Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gom yêu thương gửi miền Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi con cá mặn mòi vị biển hay mỗi lon gạo ấm ngọt đất đồng làng của miền miền quê nghèo xứ khó miền Trung gom góp gửi đến với người lao động nghèo TP.HCM trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh không chỉ là những của cải vật chất hữu hình. Đó còn là cả tấm lòng chắt chiu, yêu thương gửi về miền Nam ruột thịt với nghĩa đồng bào…


Người Quảng Bình gom cá gửi người nghèo TP.HCM giữa mùa dịch Covid-19

Những con cá mặn mòi vị biển

Nắng tháng Bảy trên dải đất miền Trung như hắt lửa vào mặt. Ngay từ sáng sớm, cảng các Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã nhộn nhịp hơn thường lệ. Những thúng cá tươi rói được mang về từ những chuyến tàu vừa cập bờ đã có người cân, đưa lên tập kết. Thời tiết khắc nghiệt nhưng không khí lao động vui vẻ, những nụ cười tươi dòn vang cả bãi biển. Anh Trần Anh Tuyến, chủ nhà hàng Gốc Quê, trú tại thành phố Đồng Hới bộc bạch, với tinh thần sẽ chia với người nghèo khó ở TP.HCM là một trong những thành phố bị giãn cách xã hội, chúng tôi đứng ra kêu gọi bà con đóng góp ủng hộ, thu mua cá từ bà con ở làng biển Nhân Trạch để gửi vào TP.HCM. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, người dân Quảng Bình qua các đận bão lụt triền miên các năm qua cũng đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ rất nhiều từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, trong đó có rất nhiều mạnh thường quân ở TP.HCM nên việc góp cá này như một ân tình nhỏ để sẻ chia lại người những mảnh đời nghèo khó giữa ngày dịch bệnh hoành hành.

Gạt nhanh những giọt mồ hôi, bà Trần Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm CLB Du lịch Quảng Bình, đơn vị đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân, bà con nhân dân chung tay góp cá trong chương trình “Người Quảng Bình góp cá gửi TP.HCM” chia sẻ: “Quảng Bình là vùng đất có đặc sản biển phong phú và tươi ngon, nên chúng tôi nghĩ đến việc góp cá, kêu gọi những người Quảng Bình sống ở khắp mọi miền đất nước, cùng hỗ trợ, cùng chung tay để mua cá để gửi vào cho người dân ở TP.Hồ Chí Minh. Mong rằng những hành động này sẽ giúp bà con, nhất là lao động nghèo ở trong ấy có thêm sức bền để vượt qua thời điểm dịch bệnh khó khăn”. Sau đêm trắng sơ chế, đóng thùng đảm bảo để gửi đi, những chuyến xe đầu tiên mang theo những con cá tươi rói vừa đánh lên từ biển đã khởi hành từ mảnh đất miền Trung quê nghèo xứ khó đến với bà con ở TP.HCM. Bà Dung cho biết, CLB sẽ nỗ lực hết sức để góp được nhiều nhất số cá có thể để bữa cơm người nghèo khó giữa buổi dịch khó khăn được đủ đầy hơn.

Đến lọ muối, lon gạo thấm vị đất đồng làng

Nhiều ngày qua, với anh Hồ Ngọc Thanh – Chủ nhiệm Quỹ “Chuyến xe vạn tình” ở TP.Đà Nẵng gần như là những ngày đêm trắng. Cùng với việc vận động gây quỹ, tiếp tế thực phẩm, nước uống cho các chốt trực trên địa bàn thành phố, anh còn đứng ra vận động hỗ trợ gạo và quà cho người dân thu nhập thấp ở TP.HCM. Hơn 10 tấn gạo, nước sát khuẩn và các nhu yếu phẩm khác đã được những chuyến xe 0 đồng thẳng tiếng về miền Nam. Ở tận TP.HCM, Sư Quang Duyên- một trong những đầu mối trực tiếp tiếp nhận gạo, khảo sát đối tượng khó khăn liên tục cập nhật những điểm đến. Anh Thanh nói, giữa mùa dịch, ở đâu cũng có những hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi mong sẽ góp một chút gì đó để không có ai thiếu hụt bữa ăn, dù chỉ là cơm rau. Tôi tin đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh để vượt qua khó khăn”.


