo quy định của Bộ GD-ĐT. Với giáo viên các bộ môn khó tuyển dụng trên thì mỗi giáo viên nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần, giáo viên được phân công từ 12-23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy. Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công, cá biệt có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng. Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn.

Trên thực tế, các giáo viên dạy bộ môn trên không chỉ dạy 23 tiết/tuần mà còn phải dạy tăng giờ do trường không có đủ giáo viên bộ môn chuyên trách. Trong khi đó, quy định không quá 200 tiết phụ trội/năm. Dẫn đến việc giáo viên khi dạy buổi thứ hai hoặc được giao số tiết dạy vượt số tiết nghĩa vụ cũng chỉ được hưởng tối đa 200 tiết phụ trội/năm, không tương xứng với số tiết đã thực hiện trong một năm học.

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sở đã đề xuất chính sách thu hút đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học dạy các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn TP.HCM.

“Điều này là cần thiết nhằm tạo động lực thu hút giáo viên các môn học khó tuyển tại các trường tiểu học công lập có thu nhập ổn định khi đăng ký ứng tuyển làm giáo viên, đảm bảo có học sinh là có giáo viên, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục TP” – ông Hiếu đánh giá.

Đỗ Khương Yến

Bình luận (0)