Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình đề xuất một chương trình mới để hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ. Dự kiến đây sẽ là gói tín dụng có quy mô lớn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, để đạt được hiệu quả cao nhất, gói tín dụng này sẽ thực hiện theo quy trình cho vay khép kín đối với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất.
Từ nguồn vốn vay sản xuất nông nghiệp, nông dân sẽ mua máy móc hiện đại hóa sản xuất. Ảnh: HÀM LUÔNG
Sẽ giải ngân hàng trăm tỷ đồng
Khoảng 5 năm nay, tín dụng cho tam nông luôn có mức tăng cao, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Đặc biệt từ năm 2010, khi Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên cho lĩnh vực tam nông thì tín dụng lĩnh vực này tăng nhanh chóng… Theo thống kê của Vụ Tín dụng (NHNN), năm 2013 nếu như tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế là 12,51% thì tín dụng cho tam nông tăng tới 19,67%.
Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn cho tam nông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tính hiệu quả còn chưa cao. Các khoản vay cho tam nông đa số đều manh mún, nhỏ lẻ và còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng do khu vực này được đánh giá là khá rủi ro. Bởi vậy, việc thiết kế một chương trình tín dụng bài bản, có chiều sâu cho tam nông là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được tái cơ cấu.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn lần này sẽ tập trung vào một số trọng tâm lớn. Thứ nhất, tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp. Thứ ba, tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. “Về cơ cấu tiền tệ, NHNN đã dự kiến theo hướng thời hạn vay, khối lượng vay và lãi suất phù hợp” – ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng tình với đề xuất trên, thậm chí còn nhấn mạnh: “Không cần nói gói hỗ trợ bao nhiêu nhưng hàng trăm ngàn tỷ đồng cũng được, với điều kiện có đối tượng cho vay, thời hạn cho vay hợp lý, phải đủ độ dài của sản xuất nông nghiệp. Về lãi suất thì mặt bằng phải thấp hơn cho vay thương mại”.
Tháo gỡ cơ chế
Đánh giá rằng việc đề xuất gói tín dụng trên là sát với tình hình sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay, nhưng ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), lo ngại việc triển khai thực hiện gói tín dụng này trên thực tế chắc chắn sẽ không dễ…
“Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã và đang thực hiện cho thấy, người thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu nhà ở không thể “với” tới được. Với gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tôi cho việc thực hiện còn khó khăn hơn gấp bội. Bởi ai sẽ là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn. Làm sao ngân hàng có đủ lòng tin vào nông dân để chấp nhận cho họ vay vốn. Chưa kể, hàng ngàn thủ tục mà nông dân khó có thể đáp ứng nếu muốn vay vốn ngân hàng. Nếu không có các hướng dẫn cũng như những cách làm thật cụ thể, thiết thực thì gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn sẽ vẫn khó mà đến được với nông dân” – ông Phạm Tất Thắng băn khoăn.
Không lo “tắc” tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thời gian qua NHNN đã nghiên cứu một số mô hình sản xuất quy mô lớn, có tính khả thi cao và có thể nhân rộng như trang trại sữa của Tập đoàn TH trong ngành sữa; các nhà máy thủy sản phía Nam có sự tham gia tái cấu trúc của ngân hàng và mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết theo chuỗi sản xuất, phân phối, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có kết hợp yếu tố khoa học.
Gói tín dụng mới sẽ được triển khai thí điểm ở các mô hình này để mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, một quy trình cho vay khép kín đối với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất sẽ ra đời nhằm từng bước thay thế kiểu cho vay rải rác như trước. Nhờ đó, sẽ khắc phục tình trạng ngân hàng này cho vay sản xuất, ngân hàng kia cho vay chế biến, xuất khẩu, chỉ cần một khoản vay ở khâu này rủi ro là kéo theo rủi ro ở các khoản vay khác.
“Chúng tôi coi đây là chương trình thí điểm và sẽ triển khai ngay trong quý 1 này, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực tam nông” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Về phía các ngân hàng thương mại, cho vay theo chuỗi sản xuất đối với tín dụng tam nông là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây. TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank, chia sẻ: “Trong quá trình đi thực tế nhiều địa phương, tôi thấy phải có sự đột phá về tầm nhìn, chính sách và các biện pháp thì khu vực tam nông mới thật sự phát triển bứt phá. Cụ thể, cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Đây sẽ là điều kiện để tín dụng tam nông phát huy hiệu quả”.
Tổng Giám đốc Agribank Trịnh Ngọc Khánh cũng cho rằng, nếu chủ động xây dựng, triển khai các gói sản phẩm tín dụng khép kín dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu thì sẽ nâng cao được hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, không lo tín dụng “tắc”.
Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN
"Thực tế hiện nay, nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết; cây, con nào có dấu hiệu tốt thì đổ xô vào làm, cuối cùng không bán được dẫn đến vỡ nợ, không trả được nợ. Vì vậy, để có chính sách tín dụng hiệu quả phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể; có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp ngân hàng vẫn có thể cho vay"
HÀM YÊN (SGGP)
Bình luận (0)