Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Gỡ rối các thắc mắc thường gặp về du học Anh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bạn có ý định đi du học Anh quốc? Những tư vấn dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi phổ biến.

Gỡ rối các thắc mắc thường gặp về du học Anh

1. Điều kiện về lực học, trình độ tiếng Anh để đi du học Anh?
Yêu cầu về lực học, trình độ tiếng Anh để đi du học phụ thuộc vào khóa học mà bạn muốn đăng ký. Cụ thể như sau:      
– Khóa Dự bị đại học: Yêu cầu học sinh học hết lớp 11 và có điểm trung bình cả năm học tối thiểu 6.5 trở lên, tiếng Anh đạt IELTS 5.5 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác được công nhận ở mức điểm tương đương.
– Khóa Đại học: Yêu cầu học sinh hết lớp 12 và có điểm trung bình cả năm học tối thiểu 6.5 trở lên, tiếng Anh đạt IELTS 6.0 (không kỹ năng nào dưới 5.5).
– Khóa Thạc sỹ: Tốt nghiệp đại học với mức điểm trung bình cả năm tối thiểu 6.5 trở lên, tiếng Anh đạt IELTS 6.5. Một số ngành học yêu cầu có từ 2-3 năm kinh nghiệm làm việc.
Các yêu cầu trên mang tính chất tổng hợp chung, có thể có sự khác biệt tùy vào khóa học, trường học cụ thể.   
2. Cần chuẩn bị những gì về hồ sơ xin nhập học, xin visa và mất thời gian bao lâu?
Nên chuẩn bị hồ sơ xin nhập học càng sớm càng tốt, ít nhất từ 1-2 tháng trước thời điểm nhập học. Hồ sơ nhập học cần có:
– Đơn xin nhập học theo mẫu của trường
– Bản dịch bảng điểm, bằng cấp khóa học gần nhất
– Chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận (IELTS, TOEFL…)
– Bản chụp hộ chiếu
Với bậc học như thạc sỹ yêu cầu thêm:
– Bản giới thiệu về bản thân (personal statement)
– 1-2 thư giới thiệu của giáo viên tại trường đại học mà học sinh đã từng học hoặc 1 thư từ nơi đang làm việc.
Theo quy định hồ sơ xin thị thực sẽ được xét trong 15 ngày làm việc tính từ ngày nộp hồ sơ. Hồ sơ xin thị thực cần có:
– Hộ chiếu với thời hạn dài
– 1 ảnh 4×6
– Sổ tiết kiệm gửi trong ngân hàng với tổng tiền gồm cả tiền học phí và tiền sinh hoạt phí, thời gian để trong ngân hàng tối thiểu 1 tháng.
– Một số giấy tờ cá nhân đã được dịch thuật: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư, giấy tờ sở hữu tài sản (nếu có)
Ngoài ra, một số chi phí cẩn chuẩn bị cho quá trình làm hồ sơ như: phí xin thị thực nộp cho đại sứ quán, phí đặt cọc trước cho trường, phí chuyển tiền ngân hàng,  phí mua vé máy bay.
3. Cách xin học bổng, xin giảm học phí thế nào?
Hiện có rất nhiều chương trình học bổng, hỗ trợ học phí dành cho sinh viên quốc tế muốn sang Anh học tập. Thông thường hồ sơ xin học bổng sẽ được xem xét trên những yếu tố sau:
– Học sinh nhận được thư mời học của trường
– Căn cứ vào hồ sơ nhập học với những yếu tố về bảng điểm, trình độ ngoại ngữ
– Căn cứ vào những thành thích khác mà học sinh đạt được
– Căn cứ vào thư xin học bổng (tùy từng trường có yêu cầu này)
– Căn cứ vào ngành học đăng ký và chính sách học bổng của trường
Hồ sơ xin học bổng nên nộp sớm vì thời hạn xét học bổng thường kết thúc trước thời điểm nhập học 3-4 tháng.    
4. Có những mô hình nhà ở nào dành cho SV?
Học sinh khi đi du học thường lựa chọn một trong những mô hình ở như sau:
– Ở ký túc xá: Hầu hết các khu ký túc xá tại các trường đại học đều nằm sát ngay khu giảng dạy, rất thuận tiện cho học sinh trong học tập, sinh hoạt. Có rất nhiều loại mô hình phòng như phòng đơn tiêu chuẩn, phòng đơn khép kín… với các mức giá khác nhau để học sinh lựa chọn. Sống ở ký túc xá học sinh sẽ thực sự trải nghiệm cuộc sống sinh viên, có điều kiện giao lưu với các bạn sinh viên đến từ các quốc gia khác. Môi trường ở đây an toàn và sinh viên phải tuân theo quy định của khu ký túc.      
– Ở nhà thuê ngoài: Với mô hình này, học sinh có thể tự lựa chọn phòng/nhà theo ý của mình, diện tích sẽ rộng hơn, có bếp chung với vài người cùng khu và có thể tự do nấu ăn theo ý muốn. Nếu biết cách chi tiêu, học sinh có thể tiết kiệm được tiền sinh hoạt phí. Nếu không chọn được nhà gần trường thì sinh viên sẽ phải tính thêm khoản chi phí đi lại và thời gian chờ đợi phương tiện công cộng.
– Ở nhà gia đình bản xứ: Đây là mô hình mà sinh viên quốc tế có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với con người, cuộc sống, văn hóa của đất nước đến du học. Hơn nữa còn có điều kiện phát triển ngoại ngữ, học cách thích ứng với môi trường sống mới. Sinh viên cũng cần tuân theo quy định riêng của gia đình mình ở trọ.
5. Lời khuyên nào giúp Sinh viên Việt Nam thích nghi nhanh với môi trường sống và nền văn hóa mới, tránh những cú sốc văn hóa lúc mới sang?
Để hạn chế những khác biệt về văn hóa và sớm thích nghi với môi trường mới, học sinh ngay từ khi lên kế hoạch đi du học nên chủ động tự tìm hiểu những thông tin về con người, cuộc sống, văn hóa…nơi mình sẽ đến.
Trao đổi, trò chuyện với những bạn đang học để có những cảm nhận thực tế và sẵn sàng cho những tình huống có thể phải đối mặt khi giải quyết khó khăn. Tham gia buổi tư vấn trước chuyến đi do trường, trung tâm tư vấn giáo dục tổ chức.
Khi sang nước ngoài, nếu cần sự trợ giúp đừng ngần ngại đến gặp bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để yêu cầu hoặc liên lạc với phòng tư vấn du học.
Nên cởi mở và thân thiện, nhanh chóng kết bạn, làm quen với các bạn mới để không cảm thấy lẻ loi và chóng hòa nhập hơn.
Theo NDHMoney


 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)