Nhiều trường ĐH đã sôi nổi đóng góp ý kiến thiết thực cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, trong đó nhấn mạnh việc làm sách một cách hệ thống, bài bản tránh kiểu “mì ăn liền” gây thiệt cho người học.
Lồng giáo dục văn hóa qua dạy tiếng Anh
TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đánh giá cao việc tiếp cận những điểm mới của bộ sách này và mong muốn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thực hiện một cách hệ thống, bài bản và trách nhiệm; không vì ảnh hưởng của cơ chế thị trường mà làm kiểu… “mì ăn liền”, thiệt cho học sinh. Bộ sách cũng không cần quá phong phú, đa dạng như những phần mềm khác hiện nay mà chỉ cần ở mức độ thu hút các em. Ông Minh cho rằng cần làm rõ bộ sách này hướng đến việc dạy người Việt nói tiếng Anh kiểu nào, chuyển tải văn hóa nào… Nhấn mạnh việc chú trọng “dạy người” thông qua dạy tiếng Anh, ông Minh nhận định điều quan trọng, thời nay thông qua dạy tiếng Anh sẽ cho ra con người như thế nào, đem theo văn hóa gì chứ không chỉ dạy học sinh đi thi, giao tiếp…
Các nhà giáo góp ý cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 |
Tán thành việc đưa nội dung giáo dục văn hóa vào chương trình giảng dạy tiếng Anh sắp tới, nhưng PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng cần chọn lọc để có sự cân bằng. Giai đoạn đầu, thông qua chương trình học có thể cho trẻ trải nghiệm những nét văn hóa Việt. Càng về sau, khi trẻ càng lớn, cần điều chỉnh để bổ sung thêm văn hóa các nước khác. “Nếu chỉ tập trung nhiều vào văn hóa Việt Nam đến khi hội nhập, các em sẽ bị “khuyết” phần kiến thức văn hóa thế giới”, TS. Hùng lưu ý.
Trong khi đó, cũng có quan điểm ngược lại rằng kiến thức văn hóa đã được cung cấp bởi nhiều môn học khác, nếu môn tiếng Anh kham thêm nội dung này sẽ lặp lại, trùng lắp.
Củng cố đội ngũ giáo viên
Cho rằng sách hay cỡ nào mà giáo viên dở cũng sẽ không đem lại hiệu quả, ông Huỳnh Công Minh đặt vấn đề, thông qua bộ sách đơn vị biên soạn cần nghĩ đến chuyện cùng Nhà nước xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh tốt hơn. “Trước đây, nhiều chương trình được đưa tới, kèm theo việc đầu tư vào các trường điểm những phòng, phương tiện để chuyển tải nội dung đến học sinh, bộ sách này có làm theo cách đó không?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Ban biên soạn giáo trình I – Learn Smart Start khẳng định, giáo viên quan trọng đối với chương trình đào tạo nên chương trình tập huấn cho giáo viên sẽ được tập trung chú ý cùng với việc xây dựng bộ sách. Đại diện một trường ĐH nhận định việc tập huấn trực tuyến hiện đã trở nên thuận tiện thông qua điện thoại di động. Tuy nhiên cần có hình thức kiểm tra, đánh giá chặt chẽ. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết sắp tới việc tăng cường bồi dưỡng giáo viên sẽ được chú ý. Theo ông Hồng, đây cũng là nội dung Bộ GD-ĐT nhiều lần trao đổi với trường. Hiện lượng giáo viên rất nhiều, khó tập trung bồi dưỡng trong vài ngày. Vì vậy, sắp tới trường cũng sẽ tăng cường những bài giảng trực tuyến để phục vụ nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giảng dạy.
Nhiều ý kiến khác đánh giá nội dung giáo trình tiếng Anh i – Learn Smart Start bám sát khung chương trình của Bộ GD-ĐT, mở rộng thêm các nội dung thực tế phù hợp với lớp học Việt Nam, tài liệu hấp dẫn, hình ảnh sinh động, dễ sử dụng, giúp học sinh làm quen với các dạng bài thi quốc tế… Dù vậy theo TS. Ngũ Thiện Hùng (Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng), lâu nay học sinh chủ yếu bị động lắng nghe giáo viên. Bộ sách tiếng Anh nên đưa vào nhiều trò chơi để học sinh rèn kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là cách trình bày phải tạo được sự bắt mắt để thu hút các em.
Bài, ảnh: Mê Tâm
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nhận định bộ môn tiếng Anh có đặc thù đi trước nhiều bộ môn khác. Hiện nay chương trình giáo dục tổng thể đang ở giai đoạn hoàn tất, theo kế hoạch tháng 7 này sẽ được đưa ra lấy ý kiến, nếu sớm thì đầu tháng 8 hoàn tất. Lúc đó chúng ta sẽ bắt tay xây dựng chương trình các bộ môn toán, văn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Hiện chúng ta đã có một chương trình gần như chính thức, về thời lượng đã cố định môn tiếng Anh các lớp 3, 4, 5 là 4 tiết/tuần; bậc THPT qua trao đổi, đến nay dự kiến những môn ngữ văn và toán, giáo dục công dân – an ninh quốc phòng và giáo dục thể chất là bắt buộc với số tiết cố định nhưng lại ít hơn môn tiếng Anh. Điều này cho thấy định hướng phát triển giáo dục sắp tới ưu tiên cho môn tiếng Anh rất nhiều. |
Bình luận (0)