Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong văn học mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần tự học. Cuốn “Tự học, một nhu cầu của thời đại” xuất bản lần đầu với tựa đề “Tự học để thành công” vào năm 1954, đến năm 1964 được sửa chữa, bổ khuyết và đổi tên mới, là một tác phẩm quan trọng, nơi ông chia sẻ kinh nghiệm tự học và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời.

Từ những trải nghiệm và lời khuyên trong cuốn sách, giới trẻ ngày nay có thể rút ra nhiều bài học quý giá để nuôi dưỡng tinh thần tự học, một phẩm chất cần thiết trong thời đại tri thức không ngừng đổi mới.
1.Tự học là nhu cầu tự nhiên và cần thiết của thời đại. Học giả Nguyễn Hiến Lê mở đầu cuốn sách bằng cách khẳng định rằng tự học là một nhu cầu tự nhiên của con người và là yêu cầu tất yếu của thời đại. Ông cho rằng, tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm; có thầy hay không, ta không cần biết; người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được… Quan điểm này nhấn mạnh sự tự do và chủ động trong học tập, một yếu tố đặc biệt phù hợp với giới trẻ hiện nay, khi họ có thể tiếp cận tri thức qua nhiều kênh như sách, internet hoặc các khóa học trực tuyến. Đương nhiên, không phải học, đọc nhiều thì luôn có ích. Dù đọc nhiều sách hay học nhiều môn nhưng thiếu phương pháp, không xác định rõ mục đích và định hướng cụ thể có thể không đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này nhắc nhở giới trẻ rằng, trong thời đại thông tin dồi dào, họ cần chọn lọc kiến thức phù hợp và học có chiến lược để tránh lãng phí thời gian.
Giới trẻ ngày nay có thể áp dụng tinh thần này bằng cách xác định mục tiêu học tập, chẳng hạn học một kỹ năng mới như lập trình, ngoại ngữ hoặc thiết kế. Thay vì học lan man, họ nên lập kế hoạch cụ thể, chọn tài liệu chất lượng, và theo dõi tiến độ để đạt được kết quả mong muốn.
2.Tự học để bổ khuyết hạn chế của giáo dục chính quy. Học giả Nguyễn Hiến Lê chỉ ra rằng giáo dục ở trường học thường có nhiều thiếu sót, đặc biệt là việc thiên về trí dục và thiếu rèn luyện tư duy sáng tạo. Ông phê phán phương pháp học nhồi nhét, bắt học sinh ghi nhớ mà không khuyến khích suy nghĩ độc lập, dẫn đến việc học sinh ra trường thiếu kỹ năng thực tiễn. Ông kể về thời đi học của mình là đã được học gần 30 thầy vừa Việt vừa Pháp nhưng ông nhớ chỉ mỗi một vị khuyên đọc sách để luyện Pháp văn là thầy Dương Quảng Hàm… Sự thiếu hướng dẫn từ giáo viên khiến ông phải tự mày mò, nhưng chính điều đó giúp ông phát triển khả năng tự học. Từ đây, ông khuyến khích giới trẻ không ỷ lại vào nhà trường mà phải chủ động bổ sung kiến thức.
Giới trẻ hiện nay có thể học hỏi từ quan điểm này bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên ngoài trường học. Chẳng hạn, các em có thể tham gia các khóa học trực tuyến trên nhiều nền tảng phù hợp hoặc học qua YouTube, nơi cung cấp kiến thức đa dạng từ kỹ thuật đến nghệ thuật. Tinh thần tự học giúp các em vượt qua giới hạn của giáo dục chính quy và chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ.
3.Tự học là cách sử dụng thời gian hiệu quả. Học giả Nguyễn Hiến Lê nhấn mạnh rằng tự học là cách tuyệt vời để sử dụng thời gian rảnh rỗi. Ông kể về những ngày làm việc ở miền Tây là có thời gian rảnh khá nhiều nên chỉ đành phải đọc sách. Dù ban đầu đọc sách không có phương pháp, ông dần nhận ra rằng thời gian rảnh là cơ hội để trau dồi tri thức. Trong bối cảnh giới trẻ ngày nay thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hoặc giải trí, lời khuyên này đặc biệt ý nghĩa. Ông khuyến khích học thêm để mọi người sẽ thấy mình khỏi bị nô lệ máy móc, vì có dịp suy nghĩ để tránh những công việc quá chuyên môn. Tự học không chỉ giúp lấp đầy thời gian mà còn nâng cao giá trị bản thân.
