Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần một học kỳ II của năm học 2019-2020 vừa qua, hầu hết các trường học trên cả nước đều tạm ngưng hoạt động ngoại khóa cho học sinh, dù đã lên kế hoạch rất chi tiết trước đó. Và từ đầu năm học này, khi dịch bệnh chưa kết thúc, đa số các trường cũng chưa dám mạo hiểm tổ chức cho các em tham gia. Trong dự thảo kế hoạch đầu năm học này của nhiều trường về ngoại khóa, lãnh đạo cũng chỉ đưa ra “dự kiến” chứ chưa chắc chắn. Tuy nhiên, nếu hoạt động này “đóng băng” kéo dài, sẽ gây ra thiệt thòi cho học sinh.
Quan sát kế hoạch hoạt động ngoại khóa của nhiều trường từ tiểu học cho đến THPT, chúng tôi thấy phổ biến nhất là cách nhà trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tìm hiểu thực tế, học tập trải nghiệm bên ngoài không gian nhà trường. Cách làm này là hợp lý, dễ thực hiện và được học sinh yêu thích. Nhưng trong tình hình hiện nay, nhà trường không nên quá cứng nhắc mà cần linh hoạt hơn. Đó là việc chủ động tổ chức ngay trong không gian trường học. Chẳng hạn, như tổ chức các buổi học tập chuyên đề, những buổi giao lưu, các buổi học kỹ năng tại chỗ cho học sinh. Việc này nên giao về cho các tổ bộ môn thực hiện, để cùng gắn liền với các nội dung bài học trong chương trình. Chẳng hạn, với bộ môn sử, thay vì dẫn học sinh tham quan trực tiếp tại bảo tàng, có thể thực hiện chuyên đề tại chỗ như “đem bảo tàng về với trường học”, như một số trường đã tổ chức. Môn văn, có thể thực hiện chuyên đề văn hóa Nam bộ bằng sân khấu, điện ảnh thay vì phải lặn lội dẫn học sinh đi hàng trăm cây số về vùng sông nước miền Tây trong bối cảnh còn nhiều thứ chưa an toàn. Các trò chơi vận động, rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, nếu có kế hoạch, cũng có thể tổ chức tại khuôn viên nhà trường… Có như thế mới mong phá vỡ tình thế “đóng băng” về hoạt động ngoại khóa hiện nay cho học sinh. Giúp các em có điều kiện trưởng thành và niềm vui trong học tập.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)