Nhiều trẻ em kiếm sống nhờ bùn |
Cứ khoảng 4 giờ sáng, hàng chục con người từ những đứa bé đến các cụ già lại tìm đến những đoạn đường có bùn… để mưu sinh. Bùn sau khi nạo vét ở các kênh được xe ben chở đến đổ thành những đống lớn. Và một số người đã nhờ bùn mà có miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Kiếm sống từ… bùn
Trời gần sáng, sương xuống nhiều hơn, bên vệ đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), hai đứa bé lom khom hốt từng nắm bùn cho vào bao. Đứa lớn tên Hùng,13 tuổi nhà ở quận 4 nói: “Bùn vậy chứ tiền không đó anh”. Tôi vẫn chưa hiểu, bùn nồng nặc mùi tanh hôi kia được hai cậu gom làm gì mà bảo là “tiền không đó”. Câu hỏi tò mò của tôi được Hùng trả lời gọn lỏn: “Bán”. Dọc theo đoạn đường này, có tổng cộng 8 bao bùn lớn được buộc chặt và chuẩn bị chở đi. Cảnh, “đồng nghiệp” của Hùng vừa dắt chiếc xe đạp cũ nát ra chất bao bùn lên vừa nói: “Bây giờ phải chở về giao cho một cơ sở trồng cây kiểng”. Được biết, cứ mỗi bao bùn như vậy chủ cơ sở trả cho hai đứa từ 8 đến 10 ngàn đồng (tùy chất lượng của bùn). Hai đứa là hàng xóm với nhau, và có hoàn cảnh cũng na ná như nhau. Bố mẹ mất sớm, hiện đang sống nhà bà con, bỏ học từ năm lớp 4 và có thâm niên đi nhặt ve chai 6 năm nay. Hùng kể lại: “Lúc đi nhặt ve chai em lượm được cái ví, trong đó có nhiều giấy tờ và hơn 2 triệu đồng. Em tìm đến địa chỉ trong giấy chứng minh nhân dân để trả lại cho người mất, đó chính là ông chủ của cơ sở trồng và kinh doanh cây kiểng ở phường Tân Quy, quận 7. Thấy em thật thà, ông chủ cho em 1 triệu đồng và hứa sẽ tìm việc làm cho. Bây giờ ban ngày em phụ ông chăm sóc cây kiểng, sáng sớm lại tranh thủ ra đây gom bùn bán kiếm thêm ít tiền”.
Lần theo đoạn đường có nhiều vết bùn vương vãi, tôi gặp hai cha con ông Sáng (ngụ quận 8) đang “lội” trong đống bùn còn mới toanh. “Phải lội vào mới tìm được bùn tốt chứ hốt về người ta không mua thì khổ”. Ông Sáng giải thích rất nghề: “Bùn tốt là trong bùn không có rác, không có đất thịt… Trong bùn nạo vét ở các dòng kênh có nhiều khoáng chất có tác dụng rất quan trọng đối với sự phát triển, sinh trưởng của cây cối mà đặc biệt là cây cảnh”. Con trai ông Sáng tên Bảo năm nay 14 tuổi cũng đã nghỉ học khi học kỳ 1 năm lớp 9 chưa kết thúc. Vóc người nhỏ thó đang lội trong đống bùn ngập qua khỏi đầu gối, Bảo nhấc chân từng bước nặng nề lẽo đẽo đi sau cha. Nhiệm vụ của Bảo là gom bùn cho vào bao sau khi ông Sáng đã “khảo sát” được bùn tốt. Cứ đi theo đường thẳng, phát hiện chỗ nào có cắm một cây cỏ tức ở đó có bùn cần phải lấy. Cha con ông Sáng gom bùn về đổ thành đống sau nhà để dành và tìm về các tỉnh miền Tây mua trấu về ủ phân, làm đất bán. “Người làm nghề này đông lắm vì vậy phải tranh thủ đi sớm kẻo hết. Hơn nữa, dạo gần đây xe đổ bùn sợ bị cảnh sát môi trường bắt quả tang nên chỉ làm vào lúc trời gần về sáng, bùn vừa đổ xuống dễ phát hiện tốt hay xấu hơn là đã bị khô trên mặt”.
Đồ nghề của cha con ông Sáng là 2 chiếc xe đạp, 1 cái cuốc, 2 cái móc bằng sắt và vài cái bao. Bảo cầm cây móc sắt khều khều vào đống bùn để loại rác ra và tìm ve chai… “Có hôm cũng kiếm được vài kg sắt, thép chứ không ít, để dành một tuần cũng mua được chục kg gạo”, Bảo nói.
