Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

“Gỡ rối” chọn ngành cho học sinh tỉnh Bình Dương

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thế nào để “chọn được ngành học bách phát bách trúng”, việc yêu thích một ngành nghề đã đủ là “sức hút” để quyết định chọn theo học hay chưa…, tất cả những thắc mắc này của học sinh THPT tại tỉnh Bình Dương đều được các chuyên gia tư vấn “gỡ rối” trong chương trình chương trình hướng nghiệp trực tuyến “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF)…. Vừa qua chương trình đã đi qua nhiều trường THPT tại tỉnh Bình Dương như: THPT Nguyễn Huệ, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Trịnh Hoài Đức, THPT Tây Sơn, THPT Huỳnh Văn Nghệ…

Chọn nghề, chọn ngành hay chọn trường?

Đây là câu hỏi được TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) mở đầu trong buổi tư vấn. Câu hỏi này theo TS. Mai cũng là băn khoăn của đa số học sinh khi đến thời điểm chọn ngành nghề.

“Các em phải xuất phát từ nghề. Nghề ở đây cần thỏa mãn các yếu tố: thật sự đam mệ, có khả năng, nhu cầu xã hội. Sự giao thoa giữa các yếu tố này chính là nghề nghiệp lý tưởng với bản thân”.


Chuyên gia tư vấn trong chương trình

Theo TS. Mai, hiện tại xã hội có khoảng 800 nghề nghiệp. Nhiều nghề đòi hỏi yêu cầu phải tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng cũng có nhiều nghề không đỏi hòi về bằng cấp. “Ở bậc ĐH hiện có các phương thức tuyển sinh phổ biến như: điểm học bạ; điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi đánh giá năng lực. Theo số liệu, đa số học sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH. Vì thế, các em hãy nhìn vào năng lực học tập của mình để chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyên phù hợp, tăng khả năng trúng tuyển…”.

Chia sẻ thêm về câu chuyện chọn ngành học, TS. Mai cho hay, ngoài việc xác định được ngành học, học sinh cần chú ý về mức học phí ở những trường mình quan tâm để chọn được môi trường học tập phù hợp. Bài toán học phí cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định chọn trường vì nhiều trường ĐH tự chủ sẽ có mức học phí cao.

Thích thôi chưa đủ!

Trước nhiều băn khoăn của học sinh Bình Dương trong chương trình tư vấn về việc thích giữa nhiều ngành học thì nên chọn ngành nào, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, UEF) nhìn nhận, hiện nay trúng tuyển vào ĐH không còn là chuyện quá khó nữa. Song, khó là chọn thế nào để chọn được ngành học phù hợp nhất với bản thân.

“Rất nhiều bạn thích học ngành ngôn ngữ vì tư duy đây là ngành học thời thượng. Thế nhưng, trong quá trình học, nhiều người phải bỏ cuộc, không thể kiên trì theo đuổi được. Thậm chí ngay cả khi ra trường rồi nhưng gặp rào cản về văn hoá khiến công việc gặp nhiều hạn chế”, ThS. Nguyên kể.

Chuyên gia này nhấn mạnh “thích thôi chưa đủ mà còn cần phải hiểu về bản thân, hiểu biết về ngành học”. Với riêng ngành ngôn ngữ, sẽ có bạn hợp với ngôn ngữ tượng hình, có bạn lại giỏi ngôn ngữ tượng thành. Khối ngành này cũng đòi hỏi người học phải có tư duy hướng ngoại mới có thể giao tiếp tốt, có tính giao thoa về văn hoá, có trí nhớ tốt, phát âm chuẩn, sự kiên trì.

“Chọn ngành ngôn ngữ không phải cứ ngôn ngữ nhiều người học là thành công được mà là ngôn ngữ phù hợp với mình. Đôi khi ngôn ngữ ít người học lại là cơ hội tốt để rộng cửa nghề nghiệp sau này”, ThS. Nguyên nói thêm.

“Thích thôi chưa đủ” cũng là quan điểm được TS tâm lý Vũ Thiện Toàn gửi gắm đến học sinh tỉnh Bỉnh Dương khi chọn lựa ngành nghề. Chuyên gia tâm lý này khẳng định, ngoài thích, ngành nghề đươc chọn còn phải thoả mãi nhiều yết tố như: nghề đó có thể nuôi sống bản thân không, nhu cầu xã hội có đang cần hay không… “Có một thực tế là học những ngành khác nhau nhưng có thể làm cùng một nghề, hay làm cũng những công việc có tính chất tương tự nhau, hoặc học một ngành nhưng lại làm được nhiều nghề. Vấn đề ở đây là khi chọn được ngành học mình mong muốn, bậc học phù hợp sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian, công sức”.

Chia sẻ về thực trạng trong chọn ngành nghề, TS. Toàn cho hay, nhiều bạn chọn ngành bằng cách hỏi bạn bè, chọn ngành theo xu hướng đám đông, thậm chí chọn ngành, nghề, trường nhưng không dành thời gian tìm hiểu.

“Đừng bao giờ lựa chọn ngành, nghề, trường mà không căn cứ vào yếu tố bản thân, không có sự tìm hiểu. Cần cân nhắc ngành nghề theo nhu cầu nhân lực, trong tương lai ngành nghề nào cần thiết, phát triển trong thời gian tới, ngành nghề nào đang khan hiếm tại địa phương mình. Hãy căn cứ vào chính bản thân mình để chọn nghề, hạn chế rủi ro đánh mất đi cơ hội của mình”, TS. Vũ Thiện Toàn khuyên.

Trước câu hỏi của học sinh “chọn ngành như thế nào để bách phát bách đậu”, ThS. Nguyễn Vũ Hoàng (đại diện HUTECH) đánh giá, trước hết người học cần phải trải nghiệm, tìm hiểu kỹ để nhìn nhận rõ hào quang và khoảng lặng của nghề. Không phải cứ giỏi toán, yêu thích các con số là đã có thể phù hợp với ngành ngân hàng. Để theo đuổi ngành ngân hàng lại cần đến nhiều tố chất, ngoài giỏi tính toán còn phải trung thực, có trí nhớ tốt, có khả năng phân tích đánh giá.

Ngoài ra, đó còn là sự hiểu biết, nhận diện đúng phẩm chất năng lực cá nhân, định lượng kỹ về ngành nghề. “Để doanh nghiệp “trải thảm” mời về làm, ngay từ bây giờ các em phải chọn được ngành học phù hợp, xây dựng được giá trị công việc… Muốn có cơ hội nghề nghiệp tốt phải biết được nghề sau này là gì, từ nghề đó chọn ngành phù hợp”. ThS. Hoàng chia sẻ.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)