Gốm Biên Hòa |
“Đồng Nai có gốm Biên Hòa
Đẹp, bền, duyên dáng ai mà lãng quên”.
Cùng với những bức tranh Tết trang nhã, những lời chúc tốt đẹp, những dòng chữ, câu văn mà thi nhân gửi lời, gửi ý, gửi những hoài vọng trong câu đối Tết để đón chào năm mới, thì việc trang hoàng, thưởng ngoạn những chiếc bình gốm Biên Hòa xinh xắn trong ngôi nhà Việt đáng yêu, mang đậm hồn dân tộc cũng là một trong những món quà tinh thần được vật chất hóa để thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc, cùng khát khao hướng tới chân – thiện – mỹ.
Đậm đà bản sắc Việt
Nam bộ là nơi giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa. Theo đó, những thành tựu của gốm Nam bộ từ thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là kết quả tổng hợp từ nhiều cội nguồn. Cùng với gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đã tạo thành dòng gốm mang phong cách Nam bộ, đánh dấu một giai đoạn phát triển lịch sử của nghệ thuật làm gốm tại miền Nam trong thời cận và hiện đại. Thật vậy, ít ai biết rằng gốm Biên Hòa không chỉ làm đẹp cho quê hương xứ sở mà còn vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm và luôn hấp dẫn đối với những người chơi gốm cổ, những nhà sưu tập trong và ngoài nước.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển gốm Biên Hòa đã để lại nhiều giá trị đặc biệt trong lịch sử gốm Việt Nam. Ngoài giá trị nghệ thuật của dòng gốm trang nhã này, thì giá trị văn hóa là yếu tố nổi bật và quan trọng để đưa sản phẩm gốm Biên Hòa trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể thấy rằng, gốm Biên Hòa thể hiện khá đậm nét những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam.
Một trong những đặc trưng rõ nét nhất của dòng gốm Biên Hòa đó là tính tổng hợp – một đặc trưng quan trọng của người Việt. Trong tiến trình văn hóa Việt Nam, có 3 lớp văn hóa đan xen nhau: Lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và lớp văn hóa giao lưu với phương Tây và khu vực. Theo đó, sản phẩm gốm Biên Hòa đẹp và độc đáo từ chạm khắc đến nước men vì nó là sản phẩm giao thoa giữa 3 phong cách: Gốm Việt (bản địa), gốm Trung Hoa và gốm Limoge của Pháp. Nó biểu hiện sinh động của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cũng như khả năng tích hợp văn hóa Đông – Tây của người Việt.
Mặt khác, gốm Biên Hòa còn thể hiện rõ đặc điểm của văn hóa Việt đó là tính linh hoạt. Tuy ra đời muộn hơn so với những dòng gốm khác, nhưng xuất phát điểm của gốm Biên Hòa khá cao bởi tính ứng dụng của nó rất đa dạng và linh hoạt. Hiếm có sản phẩm gốm nào mà sự phong phú, sự đa dạng, sự linh hoạt và tinh tế về kỹ thuật, màu men, chủng loại, hoa văn, đề tài thể hiện trên gốm sứ, tượng… như gốm Biên Hòa. Những nhà sưu tập đã từng mê mẩn với những bình hoa dáng lạ, độc đáo, đầy sáng tạo của các nghệ nhân và tạo thành những bộ sưu tập theo từng chủ đề riêng cho mình. Không ít người kinh doanh gốm Biên Hòa, lẫn người sưu tập nhiều năm đã từng sở hữu hàng trăm, hàng ngàn hiện vật, sản phẩm gốm Biên Hòa mà thỉnh thoảng vẫn phải ngỡ ngàng, thốt lên chưa từng thấy những hình dạng như vậy. Điều đó cho thấy chủng loại sản phẩm gốm Biên Hòa thật sự phong phú, đa dạng và tạo nên “lực hấp dẫn”, lôi cuốn, thích thú đối với những nhà sưu tập.
