Sự kiện giáo dụcTin tức

Gói kích cầu mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị phát triển kinh tế – xã hội và thu ngân sách năm 2009 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, phóng viên (PV) Báo điện tử ĐCSVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc xung quanh việc triển khai gói kích cầu của Chính phủ nhằm chống suy giảm kinh tế, giữ vững tăng trưởng và đảm bảo an sinh.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra đối với sự phát triển kinh tế – xã hội năm 2009?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, gói 1 tỷ USD nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch sử dụng số tiền này một cách hiệu quả sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Gói 1 tỉ USD chủ yếu để phục vụ kích cầu đầu tư tiêu dùng, đúng hơn là chất xúc tác, nó chỉ bằng 1,2% GDP, phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng, nhu cầu. Đối với gói kích cầu, gói đầu tư này không phải là chỉ nhắm vào doanh nghiệp mà còn có cả các hộ kinh doanh cá thể. Giải ngân vốn từ trái phiếu Chính phủ nên không dàn hàng ngang mà dành cho địa phương nào làm nhanh và hiệu quả các dự án sẽ được đầu tư nhiều hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết tâm hỗ trợ nông nghiệp, nông dân sẽ cho vay 11,5%/năm để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý và phân bổ đúng, trúng, hiệu quả nguồn vốn kích cầu, làm sao để gói kích cầu hỗ trợ lãi suất đúng và cho vay đúng đối tượng.

1 tỉ USD này sẽ tiêu thụ một khối lượng lớn vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ứ đọng đang có giá thấp, góp phần giải quyết khó khăn cho một số doanh nghiệp. Số tiền trên tuy không lớn nhưng nó góp phần ổn định và tạo ra hàng triệu chỗ làm trực tiếp và gián tiếp.

PV: Thưa Bộ trưởng, cần phân bổ gói kích cầu này như thế nào cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, nhằm công khai, minh bạch và có hiệu quả nguồn vốn này?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Để làm tốt điều này, theo tôi, khoản tiền này không đưa vào một doanh nghiệp nào cụ thể. Cần ưu tiên những đơn vị trong lĩnh vực đầu tư lớn có khả năng tiêu thụ các sản phẩm hiện đang bị ứ đọng, gây tác động lớn tới công ăn việc làm và tiền lương của người lao động; giải quyết khó khăn cho một số đối tượng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên dành số tiền này đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên; cơ sở hạ tầng, giao thông…

PV: Theo Bộ trưởng, phải mất bao lâu để Việt Namcó thể vượt qua khó khăn này?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Điều đó, phụ thuộc một phần vào tình hình thế giới. Khả năng sớm nhất là vào khoảng quý IV/2009, nền kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ được phục hồi điều đó sẽ giúp vực dậy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chúng ta bị ảnh hưởng chậm hơn, do vậy mức độ cũng thấp hơn các nước khác bởi trong nền kinh tế của ta hiện nay, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, đại bộ phận người dân vẫn sống ở nông thôn. Nên nền kinh tế của ta dù có tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ trung bình khá.

Chính phủ đã dự kiến ở mức tăng trưởng kinh tế của ta khoảng 6,5% tức là tùy vào điều kiện, có thể tăng trưởng từ 6% – 7%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra con số tăng trưởng kinh tế VN năm 2009 khoảng 6,3%. Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo 6,5%. Dựa trên những dữ liệu cũng như phân tích về tiềm năng, nội lực của Việt Nam, những dự báo này sát thực với mục tiêu Chính phủ đề ra. Có thể nhận định rằng, năm 2009 kinh tế nước ta sẽ gặp không ít khó khăn nhưng với những chính sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ sẽ phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực để phát triển trong năm tới. Duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, để tạo đà cho các năm sau khi kinh tế thế giới phục hồi. Còn duy trì tiềm năng này thế nào thì cần xác định chính xác lĩnh vực đầu tư để đầu tư có trọng điểm.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc:Năm 2009 tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn và thách thức; đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu cao của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư thông qua. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu tằng trưởng kinh tế năm 2009 ở mức khoảng 6,5%.

Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh; huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, giảm thiểu khó khăn do thiên tai và suy giảm kinh tế gây ra. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể thao; bảo vệ mội trường và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường năng lực điều hành tổ chức thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Huy Thủy (Theo chính phủ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)