“Với tiếng Anh, mấu chốt để tháo gỡ nút thắt là phải giúp sinh viên vượt qua được “nỗi sợ”, lấy lại niềm tin rằng bản thân mình có thể học và dùng được tiếng Anh, bởi khi học sinh, sinh viên đã mất niềm tin vào tiếng Anh, nếu nóng vội đưa chương trình vào giảng dạy thì dẫu chương trình hay và chất lượng vẫn gây ra phản ứng ngược. Thay vào đó, cần phải am hiểu tâm lý và kỹ năng thuyết phục tốt về tiếng Anh để đưa ra những minh chứng bằng lý thuyết và thực tiễn, giúp học sinh, sinh viên khai phá tư duy sáng tạo, có động lực để quay trở lại “đường đua””. Đó là những “lời giải” được Diễn giả – ThS. Nguyễn Mai Lâm – Phó Hiệu trưởng Học viện Anh ngữ Winning, Philippines chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về nút thắt ngoại ngữ tại các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật hiện nay.
Diễn giả – ThS. Nguyễn Mai Lâm (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết của Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật
Vai trò của việc nâng cao năng lực ngoại ngữ trong nhà trường
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế những năm gần đây, phong trào học tập và rèn luyện ngoại ngữ, đơn cử như tiếng Anh cho học sinh, sinh viên ngày càng được nâng cao. Bởi tiếng Anh không chỉ còn là ngoại ngữ mà ngày càng được xem như “ngôn ngữ thứ hai”, ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội, mức lương và tương lai của học sinh, sinh viên. Không thể phủ nhận rằng, vai trò của tiếng Anh đã góp phần lớn vào hiệu quả cho công tác tuyển sinh, truyền thông về hình ảnh và vị thế của nhà trường, một môi trường đào tạo chuyên môn nghề nghiệp tốt và ngoại ngữ chất lượng chính là điểm đến lý tưởng và giúp gắn bó sinh viên với nhà trường lâu hơn, hướng đến tăng tỷ lệ sinh viên ra trường, tăng cơ hội có việc làm ngay, thăng tiến nghề nghiệp nhanh chóng, tạo niềm tin cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về nhà trường, đặc biệt là hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật.
Chính vì vậy, nếu như trước đây học sinh, sinh viên phải tìm đến các trung tâm ngoại ngữ để nâng cao năng lực, tìm kiếm môi trường thực hành và luyện thi các chứng chỉ quốc tế thì hiện nay tại các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật đã bắt đầu chú trọng và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh hơn. Tuy nhiên, lối mòn trong giảng dạy, sự lúng túng trong kết hợp giáo trình hiện đại với năng lực của học sinh, sinh viên, áp lực thành tích khiến nhà trường vẫn còn loay hoay trong việc ứng dụng phương pháp đào tạo tiếng Anh cho sinh viên khối ngành cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật.
Dạy và học tiếng Anh tại các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật
Thứ nhất, đối với những HS, SV có xuất phát điểm yếu, không có nền tảng tiếng Anh tốt, mất gốc hoàn toàn về nghe và nói, tính cách e dè, sợ sệt càng hoang mang khi học tiếng Anh và dễ dàng chán nản bỏ cuộc. Áp lực tâm lý từ các kỳ thi và chứng chỉ quốc tế cũng vô tình khiến HS, SV nóng vội khi chưa vững nền tảng về phát âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc và viết đã lao vào học theo mẹo, học theo cấu trúc để qua môn mà không hiểu được bản chất và cách ứng dụng vào các tình huống hằng ngày hay công việc tương lai như thế nào. Dẫn đến tình trạng không “hấp thụ” kịp, gây mất thời gian và lãng phí tiền bạc. Sau 6 năm học tiếng Anh nhưng khi gặp người nước ngoài chỉ dừng lại ở một số câu cơ bản như: What is your name? Where are you from? How are you? How many people are there in your family?…
Thứ hai, giáo trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật được kế thừa kiến thức nền tảng từ những năm học THCS hoặc THPT. Do đó, mang tâm lý mặc định rằng học sinh, sinh viên đã có kiến thức nền tảng nên không dạy lại những kiến thức căn bản đã được dạy và học ở THCS hoặc THPT. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, có một bộ phận HS, SV khi vào học các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật có kiến thức tiếng Anh rất yếu, thậm chí bằng không nên không theo kịp chương trình đào tạo, dễ dàng bỏ cuộc.
