Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Gỡ rối” trong việc dạy trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ai cũng nghĩ dạy trẻ chăm
ngoan, học tốt là việc của thầy cô, vì thế nhiều bậc phụ huynh phó mặc sự phát
triển của con mình cho nhà trường; phần khác muốn dạy con nhưng lúng túng không
biết bắt đầu từ đâu. Điều đó cũng không ngoại trừ đối với nhiều giáo viên. Vì sự
lúng túng này đôi khi phải nhận được kết quả ngược là trẻ ngày càng hư, không
vâng lời và bỏ bê học hành… 
Giáo viên, phụ huynh phải nhận
biết bệnh của trẻ
Chị Lành, một phụ huynh có
con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng)
than thở: “Thường ngày đến lớp cháu hay căng thẳng, buổi sáng cháu ăn rất chậm,
nuốt không vào, thậm chí nhiều hôm vừa tới cổng trường là cháu bị nôn mửa và
khóc đòi bỏ học về nhà hoặc đôi khi buổi sáng cứ nằm lỳ trên giường không chịu
đến lớp. Hỏi nguyên nhân vì đâu thì cháu cứ im lặng không trả lời”. Còn anh Đặng
Dũng có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Núi Thành, TP. Đà Nẵng lại có nỗi băn khoăn khác: “Tôi thường để ý
thấy mỗi ngày cháu rất mê chơi game và lúc ngồi vào máy tính thì cháu chơi rất
hăng say nhưng hễ ngồi vào bàn học để làm bài tập được khoảng nửa tiếng là cháu
ngủ gật. Có nhều khi cha mẹ không để ý là cháu nằm sấp trên bàn ngủ, đôi khi
cháu ngồi trước vở bài tập nhưng tay thì mải mê chơi với đồ chơi. Thật sự vợ chồng
tôi không biết có nên để con chơi trò chơi hay vẫn cứ tiếp tục bắt con ngồi học
trong sự uể oải, mất tập trung?”.
Có rất nhiều phụ huynh lẫn
giáo viên băn khoăn về trường hợp nhiều đứa trẻ rất hiếu thắng, trong các trò
chơi hay tranh cãi điều gì, bao giờ trẻ cũng tìm mọi cách để phần thắng thuộc về
mình. Thế nhưng, khi vào học là tỏ ra lơ là, thậm chí không quan tâm đến việc
hơn thua. Có nhiều trường hợp mỗi lần cô giáo gọi đọc bài, cháu đọc rất nhỏ.
Lúc xếp hàng, trẻ tìm cách đứng đằng sau nhiều bạn khác.
Trước những băn khoăn của
giáo viên và phụ huynh, TS. Huỳnh Thị Thu Hằng (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục,
Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) phân tích: Với hiện tượng nôn, mửa của trẻ khi đến
trường, không ít phụ huynh nghĩ trẻ giả bộ để tránh việc đi học. Nhưng đây là
những cơn đau thực sự của trẻ, do trạng thái tâm lý căng thẳng tác động đến hệ
thần kinh, gây ra những kích thích sinh hóa học, tạo ra hiện tượng nôn mửa. Hiện
tượng này xảy ra khoảng một vài tuần sau khi bé vào lớp 1 và có thể kéo dài lâu
nếu phụ huynh không biết cách khắc phục, động viên bé.
“Nhu cầu của con người, trong
đó bao gồm trẻ em chủ yếu gồm tám vấn đề chính được xếp theo hình bậc thang là
ăn uống, nghỉ ngơi; an toàn; được yêu thương; được tôn trọng; được hiểu biết;
thẩm mỹ; hoàn thiện và siêu nghiệm. Muốn trẻ học tốt trước hết trẻ cần được thỏa
mãn các nhu cầu trước đó. Tuy nhiên trong quá trình đòi hỏi không phải bất kỳ đứa
trẻ nào cũng đủ tự tin, mạnh dạn nói ra điều mình muốn. Vì thế, việc quan sát,
hiểu các biểu hiện của trẻ để đáp ứng là vấn đề các giáo viên và phụ huynh cần
nắm được để giúp con phát triển bình thường, khỏe mạnh và thông minh hơn”, TS.
Hằng chia sẻ. 
Liều thuốc hữu hiệu
TS. Nguyễn Thị Hoa, cán bộ
Trung tâm Ứng dụng – Viện Tâm lý giáo dục, đã chỉ rõ, trường hợp trẻ than chóng
mặt, choáng do chính phụ huynh gây nên. Áp lực của ba mẹ với những kỳ vọng vào
thành tích học tập của con đã khiến trẻ rơi vào trạng thái stress, chán học.
“Có những trường hợp, con viết yếu, viết chậm nên phụ huynh cứ nghĩ bắt con tập
viết cho thật nhiều thì thực tế, con càng mỏi tay, càng viết yếu hơn. Tốt nhất
là đối với những trẻ như thế, nên cho con chơi các trò chơi như cắt, xé, dán, nặn
đất… để tay trẻ khỏe và có độ cứng hơn”, TS. Hoa nêu kinh nghiệm.
“Thực tế, nhiều cha mẹ hiện
đang rất thiếu kỹ năng giải quyết tâm lý, dạy dỗ con cái, dẫn đến áp đặt ý kiến
của mình hoặc không có phương pháp điều chỉnh tính cách của trẻ. Thậm chí việc
nắm bắt biểu hiện tâm lý trẻ và giải quyết nhu cầu của trẻ như thế nào cũng
đang là vấn đề đáng bàn không chỉ riêng mỗi phụ huynh mà cả xã hội, môi trường
học đường”, TS. Huỳnh Thị Thu Hằng nhận xét. Bên cạnh đó, con trẻ ham game là
do ban đầu mẹ bận làm việc nhà, chăm em… nên cho con chơi game để con không quấy
phá. Dần dà, cháu rất thích chơi game, mỗi ngày cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ
cho việc này. Nếu không có biện pháp điều chỉnh kịp thời, cháu sẽ rơi vào tình
trạng nghiện game và không còn hứng thú với việc học. Với những đứa trẻ rụt rè
nhút nhát, tự ti về thành tích học tập thì phụ huynh và giáo viên nên giúp trẻ
có kỹ năng chấp nhận thất bại bởi nếu không chấp nhận nó, sau này, con sẽ không
dám đối mặt với các thách thức của cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Minh Hạnh,
giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (Q.Hải Châu) bộc bạch: “Không chỉ riêng phụ
huynh có cách giúp đỡ các cháu hòa nhập nhanh vào môi trường học tập mới, có mục
tiêu và phương pháp giáo dục tốt, giảm bớt áp lực lên con trẻ mà giáo viên đứng
lớp cũng tìm ra giải pháp tốt giúp trẻ rèn luyện kỹ năng, mạnh dạn hơn”.
Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng
phòng GD Q.Hải Châu (Đà Nẵng) thừa nhận: “Trong thời gian trở lại đây, hiện tượng
con trẻ bị strees, trầm cảm ngày càng phổ biến. Việc mở lớp tập huấn để giúp phụ
huynh và giáo viên tìm ra giải pháp giúp trẻ phát triển kỹ năng, hoàn thiện nhân
cách là giải pháp kịp thời, nên nhân rộng”.
Bài, nh: Phan Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)