Những nông sản vườn nhà được gom góp gửi về miền Nam giúp người nghèo

Tất bật sửa soạn nhu yếu phẩm gửi về miền Nam, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hà – giáo viên Trường Mầm non xã Hải Trường (huyện Hải Lăng) trải lòng: “Mấy hôm nay chị em phụ nữ xã đang chuẩn bị những hộp muối ruốc thịt sả để gửi vào TP.HCM. Rồi bà con ai có gì góp cái đó, từ gạo, đậu lạc cho đến cân thịt vừa mua được bên chợ… Món quà tuy mộc mạc nhưng ai cũng gửi theo niềm hi vọng sẽ giúp được những hoàn cảnh ngặt nghèo, không đi làm được vì dịch bệnh”. “Mới hơn nửa năm trước thôi, bà con Quảng Trị bị lũ lụt gây thiệt nặng nề. Trong khó khăn chồng chất, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ, tiếp sức từ bà con miền Nam để vượt qua. Nay TP.HCM bị dịch bệnh, chúng tôi muốn chung tay chia sẻ để cùng nhau đi qua những ngày gian khó, của ít lòng nhiều, lá lành đùm lá rách. Hôm qua tới nay, bà con trong xã đã tặng rất nhiều củ quả và 500 lọ muối ruốc sả để gửi đi rồi”, chị Lê Thị Thuận, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Trường nói.

Ở tận một bản làng miền núi cao thuộc huyện Hướng Hóa, một người nông dân sẵn sàng tặng hẳn một con heo nặng tới 120kg để chung sức cùng bà con làm muối gửi tặng người lao động nghèo TP.HCM giữa mùa dịch với cả tấm lòng gói gọn trong câu nói ngắn: “Khi bà con khó khăn, mình có gì góp nấy. Chỉ cần cùng nhau vượt qua dịch Covid-19, trở lại cuộc sống bình thường là được, mọi thứ của cải khác mình có thể tiếp tục làm ra sau ngày cả nước hết dịch”. Muối hẳn nhiên là mặn nhưng nghĩa tình ấy còn “mặn” hơn khi với người nông dân một nắng hai sương, những con vật nuôi gần như là gia sản, là nguồn thu nhập lớn nhất của họ, cũng là của để dành khi khó khăn.

Những cụm từ “Miền Trung cố lên” hay “Miền Nam cố lên”… được nắn nót viết bằng nét bút mực dán trên những chiếc bánh chưng, hủ muối… không chỉ là những khẩu hiệu thông thường. Đó là niềm động lực để tiếp sức cho nhau qua ngày gian khó. Chỉ ngần ấy, với tình cảm chân thành. Nói như anh Hồ Ngọc Thanh: “Khi chúng ta cùng nhau, tất cả khó khăn sẽ qua đi, nhanh thôi. Cuộc sống sẽ bình yên trở lại”.


Hủ muối “mặn” nghĩa tình người Quảng Trị gửi về TP.HCM

Những ngày này, đâu đó trên mọi nẻo làng quê, tiếng gọi ban sớm của những người nông dân ở quê nghèo xứ khó miền Trung không phải là tiếng gọi ra đồng. Họ gọi nhau đi gom nhu yếu phẩm để gửi đến miền Nam. Những tiếng gọi nghe thương và ấm. Nhìn những giọt mồ hôi dần khô sau làn gió bật ra từ chiếc nón lá thay quạt giữa ngày nắng đổ lửa, những mái tóc bạc màu của các bà các mẹ cặm cụi trong gian bếp nhỏ, gửi gắm cả tấm lòng và tình cảm của mình để làm ra những hủ muối thật rưng rưng khó tả.

Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)