Quá nhiều vướng mắc, không khả thi. Nếu không điều chỉnh, phần lớn doanh nghiệp khó khăn sẽ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời
Ngày 16-4, các sở LĐ-TB-XH, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, LĐLĐ TPHCM đã làm việc với UBND TPHCM để kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ) mất việc trong doanh nghiệp (DN) khó khăn. Tuy nhiên, kết quả của buổi làm việc là… tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn để tháo gỡ!
Cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức-TPHCM tiếp xúc công nhân mất việc tại Công ty TNHH Thương mại Hải Vinh. Ảnh: V. Tùng |
Giới hạn thời gian quá ngặt nghèo
Rào cản lớn nhất đối với các DN là việc ấn định đối tượng được vay vốn là DN khó khăn, giảm lao động kể từ ngày 1-1-2009. Trong các cuộc họp gần đây về tình hình mất việc làm, đại diện LĐLĐ TPHCM đã nhiều lần phản ánh: Việc DN khó khăn, phải cắt giảm lao động đã diễn ra từ giữa năm 2008, trong khi Quyết định 30 lại chỉ giới hạn thời gian khó khăn là từ ngày 1-1-2009 trở về sau. Quy định này đã lấy đi cơ hội của rất nhiều DN đang cần được trợ giúp.
Trong báo cáo của Sở LĐ-TB-XH gửi UBND TPHCM cuối tháng 3-2008, cho thấy: TPHCM có 195 DN lâm vào tình trạng khó khăn, phải cắt giảm 42.000 lao động. Bên cạnh đó, 26.000 lao động khác đang phải giảm giờ làm việc do thiếu đơn hàng. Nguy cơ mất việc của số lao động chờ việc này tăng dần theo thời gian. Trong số những DN khó khăn có 74 DN đã ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động; 59 DN thu hẹp sản xuất, 23 DN đã giải thể, 7 DN có chủ bỏ trốn…
Đáng nói là phần lớn các DN này gặp khó khăn từ cuối năm 2008 nên không thuộc diện được vay hỗ trợ không lãi suất từ Ngân hàng Phát triển. Tương tự, NLĐ tại các DN có chủ bỏ trốn từ năm 2008 cũng không được hỗ trợ quyền lợi. Một DN xin giấu tên nhìn nhận: Chính sách thì rất tốt nhưng khi đưa vào thực tế mới thấy quá nhiều bất cập, vướng mắc và không khả thi. Chắc chắn, phần lớn DN đang khó khăn sẽ không được vay.
“Thà nợ NLĐ hơn nợ Nhà nước”
Ông Hồ Văn Thọ, giám đốc tài chính một DN tại quận 11 – TPHCM, cho biết: Một vấn đề đáng quan tâm khác là tâm lý của DN khi tiếp cận nguồn vốn. Tuy là nguồn vốn vay không lãi nhưng thủ tục rất nhiêu khê và phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các sở, ngành như Sở LĐ-TB-XH, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư… Thời hạn vay bị khống chế trong vòng 12 tháng, nếu sau thời hạn này, DN chưa hết khó khăn, chưa phục hồi sản xuất thì lấy đâu tiền để trả nợ? Do sợ những biện pháp chế tài từ cơ quan Nhà nước nên DN thà chấp nhận nợ cơ quan BHXH hoặc nợ NLĐ hơn là nợ Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Thọ, hiện nguồn vốn vay kích cầu được hỗ trợ lãi suất đang được các ngân hàng chào mời với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng đảo nợ… Tuy DN phải chịu một phần lãi suất (rất thấp) nhưng không phải quá lo ngại thời hạn trả nợ hoặc bị giám sát quá kỹ từ cơ quan chức năng.
Những vướng mắc của Quyết định 30 nếu không sớm khai thông, có thể sẽ làm phá sản một chủ trương đúng đắn, tốt đẹp của Nhà nước nhằm hỗ trợ DN và NLĐ trong thời điểm nguy khốn này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Sợ rằng khi tiền đến tay thì DN đã “chết” rồi Những vướng mắc khi thực hiện Quyết định 30 đã bộc lộ rõ và UBND TP cũng không thể giải quyết được. Vấn đề bây giờ là các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau tìm giải pháp và quyết định ngay. Càng chần chờ thì DN càng khó. Sợ rằng khi tiền đến tay thì DN đã “chết” mất rồi. |
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty May Minh Châu, KCN Nhị Xuân- TPHCM: Tôi đã gõ cửa khắp nơi DN của tôi chuyên giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ở KCN Nhị Xuân. Theo quyết định của UBND TPHCM, chúng tôi được hỗ trợ lãi vay 10 năm nhưng mới thực hiện được một năm thì nguồn hỗ trợ này bị cắt. Công ty của tôi thật sự lao đao khi hằng tháng phải trả ngân hàng tiền tỉ nhưng hoạt động cầm chừng vì lao động tuyển không được. NLĐ bên ngoài không muốn vào làm, còn người cai nghiện đã về thì không trở lại. Tôi thấy cơ quan chức năng trả lời trên báo rằng DN không mặn mà với chuyện vay vốn là không đúng. Bản thân tôi đã đi gõ cửa khắp nơi, nghe nơi nào có nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đều đến nhưng đến đâu tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Bản thân DN chúng tôi, tài sản thế chấp không có, sổ hồng, sổ đỏ cũng không nên không biết lấy gì thế chấp để vay. Hiện 22/55 dự án ở KCN Nhị Xuân đang gặp khó khăn như chúng tôi. H. Đào ghi |
Bình luận (0)