Hướng nghiệp - Tuyển sinhĐề thi - Đáp án

Gợi ý bài giải đề thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT 2010

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ảnh: theo internet
Chúng tôi mời các bạn thí sinh xem gợi ý tham khảo bài giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 – 2010 chương trình dành cho thí sinh Giáo dục thường xuyên (những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo).
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010
Môn thi : NGỮ VĂN – Giáo dục thường xuyên
Câu 1. (2,0 điểm)
Nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Câu 2. (3,0 điểm)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh.
Câu 3. (5,0 điểm)
Phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008).
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1. – Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp.
– Địa bàn hoạt động của Tây Tiến khá rộng.
– Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn nhưng họ rất lạc quan, dũng cảm.
– Quang Dũng là đại đội trưởng trong Đoàn quân Tây Tiến. Cuối năm 1948, ông chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, trong tình cảm nhớ thương những đồng đội cũ, nhà thơ đã viết bài Nhớ Tây Tiến.
– Khi in lại, tác giả đổi tên thành Tây Tiến và in trong tập Mây đầu ô. Đây là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ. 
Câu 2: Một số gợi ý :
– Nhà trường có một vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn nhưng kiến thức ở nhà trường vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu vì đó là kiến thức đã được chuẩn hóa,đạt độ chính xác cao và có định hướng.
 Vai trò của ngành giáo dục nói chung và nhà trường rất quan trọng trong việc đào tạo ra nhân tài, tạo nên nguồn nguyên khí của quốc gia.
– Trong nhà trường người trực tiếp truyền thụ kiến thức là đội ngũ giáo viên. Họ đều là những người được đào tạo trong các trường Sư Phạm. Họ không những có trình độ tay nghề mà còn có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Do vậy họ luôn có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin để nâng chất lượng giờ dạy đem đến cho học sinh những hiểu biết chuẩn mực.
– Cha ông ta từ xa xưa đã rất coi trọng vai trò của nhà trường trong việc mở mang truyền bá kiến thức. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được xây dựng từ những thế kỉ đầu của quốc gia phong kiến Đại Việt. Các nước tiên tiến trên thế giới sở dĩ phát triển nhanh, mạnh vì coi trọng vai trò của giáo dục, trong đó trường học chiếm vị trí hàng đầu.
– Trong thời đại thông tin hiện nay, có rất nhiều nguồn cung cấp tri thức thì vai trò truyền bá kiến thức từ nhà trường càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
– Trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa, ngoài vai trò quan trọng của người thầy, học sinh cũng cần phải có thái độ tích cực chủ động.
– Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa, nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục rèn luyện học sinh về mặt phẩm chất, đạo đức để học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có cách sống, cách ứng xử văn hóa.
– Gia đình, xã hội cũng có vai trò không kém phần quan trọng đối với việc hình thành kiến thức và nhân cách của học sinh. Do vậy, để giá trị giáo dục được bền vững cần có sự kết hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Câu 3. Yêu cầu học sinh nắm chắc kỹ năng phân tích một mặt hình tượng của tác phẩm. Cụ thể ở đây là hình tượng cây xà nu được miêu tả mang giá trị nghệ thuật cao: giá trị hiện thực, giá trị tượng trưng và giá trị biểu tượng.
1. “Rừng xà nu” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này.
2. Đọc “Rừng xà nu” những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai… tạo nên ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Nổi bật hình ảnh cây xà nu được lặp đi lặp lại gần hai mươi lần, một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Hình tượng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi và lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô-man bất khuất, kiên cường. Qua tác phẩm, cây xà nu, rừng xà nu đã được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết với ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời văn có cánh” trong một cảm xúc thật say mê và mãnh liệt. Cây xà nu trong truyện xuất hiện rất nhiều lần và dường như rất quen thuộc với con người nơi núi rừng Tây Nguyên, nó tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của người dân nơi đây trong cuộc chiến đấu chống Mĩ thật anh dũng của họ.
Tác phẩm “Rừng xà nu” là một bản anh hùng ca về cuộc đời anh dũng, đau thương, bất khuất của Tnú cũng như của tất cả dân làng Xô-man. Câu chuyện ấy được kể trên nền tảng chính của hình tượng cây xà nu – một hình tượng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tượng trưng và khái quát. Những cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn sống, vừa là nhân chứng, vừa tham gia bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi vất vả, đau thương dưới tầm đạn kẻ thù. Nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vươn mình lên cường tráng vượt lên mọi thương đau. Cây xà nu là một hình ảnh mang tính chất tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của dân làng Xô-man.