Mấy hôm nay trời lạnh buốt da nhưng với Hùng và Cảnh thì mồ hôi nhễ nhại, chiếc áo sơ mi bạc màu ướt sũng sát vào người lộ rõ thân hình gầy còm. Chốc chốc Cảnh lại nhíu mày, cau có chửi thề: “Bà mẹ nó, cái gì ở dưới mà kéo hoài không lên”. Quẳng cây móc xuống đất, Cảnh xắn tay áo và dùng tay để kiểm tra xem vật gì. Dốc hết sức vẫn chưa kéo lên được đành phải vẫy tay ra hiệu cho Hùng đến trợ giúp. Thì ra đó là 1 thanh sắt lớn khoảng hơn 1m. Cảnh hồ hởi: “Lâu lắm mới gặp sắt lớn thế này, chắc khoảng chục kg”. Khệ nệ kéo thanh sắt ra khỏi đống bùn và đưa đến vũng nước đọng gần đó để rửa. “Cái này hên lắm mới gặp chứ không đến lượt mình đâu”, Hùng mừng vui khấp khởi.
Tai nạn nghề nghiệp
“1 bao bùn chưa đủ để đổi 1 kg gạo loại dở nhưng lại đủ để đổi lấy mạng sống của mình. Cuộc sống này ai cũng thế, mỗi người một nghề để kiếm cái ăn. Anh làm nghề này, tôi làm nghề khác, xã hội đã có sự phân công lao động mà. Mà nghĩ cũng buồn, mình như con gà, đói thì đi bới móc…”, ông Sáng triết lý bằng giọng chua chát. |
Làm nghề này rất nguy hiểm, không chỉ lo sợ về bệnh tật mà còn tai nạn. Ông Sáng nhăn mặt kể: “Ngày 23 tháng chạp năm ngoái tôi phải nhập viện vì giẫm phải miễng chai, vết thương ở gót chân gây nhiễm trùng. Lúc ấy bác sĩ bảo đến trễ ngày nữa là phải cưa chân vì đã có dấu hiệu hoại tử”. Thời gian trước, cha con ông Sáng ra đây là để tìm ve chai chứ không phải lấy bùn. Về sau này kiếm ve chai khó quá, đống đất có chút xíu mà mỗi ngày có hàng chục người đến đào bới, quần nát hết nên mới nghĩ ra chuyện lấy bùn về trộn đất bán cho người ta trồng cây kiểng.
Hùng kể lại: “Hôm cuối tuần vừa qua, bọn em được một phen hú hồn. Hai đứa đang loay hoay gom bùn thì chiếc xe ben chở bùn đến. Tưởng là sẽ đổ bên ngoài chỗ còn trống nhưng không ngờ xe lại de thẳng vào đống bùn tụi em đang đứng. Tài xế nhấn ga, xe lao nhanh, đoạn bị gập ghềnh do bùn khô lâu ngày khiến xe chao đảo. Hoảng quá hai đứa cắm đầu lao thẳng và đều bị rơi xuống cái hố đào cách đó khoảng 20 mét cũng là lúc chiếc xe ben lật ngay đống bùn”. Bảo tiếp: “Chậm là chết rồi, khi tai nạn xảy ra tài xế mới biết là có người đang ở phía sau xe, nếu xe không lật thì tụi em cũng chết vì chạy không kịp”.
Đêm nào không có bùn mới đổ thì nhiều người lại tận dụng đào bới bùn khô. “Lấy bùn khô khỏe hơn, người sạch sẽ hơn nhưng lại không có ve chai”. Bà Tám Thanh (quận 4) cho biết. Bà Tám Thanh trước đây bán xăng lẻ và cà phê ở vỉa hè đường Huỳnh Tấn Phát nhưng việc buôn bán ế ẩm, thấy người ta làm có tiền bà cũng chuyển sang nghề gom bùn. “Coi vậy chứ khỏe hơn là ngồi bán xăng, cà phê, mỗi ngày gom được ít lắm là 2 bao bùn cũng kiếm gần 20 ngàn đồng”. Lúc mới vào “nghề”, bà Tám Thanh cũng đã bị một số người dằn mặt vì miếng cơm của họ phải chia 5 xẻ 7. “Ngày đầu tiên tôi gom được 2 bao thì phải “đóng thuế” cho vợ chồng thằng Tý (huyện Nhà Bè) hết 1 bao. Ngày thứ 2 gom xong 2 bao, đạp xe rảo quanh các cơ sở trồng cây kiểng để bán thì chẳng ai mua vì đã có mối mang hết rồi. Cũng may là nhờ vào sự quen biết của mấy ông tài xế trước là khách đến uống cà phê của tôi nên nay cũng có được ba mối lấy bùn thường xuyên”, bà Thanh cho hay.
Vũ Thanh
Bình luận (0)