Nguyễn Du không đặt tên cho đứa con tinh thần của mình bằng hai chữ “Truyện Kiều”. Nguyễn Du đã chọn bốn chữ Đoạn Trường Tân Thanh (tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột). Nếu Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) lấy tên cho sách mình là Kim-Vân-Kiều Truyện, tức câu chuyện về mối tình tay ba của một chàng trai và hai chị em cô gái nọ, Nguyễn Du đã không lấy chuyện tình kia làm mục đích tối hậu mà chỉ qua đấy nói nỗi đau lòng. Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, đó mới là điều Nguyễn Du muốn nói, muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình.
Cũng không phải như ai đấy cho rằng Nguyễn Du thấy TTTN lấy tiêu đề như thế là không ổn, như sau này cụ Ngô Đức Kế nói: “Tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên (Kim Trọng – LXL chú), hai người thì lấy chữ tên mà mất họ (Thuý Kiều – Thuý Vân)”. Và cụ Ngô cho rằng như thế là “dốt vô cùng”. Chắc Nguyễn Du không phải chăm chăm tránh cái việc “dốt vô cùng” mà chủ định sáng tác, nguồn cảm hứng sâu xa của tác giả hướng về điều khác, to lớn hơn, sâu thẳm hơn và cũng giá trị hơn nhiều.
Thế sao Nguyễn Du không làm cái chuyện như cụ Ngô Đức Kế nói: “Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một nguời làm chủ nhân, sự tích là sự tích một nguời chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi…” Ý cụ Ngô cho rằng Vương Thuý Kiều Truyện hay như đời sau (không hiểu có nghe lời cụ Ngô Đức Kế hay không) đặt là Truyện Kiều.
Ta đã quen gọi như thế và cũng ngắn gọn dễ hiểu, đành để vậy. Nhưng sự thật, người đời sau làm thế là trái với nỗi niềm, nghĩ suy của Đại thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi cho rằng sáu câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều là tuyên ngôn về mặt nội dung của truyện, Nguyễn Du viết: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Trong 6 câu thơ ấy, bốn câu: 1 và 2, 5 và 6 là quan điểm đã có từ thời xưa: Tài mệnh tương đố (người có tài thì phải chịu thiệt thòi). Nguyễn Du thấy hợp với ý mình bèn nhắc lại. Chỉ có hai câu 3 và 4 là riêng của Cụ. Cụ muốn định hướng cho tác phẩm của mình: Phơi bày hiện thực cuộc sống và bày tỏ nỗi lòng đau đớn của mình trước thực tế trái ngang ấy. Chúng tôi cho rằng Nguyễn Du đã sớm có ý thức văn chương phải phơi bày cuộc sống thực và nhà văn phải có chính kiến rõ ràng. Chúng tôi tạm gọi là “hiện thực có định hướng”. Điều ấy giúp chúng ta hiểu sâu thêm về tác phẩm của Đại thi hào.
Lê Xuân Lít
Kỳ 3: Hai chữ “đoạn trường” giúp ta hiểu thêm gì ở Truyện Kiều ?
Bình luận (0)