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” và kết thúc vẫn là “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Hình ảnh ấy như một nét nhạc trầm hùng, một bản đàn dạo, là cái “phông” cho cả một câu chuyện khiến thiên truyện càng mang đậm tính sử thi và lãng mạn hơn. Rừng cây xà nu được xem như là biểu tượng cho con người Xô-man. Với hình ảnh nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu như những con người, chúng cũng có “vết thương”, biết “ham ánh sáng” và “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”.
Cây xà nu còn là một hình ảnh so sánh với con người “ngực căng bằng cây xà nu”. Rừng xà nu năm tháng đứng dưới tầm đại bác kẻ thù, chịu đựng biết bao tàn phá, cũng như những đau thương mà dân làng phải gánh chịu trước ách kìm kẹp của giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. “Cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình nhựa ứa ra, tràn trề”… rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên một hiện thực đầy đau đớn của đồng bào Tây Nguyên trước sự tàn bạo của quân thù và gợi lên lòng căm thù cũng như kết tụ một ý chí phản kháng.
Nhưng hơn hết vẫn là sức sống mãnh liệt đầy sức trẻ của rừng xà nu bạt ngàn. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê” “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thế mới biết sức trẻ của cây xà nu mãnh liệt đến dường nào! Sức trẻ ấy còn mang tính tượng trưng cho thế hệ trẻ của làng Xô-man. Đó là những Mai, Dít, Tnú, Heng, những con người luôn gắn bó với cách mạng, bất khuất từ tuổi thơ, lớn lên trong lửa đạn, trưởng thành trong đau thương và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì tự do của dân tộc.
Bên cạnh đó, sức sống bất khuất kiên cường của cây xà nu còn được tạo bởi hàng vạn cây ở những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời, ở tấm ngực lớn của rừng ưỡn ra che chở cho làng. Đó là những cây xà nu thật vững chắc, xanh tốt đã vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”, một cây ngã xuống tức thì bốn năm cây con lại mọc lên cứ thế trở thành cả một rừng cây xà nu nối tiếp đến chân trời.
Những cây xà nu, rừng xà nu ấy là hình ảnh của dân làng Xô-man kiên cường chống giặc, bất chấp mọi hi sinh, một lòng đi theo Đảng, đi theo kháng chiến hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là những cụ Mết, anh Xút, Tnú, Mai, Dít, anh Brôi… mà tiêu biểu là hình ảnh cụ Mết. Nhà văn đã ví cụ “như một cây xà nu lớn”. Hơn ai hết, cụ là người hiểu rất rõ sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng xà nu cũng như của dân làng Xô-man. Chính cụ Mết đã nói với Tnú “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”,  “cây mẹ chết cây con lại mọc lên”.
Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”.
Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.
Sở dĩ hình tượng cây xà nu được tác giả xây dựng có giá trị nghệ thuật cao vì tác giả đã có nghệ thuật miêu tả “cây xà nu” :
 – Nhà văn đã khéo léo dùng nghệ thuật liên tưởng để miêu tả sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của cây xà nu. Đặc biệt tác giả đã chọn lựa và sử dụng từ ngữ đắc địa để miêu tả cây xà nu như những vũ khí sắc nhọn: ở đầu truyện là “những cây xà nu con hình nhọn mũi tên lao thẳng lên”, “ở cuối truyện là những cây mới nhú khỏi mặt đất nhọn hoắt như những mũi lê”.
 – Thủ pháp nhân hóa cây xà nu cổ thụ và những cây con.
 – Nghệ thuật lặp đồng nghĩa: “đồi xà nu” – “rừng xà nu” – “hàng vạn cây”.
 – Thưởng thức cả đoạn văn, chúng ta thấy phong cảnh ở đây như được nhà văn khắc chạm, tạo thành hình, thành khối, có màu sắc, có mùi vị.
 – Cây xà nu là một hình tượng quán xuyến trong cả thiên truyện, được nhà văn nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
 – Chọn hình tượng “cây xà nu”, nhà văn Nguyễn Trung Thành muốn xây dựng một biểu tượng nghệ thuật về con người – dân làng Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu được lặp đi lặp lại như một mô típ chủ đạo để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các buôn làng Tây Nguyên nói riêng và của miền Nam anh hùng nói chung. Hình tượng cây xà nu mang giá trị biểu tượng cao: hình tượng cây xà nu đẹp tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xôman, “cây xà nu lớn” với sức sống ngàn đời tượng trưng cho cụ Mết, “bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “cành lá sum sê” tượng trưng cho thế hệ trẻ như Tnú, Mai, Dít, bé Heng, đặc biệt là Tnú.
3. Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ và góp phần khẳng định chân lý của dân tộc và thời đại: một dân tộc muốn bảo vệ sự sống còn, độc lập, tự do, phải cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ thù tàn bạo.
NGUYỄN HỮU DƯƠNG – ĐINH PHAN CẨM VÂN
(TT BD VH & LT ĐH Vĩnh Viễn)
Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)