Chính tính tổng hợp và linh hoạt của dòng gốm này đã giúp cho gốm Biên Hòa làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những người khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn vẫn có thể sở hữu ít nhiều sản phẩm này trong ngôi nhà Việt thân thương của mình. Do đó, không phải ngẫu nhiên, những sản phẩm gốm Biên Hòa tạo được cảm tình gần gũi, vừa có vẻ cao sa, lộng lẫy, nhưng cũng có nét bình dị, đơn sơ của dòng gốm Nam bộ.
300 năm nghề không phôi pha
Tác giả bên bộ sưu tập gốm Biên Hòa của mình
|
Không trầm lắng như gốm Châu Ổ (miền Trung), không “gai góc”, mạnh mẽ như gốm Cây Mai (Sài Gòn), không “trơn tru” như gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa có sự trang nhã, lịch lãm, thanh thoát không lẫn vào đâu được. Những thợ gốm Biên Hòa tỏ rõ tài năng điêu luyện của mình trên vô số sản phẩm được chuốt vuốt, tô vẽ rực rỡ ánh hoa trên nền men trong suốt. Với gam màu tươi tắn, hoa văn họa tiết rực rỡ, luôn mang lại sự đầm ấm, tươi vui trong những ngôi nhà Việt. Hoa văn trên gốm Biên Hòa chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp vẽ nét chìm, hoặc nét chìm kết hợp với chạm lộng và men màu lửa trung (màu sắc tươi sáng). Cùng với mùa xuân rạng rỡ, họa tiết trên gốm Biên Hòa như hòa mạch trong không khí đón xuân bằng những hình ảnh, chủ đề mang lại ý nghĩa may mắn, hạnh phúc. Nếu những đề tài có tính chất hiện thực chọn lọc từ trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Việt Nam thời hiện đại đã làm cho gốm Biên Hòa có những mảng cảnh trí đậm đà dư vị và tình tự quê hương thì các đề tài cổ điển, tự thân chúng luôn hàm chứa biểu trưng có ý nghĩa chúc tụng cát tường như ý vốn đã bén rễ trong thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc lâu đời, nên cũng đáp ứng được yêu cầu hiếu cổ của người thời nay cũng như yêu cầu hiếu kỳ của khách quốc tế.
Những hình ảnh mang tính triết lý, biểu tượng cho sự tốt lành như: Hình ảnh tứ linh (long, lân, quy, phụng). Theo đó, rồng biểu hiện sức mạnh, lân biểu tượng cho sự thái bình, quy là sự trường thọ, phụng biểu hiện cho hạnh phúc. Ngoài ra, còn có những tích: Long vân hội tụ, lưỡng long tranh châu, ngư long hí thủy, song long chầu nguyệt, cá vượt vũ môn hóa rồng, Phúc Lộc Thọ, tùng hạc diên niên (sự trường thọ). Và biết bao nhiêu đề tài cảnh – vật khác: Liên áp (sen – vịt), tiêu – tượng (voi – chuối), nho – sóc, qua – thử (dưa – chuột), trúc – tước (trúc – chim sẻ). Tất cả đều ẩn chứa một biểu trưng cho ước vọng may mắn hay chuẩn mực sống, ứng xử tốt lành. Không chỉ thế, gốm Biên Hòa cũng chú ý đến các đồ án trang trí có tính chất thư pháp. Chữ có nghĩa đã đành, còn phải đẹp, nét bút phải tài hoa, thơ phải chứa đựng tình ý riêng… tất cả đều mang màu sắc sặc sỡ, đậm đà chất xuân.
Nằm dọc theo lưu vực sông Đồng Nai thơ mộng, làng gốm Biên Hòa hơn 300 năm tuổi nay vẫn tồn tại và tiếp tục đóng góp cho đời dù không còn được thịnh như xưa. Hiện nay, các nghệ nhân và thợ gốm Biên Hòa đang ra sức phục hồi gốm men xanh đồng trổ đồng, bách hoa nổi tiếng của gốm Biên Hòa xưa và tái hiện những mẫu bình, dáng lọ, tượng, phù điêu theo mẫu của đồ Trường xưa.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)