Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ đã tổ chức sự kiện văn hóa, văn nghệ mang tên “Thắp sáng tinh thần nhà giáo Việt Nam” tại Đường sách TP.HCM và Đường sách Thủ Đức.
ThS – diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang (Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ) đã mở đầu chương trình bằng những câu chuyện cảm động về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Diễn giả đã dẫn chứng những tấm gương hiếu học tiêu biểu như Nguyễn Bỉnh Khiêm và các học trò của danh sư Võ Trường Toản như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định…
Bên cạnh đó, các em học sinh, thanh niên còn được trải nghiệm một không gian hoài niệm với các hình ảnh về giáo dục thực học xưa cùng những học cụ gợi nhớ về một quá khứ đầy kỷ niệm.
Đây là một vài hình ảnh tư liệu giáo dục xưa giúp chúng ta có trải nghiệm hoài niệm về nền giáo dục Việt Nam cách đây 100 năm. Hình ảnh lều chõng và khoa cử vừa mô tả một quá khứ đã qua và thể hiện tinh thần hiếu học, phương pháp giáo dục thực học.
Qua những hình ảnh sống động của thầy cô giáo dạy học sinh bằng trực quan sinh động như cây mít, cây lúa, hoa hướng dương… hiện lên như một biểu tượng sâu sắc cho những giá trị đạo đức.
“Tất cả những hình ảnh này phần nào phản ánh truyền thống giáo dục Việt Nam và khẳng định rằng chúng ta luôn hướng về thực học, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Qua đó, chúng ta không chỉ đào tạo nhân tài cho đất nước mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng một thế hệ văn võ, tài đức vẹn toàn, hiếu trung rạng rỡ”, ThS – diễn giả Nhựt Quang chia sẻ.
Trong chương trình, các em học sinh còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật qua bài ca cổ “Nhớ ngày đầu tiên đi học” (tác giả Hồ Nhựt Quang) và tích tuồng về danh sư Võ Trường Toản.
Chặp cải lương về danh sư Võ Trường Toản đã tái hiện hình ảnh lớp học xưa của Thầy tại Đình Hòa Hưng, nay là Đình Chí Hòa (Q.10, TP.HCM). Thuở sinh thời, với chí nguyện sống cuộc đời thanh bần trong nghề dạy học để đào tạo nhân tài cho đất nước, không màng lợi danh chốn triều đình. Thầy rất ân cần, tận tụy nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò.
Trước khi tạ thế, thầy đã hỏi 3 người học trò về con đường học tập và nghĩa vụ của mình đối với nền giáo dục nước nhà. Thầy đã an lòng ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn khi Gia Định Tam Gia chưa hoàn thành xong 3 quyển sách trứ danh Gia Định Thành thông chí, Hoàng Việt nhứt thống địa dư chí và Thập Anh Đường văn tập.
Vào năm 1859 thực dân Pháp chiếm Sài Gòn và năm 1862 chiếm trọn 3 tỉnh miền Đông, các thế hệ học trò thời đó xót xa trước cảnh mộ thầy nằm trong đất giặc quản lý nên đã xin cải táng dời mộ thầy về làng Mù U, Ba Tri – Bến Tre ngày nay, xưa kia thuộc tỉnh Vĩnh Long, lúc Pháp chưa chiếm đóng.
Tác phẩm sân khấu hóa những câu chuyện xúc động giúp chúng ta có dịp quay về với quá khứ của lớp học xưa, tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước hòa quyện sâu sắc.
Cô Đoàn Liệp (giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) xúc động bày tỏ: “Thông qua chương trình, tôi hiểu được thêm nhiều câu chuyện lịch sử thật cảm động. Tôi tin rằng qua chương trình sẽ giúp học trò của chúng tôi hiểu hơn về lịch sử cha ông, giá trị thuần phong mỹ tục…”.
TS.Nguyễn Phước Hiền (Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được xem tiết mục biểu diễn về ông tổ ngành giáo dục phương Nam Võ Trường Toản, rất tự hào về nền giáo dục Gia Định xưa đầy hào hùng và tiết tháo vì trung-hiếu, đức-tài. Mong rằng những chương trình hay như thế này ngày càng lan tỏa nhiều hơn, thậm chí trong và ngoài nước”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)