Ai đã từng đi qua ngang Trường ĐHSP và Trường ĐHKHTN trên đường Nguyễn Văn Cừ – quận 5 – TP.HCM vào lúc trời mưa thì không khỏi chạnh lòng trước hình ảnh những người bán hàng rong ngồi co ro dưới mảnh áo mưa bên gánh hàng xoài, ổi, đậu phộng, cút luộc… của mình. Đa số họ đều xuất thân từ vùng quê nghèo khó, đó là những người phụ nữ, là mẹ, là chị, tần tảo sớm hôm cả đời để nuôi con ăn học hoặc phiêu dạt tha phương cầu thực, sống lam lũ khắc khổ để dành tiền gửi về nuôi gia đình ở quê. Thế nhưng, khi tôi đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về những người bán hàng rong?” thì một số người không hiểu hoàn cảnh của họ chỉ cười nhạt và trề môi, cho họ là vấn nạn của xã hội, là lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm đường phố. Nhưng làm sao những người ấy hiểu rằng, có rất nhiều người con đã nhờ gánh hàng rong của mẹ mà ăn học thành tài. Như trường hợp của chị Kim Nhung quê ở Quảng Ngãi vào TP.HCM bán hàng rong để nuôi con trai Lê Thanh Tân thành bác sĩ. Hay vợ chồng ông Lê Văn Mưa và Nguyễn Thị Tâm Xuân dắt díu nhau từ vùng quê An Nhơn (Bình Định) vào Đà Lạt lập nghiệp bằng nghề bán rong để nuôi 6 đứa con ăn học. Thành quả ngày nay của đôi vợ chồng là 5 trong 6 người con của họ trở thành 2 bác sĩ, một kỹ sư, 2 cô gái út đang là sinh viên y khoa và ngân hàng. Bán hàng rong là vi phạm và đã có quy định về cấm bán hàng rong trên 15 con đường trọng điểm của thành phố, tuy nhiên, cũng không nên “đóng sập” hết tất cả các cánh cửa với họ. Hãy mở cho họ một cánh cửa để mưu sinh… Bất chợt, tôi nghe ca khúc Gánh hàng rong của nhạc sĩ Lê Quốc Dũng vang lên đâu đó mà nước mắt rưng rưng: Trên con phố khuya, có một người đang gánh hàng rong/ Cơn mưa vẫn rơi, tiếng gió buồn lạc lõng chơi vơi/ Bao năm vẫn ngược xuôi, lòng vui thấy con thơ mỉm cười/ Mưa ơi thôi ngừng rơi, để mẹ về còn chút niềm vui…
Võ Hạnh
Bình luận (0)