Giáo viên tại nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng. Một bộ phận giáo viên vẫn theo lối dạy truyền thống, nặng về ngữ pháp mà chưa chú trọng đến việc thực hành ngôn ngữ và ứng dụng tiếng Anh trong công việc, cuộc sống. Tâm lý ngại đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, lựa chọn giải pháp an toàn, thực thi một cách máy móc theo chương trình sẵn có, làm cho tiếng Anh trở thành một môn học khô khan, thiếu hào hứng, chỉ cần HS, SV vượt qua kỳ thi là đạt yêu cầu.
Thứ ba, nhiều lãnh đạo khoa, bộ môn, nhà trường muốn SV đạt thành tích tốt đã không ngần ngại bỏ ra chi phí lớn để thuê nhiều chuyên gia, cố vấn trong và ngoài nước; Mua bản quyền chương trình, giáo trình của nước ngoài; Ký kết các chương trình hợp tác quốc tế; Thuê nhiều giáo viên nước ngoài để tạo môi trường thực hành trong khi SV với trình độ hạn chế đã không “thẩm thấu” được những tinh hoa của các giáo trình, chương trình hiện đại.
Một số trường không ngần ngại tăng gấp đôi số tín chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho SV, nhưng sau tất cả vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Nhà trường và giáo viên hãy “xóa tan” tâm lý sợ hãi cho HS, SV khi bắt đầu lại với tiếng Anh để giúp các em khai phá tư duy sáng tạo, có động lực để quay trở lại “đường đua”
Gỡ nút thắt dạy và học tiếng Anh tại các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật
Thứ nhất, đưa SV quay trở lại đường đua chinh phục tiếng Anh bằng chiến thuật tâm lý. Nhà trường và giáo viên phải “đập tan” tâm lý sợ hãi cho học sinh, sinh viên khi bắt đầu lại với tiếng Anh, bởi trên thực tế rất nhiều cơ sở đào tạo đã bỏ qua bước “dạy tâm lý” mà đi thẳng vào bước “dạy theo giáo trình, chương trình” để đảm bảo kết quả về mặt thời gian. Tuy nhiên với tiếng Anh, mấu chốt để tháo gỡ nút thắt là phải giúp sinh viên vượt qua được “nỗi sợ”, lấy lại niềm tin rằng bản thân mình có thể học và dùng được tiếng Anh, bởi khi học sinh, sinh viên đã mất niềm tin vào tiếng Anh, nếu nóng vội đưa chương trình vào giảng dạy thì dẫu chương trình hay và chất lượng vẫn gây ra phản ứng ngược. Do đó, khi mời đội ngũ chuyên gia, ngoài kinh nghiệm giảng dạy, cần phải am hiểu tâm lý và kỹ năng thuyết phục tốt về tiếng Anh để đưa ra những minh chứng bằng lý thuyết và thực tiễn, giúp học sinh, sinh viên khai phá tư duy sáng tạo, có động lực để quay trở lại “đường đua”.
Thứ hai, giáo viên cần giúp HS, SV “xây lại” nền tảng tiếng Anh phù hợp với trình độ của từng đối tượng. Bởi một bộ phận không nhỏ học sinh sinh viên yếu cần phải được bồi dưỡng, học lại từ đầu những kiến thức căn bản theo một lộ trình phù hợp, bắt đầu từ học bảng chữ cái, phiên âm quốc tế và phát âm, cách xây dựng câu và từ loại, đặt câu hỏi và trả lời trong các tình huống giáo tiếp cụ thể, đến học ngữ pháp tiếng Anh và cách ứng dụng vào giao tiếp …Do đó, trước khi bước vào chương trình giảng dạy, luyện thi các chứng chỉ quốc tế, học sinh sinh viên cần phải có một nền tảng tốt về tiếng Anh.
Thứ ba, cần chủ động tháo gỡ những nút thắt về quy định, quy trình trong việc thay đổi, bổ sung chương trình giảng dạy, huy động nguồn kinh phí nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhà trường cần năng động, sáng tạo hơn trong việc tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng, luyện tập trong và ngoài giờ học, linh động trong việc bổ sung giáo trình giảng dạy phù hợp với trình độ của học sinh sinh viên, tìm kiếm các nguồn kinh phí hỗ trợ, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa nhà trường và sinh viên.
Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, có phương pháp sư phạm tốt, am hiểu tâm lý để trở thành một người bạn đồng hành cùng học sinh, sinh viên. Khi sinh viên đã tự tin trở lại với “đường đua” và có nền tảng tiếng Anh vững chắc, hãy tạo cho các em một môi trường tốt để được gặp gỡ với người nước ngoài hoặc đi nước ngoài du học ngắn hạn bằng các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp.
Như Thuận
Bình luận (0)