Giới trẻ có thể áp dụng bài học này bằng cách dành một phần thời gian mỗi ngày để học tập. Chẳng hạn, thay vì lướt mạng xã hội, các em có thể dành 30 phút đọc một cuốn sách chuyên ngành, học một bài ngoại ngữ hoặc thực hành một kỹ năng mới. Những thói quen nhỏ này, nếu duy trì, sẽ mang lại kết quả lớn trong dài hạn.
4.Tự học là một cái thú, không phải gánh nặng. Một trong những điểm nổi bật của “Tự học, một nhu cầu của thời đại” là cách học giả Nguyễn Hiến Lê biến việc học thành niềm vui. Ông cho rằng, tự học là cần thiết nhưng không phải là một sự bắt buộc; ta hoàn toàn được tự do, tự chủ, nhờ vậy nó là một cái thú. Ông ví tự học như một cuộc du lịch, nơi người học tự do khám phá tri thức theo sở thích cá nhân. Ông mô tả niềm vui khi đọc từng trang sách, ngắm từng nét chữ và cảm nhận sự kết nối với tác giả như gặp người bạn thân… Tình yêu sách này không chỉ là sở thích mà còn là động lực để ông học hỏi không ngừng, từ đó có những thành công vượt bậc sau này.
Giới trẻ có thể học hỏi tinh thần này bằng cách tìm niềm vui trong học tập. Chẳng hạn, nếu yêu thích công nghệ, các em có thể khám phá các dự án mã nguồn mở; nếu đam mê văn học, các em có thể đọc các tác phẩm kinh điển hoặc viết blog chia sẻ cảm nhận… Khi tự học trở thành niềm vui, việc học sẽ bền vững và hiệu quả hơn.
5.Gợi ý những phương pháp tự học hiệu quả. Học giả Nguyễn Hiến Lê không chỉ truyền cảm hứng mà còn cung cấp những phương pháp tự học cụ thể. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn sách phù hợp và khuyên người học nên “đọc sách với cây viết trong tay”, ghi chú ý chính và tóm tắt để nắm vững nội dung. Để tự học đạt kết quả cần phải bền chí. Ông kể về việc học chữ Hán; dù có vốn liếng nhất định do được học từ nhỏ nhưng để hiểu được các sách thì ông đã kiên trì tra cứu và học dần, cuối cùng nắm vững chữ Hán để viết các công trình nghiên cứu. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm cách dùng tự điển tiếng Trung và các quy tắc phiên âm chữ Hán để học có hiệu quả, thể hiện sự tỉ mỉ trong việc học. Giới trẻ có thể áp dụng các phương pháp này bằng cách xây dựng thói quen học tập có hệ thống. Chẳng hạn, khi học một môn mới, các em nên bắt đầu từ tài liệu cơ bản, ghi chú ý chính và đặt câu hỏi để đào sâu hiểu biết. Các công cụ như Notion (ứng dụng ghi chép giúp người dùng có thể dễ dàng lên kế hoạch, ghi chú, lập thời gian biểu…), Evernote (công cụ quản lý ghi chú, nhằm thu thập thông tin dưới dạng văn bản, hình ảnh, video…), hoặc Flashcards (thẻ ghi chú) cũng có thể hỗ trợ việc ghi chép và ôn tập hiệu quả. Ngoài ra, ông đề xuất các giải pháp như lập thư viện, phát động phong trào đọc sách, khen thưởng học sinh chịu đọc thêm…
Học giả Nguyễn Hiến Lê tin rằng tự học không chỉ là việc cá nhân mà còn cần được khuyến khích trong cộng đồng. Ông cho rằng bổn phận của mỗi người là giúp người khác hưởng lợi và cái thú tự học, nghĩa là khuyến khích sự tự học và hướng dẫn những người tự học. Tinh thần này nhắc nhở giới trẻ rằng các em không chỉ học cho bản thân mà còn có thể truyền cảm hứng cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc cộng đồng. Giới trẻ ngày nay có thể thực hiện điều này bằng cách tham gia các câu lạc bộ học tập, chia sẻ tài liệu trên mạng xã hội hoặc tổ chức các buổi thảo luận tri thức. Chẳng hạn, một bạn trẻ yêu sách có thể lập nhóm đọc sách trên Goodreads hoặc tạo kênh YouTube để chia sẻ kiến thức, từ đó lan tỏa tinh thần tự học. Vì vậy, mọi người hãy để mỗi ngày trở thành một cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)