Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Gỡ rào cản cho nhà làm phim

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận diện được những rào cản, trở ngại khiến cho nhà làm phim gặp khó khăn, các chuyên gia tham gia hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh – Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng (diễn ra chiều 10.5 trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng DANAFF) đã chỉ ra nhiều giải pháp khắc phục.

Tham gia hội thảo, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cho rằng luật Điện ảnh được thông qua tháng 6.2022 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý, nhưng rất tiếc những ưu đãi cho các đoàn làm phim đã không được đề cập cụ thể. Theo ông Tú, cần phải cụ thể hóa các nghị định để làm sao vừa đúng luật vừa tạo hấp dẫn cho các đoàn làm phim nước ngoài. Lấy dẫn chứng các nước Thái Lan, Úc, Mỹ, Pháp… đều áp dụng ưu đãi cho đoàn làm phim cực kỳ hấp dẫn, ông Tú cho rằng ở VN, các chính sách giảm, ưu đãi thuế cho điện ảnh vẫn chưa được quy định cụ thể, để luật đi vào đời sống còn khoảng cách xa.

Gỡ rào cản cho nhà làm phim - Ảnh 1.

Hội thảo về phát triển điện ảnh thu hút nhiều chuyên gia quốc tế góp ý kiến. Ảnh: Hoàng Sơn

Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho rằng các đoàn làm phim cần nhiều hơn sự thông thoáng trong hồ sơ, thủ tục. Cách đây nhiều năm, đoàn phim nước ngoài đến VN đi suốt đoạn đường Q.5, TP.HCM để quay cảnh mở đầu của Điệp viên 007 nhưng sau đó vì những vướng mắc mà đoàn làm phim phải sang Thái Lan để quay. "Sự rủi ro về làm phim vẫn còn đó, cần sự quan tâm của cấp duyệt, thẩm định nội dung quay ở VN. Những rủi ro về con người gây ra sự cản trở còn rất lớn cho các đoàn làm phim… Những giấy phép con cũng khiến nhiều đoàn làm phim nước ngoài nản, bỏ cuộc. Cấp chính quyền phải thống nhất từ T.Ư đến địa phương để trên tinh thần tạo thuận lợi nhiều nhất, thúc đẩy hoạt động của đoàn làm phim tại VN. Mỗi địa phương bằng quy chế riêng có thể khuyến khích từng đoàn làm phim đến với mình", ông Tú nói.

Ông Stephen Jenner, Phó chủ tịch truyền thông Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, cho biết ông đã đi nhiều nơi trên thế giới để giới thiệu các chính sách khuyến khích điện ảnh. Các nước đã có những chương trình khuyến khích sản xuất phim rất cạnh tranh. "VN cần có chính sách thông thoáng để đoàn làm phim không bị quá nhiều thứ ràng buộc. Đà Nẵng đang phát triển ngành văn hóa, chính quyền Đà Nẵng nên nghĩ về tầm nhìn chiến lược để kêu gọi các đoàn làm phim đến TP. Chẳng hạn, tại Úc đã tăng mức thuế ưu đãi cho các đoàn làm phim, từ đó họ đón nhận được nhiều đoàn làm phim đến", ông Jenner nói.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty BHD, cho biết thêm các đoàn phim thường phải xin rất nhiều giấy tờ và đã phải lựa chọn cắt bớt bối cảnh để giảm thủ tục. "Tôi mong ước Đà Nẵng cử một cơ quan hỗ trợ công việc cấp giấy phép để đoàn phim thỏa sức sáng tạo. Chứ không phải vì quay 10 cảnh đẹp nhưng ngại giấy phép nên cắt gọn chỉ còn 5 cảnh. Với sự quan tâm của Đà Nẵng sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các đoàn phim. Đoàn phim mong muốn TP là ngôi nhà thứ hai để đến quay phim và quảng bá Đà Nẵng", bà Hạnh chia sẻ.

Gỡ rào cản cho nhà làm phim - Ảnh 2.

Nữ diễn viên Hàn Quốc Moon So-ri (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên Ban giám khảo Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng khai mạc tối 9.5

Cần thiết lập đơn vị hỗ trợ nhà làm phim

Tại phiên thảo luận thứ hai, ông Franck Priot, cựu Giám đốc điều hành của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp, cho biết thời gian quay phim sẽ trôi qua rất nhanh trong khi việc đòi hỏi nhiều giấy phép "là không thể và quá khó khăn". "Chúng tôi cần công cụ đơn giản hơn để di chuyển, để thực hiện tất cả hoạt động quay phim. Như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, có những ủy ban địa phương để thực hiện các giấy phép. Đà Nẵng cũng nên lập Ủy ban địa phương để hỗ trợ nhà làm phim. Nhà làm phim các nước sẵn sàng trả chi phí để làm giấy phép dễ dàng. Bằng cách sẵn sàng cung cấp thông tin, minh bạch, đối thoại với các nhà làm phim sẽ giúp VN và Đà Nẵng hiện hữu rõ ràng trên bản đồ công nghiệp điện ảnh", ông Priot nói.

Theo ông, các nhà làm phim sẽ có nhiều thắc mắc khi đến mỗi địa phương quay phim và Ủy ban địa phương là nơi cung cấp thông tin, hỗ trợ giấy phép… Ủy ban này với khoảng 2 – 3 người sẵn sàng có mặt và giải đáp mọi thắc mắc. Về chính sách ưu đãi, ông Franck Priot cho biết đây là yếu tố rất quan trọng để cạnh tranh thu hút các nhà làm phim đến TP. Nếu thỏa mãn các điều kiện nguồn lực, con người thì Đà Nẵng sẽ xuất hiện trên bản đồ làm phim thế giới.

Cho rằng xây dựng hình ảnh nhận diện của địa phương thu hút các đoàn làm phim là điều quan trọng, ông Franck Priot lấy dẫn chứng hình ảnh cầu Rồng là hình ảnh vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Từ hình ảnh đó đã thu hút, tạo hứng thú cho những nhà làm phim tìm tới. Chỉ cần thông qua những hình ảnh "đinh", mang tính đặc trưng là có thể quảng bá Đà Nẵng. TP cần phải hiểu được nhu cầu này để xây dựng những địa điểm đặc trưng. "Như ở Dubai có những tòa nhà cao tầng và cũng có luôn những vị trí quay những nhà cao tầng đó. Dubai biết điều này và đã có những địa điểm để đặt máy quay tóm được khung hình, rất thuận tiện", ông nói.

Kết luận hội thảo, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN, Giám đốc DANAFF, cho rằng muốn thu hút thì đừng để cho những thuận lợi về điện ảnh của TP.Đà Nẵng chỉ là tiềm năng ngủ yên. Từ ở cấp địa phương, TP cần tháo gỡ các vướng mắc và ưu đãi các nhà làm phim. Về con người, bà Lan cho rằng nếu TP trải thảm đỏ thì các nhà làm phim sẽ đến và điện ảnh sẽ phát triển. Trong đó, DANAFF đang diễn ra là một cầu nối, kích thích những nhà làm phim VN đến sân chơi mới này. 

Theo Hoàng Sơn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)